Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Việc hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 sẽ được thay đổi phù hợp với tình hình mới

Thứ Hai, 26/12/2016 11:07 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Năm 2013, liên bộ gồm: Ủy ban Dân tộc; Nông nghiệp và phát triển nông thông; Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư liên tịch số 05 hướng dẫn thực hiện Chương trình 135. Sang giai đoạn 2016 – 2020, Thông tư hướng dẫn này đã có nhiều điểm không còn phù hợp cần phải thay đổi.


Chương trình 135 đã góp phần đắc lực vào công tác xóa đói giảm nghèo vùng dân tộc thiểu số (Ảnh: Trần Quỳnh)

Những điểm không còn phù hợp của Thông tư số 05/2013/TTLT trong giai đoạn hiện nay

Thứ nhất, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũ quy định có hình thức Thông tư liên tịch giữa các bộ. Nhưng theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/7/2016, thì không còn hình thức Thông tư liên tịch giữa các bộ. Vì vậy, Thông tư liên tịch số 05/2013/TTLT (sau đây viết tắt là Thông tư 05) sẽ không còn phù hợp.

Thứ hai, Thông tư 05 là hướng dẫn thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2012 – 2015 theo Quyết định số 551/QĐ-TTg, ngày 04/4/2013 của Thủ tướng chính phủ. Nhưng nay, Chương trình 135 chuyển sang giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 1722/QĐ-TTg, ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, với những nội dung hoạt động đã khác so với giai đoạn trước.

Thư ba, về việc phân bổ nguồn vốn. Giai đoạn 2012 – 2015, Chương trình 135 được phân bổ vốn từ trung ương cho các địa phương theo định mức bình quân số xã, thôn thuộc diện đầu tư của Chương trình. Nhưng sang giai đoạn 2016 – 2020, việc phân bổ vốn theo khu vực I, II, III; theo tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ dân tộc; và theo tiêu chí, nguyên tắc chung của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020.

Thứ tư, về công tác lập kế hoạch thực hiện Chương trình 135. Trong giai đoạn 2012 – 2015, việc lập kế hoạch được xây dựng theo năm. Sang giai đoạn 2016 – 2020, việc lập kế hoạch được xây dựng cho hàng năm và cho cả giai đoạn theo quy định của Luật Đầu tư và các quy định, quy chế quản lý và điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Thứ năm, đối với các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng. Giai đoạn 2012 – 2015, Chương trình 135 thực hiện theo cơ chế chung cho tất cả các dự án xây dựng. Nhưng sang giai đoạn 2016 – 2020, thực hiện theo cơ chế đặc thù đối với một số dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020.

Thứ sáu, việc chỉ định thầu cũng có sự thay đổi. Giai đoạn 2012 – 2015, các gói thầu dưới 3 tỷ đồng sẽ chỉ định thầu. Nhưng sang giai đoạn 2016 – 2020, đối với những gói thầu dưới 500 triệu đồng đối với loại cung cấp dịch vụ tư vấn, dịch vụ phi tư vấn, dịch vụ công thì sẽ chỉ định thầu; và đối với gói thầu không quá 1 tỷ đồng đối với mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp, mua thuốc, vật tư y tế, sản phẩm công thì cũng sẽ chỉ định thầu.

Thứ bẩy, đối với các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Giai đoạn 2012 – 215, Chương trình 135 hỗ trợ các hoạt động: khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, khuyến công, giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vắc xin phòng các dịch bệnh nguy hiểm cho gia súc, gia cầm, mua sắm thiết bị, máy móc, công cụ sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch, xây dựng mô hình phát triển sản xuất.

Nhưng sang giai đoạn 2016 – 2020, ngoài những các hoạt động giống như giai đoạn trước, còn có thêm các hoạt động mới: hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế; nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển ngành nghề và dịch vụ; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người nghèo trong phát triển sản xuất; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nâng cao năng lực xóa đói giảm nghèo bền vững…

Đã đến lúc cần phải ban hành một Thông tư mới thay thế Thông tư số 05/2013/TTLT

Mới đây, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức một Hội thảo toàn quốc nhằm đánh giá lại kết quả thực hiện Thông tư 05; đồng thời lấy ý kiến của các bộ, ngành trung ương và các địa phương được thụ hưởng Chương trình 135 đối với công tác hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình 135 giai đoạn 2016 – 2020.

Nhìn chung các đại biểu đều thống nhất đồng tình cho rằng Thông tư 05 đã không còn phù hợp và đã đến lúc cần thiết phải ban hành một Thông tư mới thay thế.

Đại diện của UBND tỉnh Cần Thơ cho rằng để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình 135 trong giai đoạn tới, đề nghị cần đảm bảo về nguồn lực, nhất là việc quy định về chế độ, định mức, hỗ trợ theo kịp với biến động giá cả (hoặc cơ chế linh hoạt theo từng vùng, miền) để đảm bảo thực hiện hiện hoàn thành các mục tiêu của chính sách. Đồng thời, để giải quyết các vấn đề pháp luật về dân tộc liên quan đến mọi lĩnh vực cần có văn bản pháp lý cao nhất, cần có Luật Dân tộc và đó sẽ là khung pháp lý cơ bản điều chỉnh các vấn đề dân tộc và quan hệ dân tộc để tạo điều kiện cho việc thực hiện công tác dân tộc thực chất hơn.

Đại diện của UBDN tỉnh Đắk Lắc thì kiến nghị trong Thông tư mới cần xây dựng chính sách đặc thù cho cán bộ làm công tác dân tộc, đồng thời phải quan tâm củng cố kiện toàn đội ngũ (cả về lượng và chất) cán bộ làm công tác dân tộc ở các cấp.

Đại diện UBND tỉnh Lào Cai đề nghị: Trong giai đoạn tới, Chương trình 135, cũng như các chương trình, dự án khác về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo đối với vùng miền núi cần đa dạng hoá nguồn tài chính cho đầu tư bằng chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư vào vùng dân tộc, tăng cường khai thác các nguồn vốn từ hợp tác quốc tế cho phát triển vùng dân tộc.

Đại diện UBND tỉnh Bình Thuận kiến nghị với Chính phủ cần quy định tỷ lệ thích hợp trong bố trí cán, công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số theo từng vùng, miền phù hợp; có chế độ, chính sách đặc thù đối với cán bộ làm công tác dân tộc các cấp.

Đáng chú ý, các đại biểu đã đồng tình rất cao với đề xuất của Ủy ban Dân tộc là trong thông tư mới sẽ bổ sung thêm nội dung hướng dẫn về dự án nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở. Đây là nội dung mà thông tư cũ không có./.

 

Trí Dũng

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN