Vị tướng Anh hùng trong lòng dân
(ĐCSVN) - Đó chính là Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X.
Những ngày tháng 7 hàng năm, ông luôn dành thời gian đến viếng thăm, dâng hương cho các đồng đội đã nằm xuống ở nghĩa trang trên cả nước. (Ảnh: VnExpress)
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước sinh ngày 3/2/1926, tại xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An trong một gia đình thuần nông ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều danh tướng. Chính nền tảng quê hương và gia đình đã hun đúc nên truyền thống hiếu học, trung thực, giữ đạo nghĩa của tướng Thước.
Ông được kết nạp bí mật vào Việt Minh từ tháng 4/1945. Sau khi giành chính quyền tại địa phương, ông làm Phó bí thư rồi Bí thư Huyện đoàn Nghi Lộc. Đầu năm 1949, chàng thanh niên trí thức Nguyễn Quốc Thước tình nguyện nhập ngũ, đi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1) khóa 5. Cuối năm 1950 ra trường, ông vào chiến trường Bình-Trị-Thiên, cùng đơn vị vượt qua muôn vàn khó khăn, giữ vững địa bàn, phát động kháng chiến giành thắng lợi.
Trong Chiến dịch Trung Hạ Lào cuối năm 1953, đầu năm 1954, với cương vị Phó đại đội trưởng rồi Đại đội trưởng, ông đã chỉ huy đơn vị phối hợp cùng các đơn vị bạn và bộ đội Pa-thét Lào chiến đấu dũng cảm, mưu trí, tiêu diệt nhiều tiểu đoàn lính Âu-Phi, bắt tù binh, thu vũ khí của địch, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Quân ủy Trung ương và Tổng Tư lệnh giao là kìm chân lực lượng lớn chủ lực của địch từ xa, tạo điều kiện cho chiến trường chính Điện Biên Phủ giành thắng lợi…
Có thể nói, cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, gắn liền với những cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Ông tham gia chiến đấu khắp các mặt trận Bắc – Trung – Nam, ở cả 3 chiến trường Việt Nam – Lào – Campuchia; đánh hàng trăm trận lớn, nhỏ, trong đó, có những trận đánh do ông trực tiếp chỉ huy được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, như trận Chư-Pa ở Tây Nguyên (tháng 1/1969) do ông làm Trung đoàn trưởng.
Chiến dịch Tây Nguyên năm 1975 là chiến dịch then chốt làm thay đổi cục diện chiến trường toàn miền Nam để tiến tới ngày toàn thắng. Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là Tham mưu trưởng Chiến dịch Tây Nguyên, là người “kiến trúc sư trưởng” của tập thể cán bộ tham mưu đầy tài năng dưới sự chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, đã xây dựng phương án tấn công địch không có phòng ngự, đỉnh cao của nghệ thuật nghi binh “dương Đông, kích Tây”, “tương kế, tựu kế”…
Với gần 50 năm quân ngũ, trải qua hầu hết các chiến trường ác liệt, từ khi là chiến sĩ đến lúc trở thành một vị tướng, trên các cương vị chỉ huy cao cấp như: Tư lệnh Quân đoàn 3, Tư lệnh Quân khu 4, ông luôn yêu thương, gần gũi cấp dưới và gắn bó mật thiết với nhân dân, dựa vào dân để hoàn thành nhiệm vụ, trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Đáng chú ý, là đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An các khóa VIII, IX, X, tên tuổi và những dấu ấn của ông trong suốt 3 nhiệm kỳ Quốc hội vẫn lưu giữ trong ký ức của nhiều người. Ông là đại biểu luôn tích cực phát biểu và nổi tiếng với phong cách thẳng thắn, có lúc rất quyết liệt, gay gắt. Ông luôn tâm niệm: "Dù là đại biểu kiêm nhiệm, còn phải lo nhiều nhiệm vụ chuyên môn khác, nhất là khi làm Tư lệnh Quân khu 4, nhưng với cương vị là đại biểu của nhân dân, do nhân dân tín nhiệm bầu ra thì không thể mang tiếng là “Nghị gật”. Vì thế, ông nổi tiếng với những phát biểu, chất vấn thẳng thắn, trách nhiệm và được nhiều người ví là “lò thuốc súng giữa nghị trường”... Về điều này, ông cho rằng: “là đại biểu của dân thì phải nói được ý dân và dù nói theo góc độ nào thì cũng trên tinh thần xây dựng, vì sự phát triển chứ không có nghĩa nói đụng chạm là “chọc phá”, là khích bác ai đó”.
Trung tướng Thước cũng luôn mong cán bộ của Đảng, của Nhà nước được Quốc hội tin tưởng phê chuẩn hay bầu giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước phải thật sự là công bộc của dân, không dựa vào chức quyền để tham nhũng, quan liêu, làm khó cho dân. Vì vậy, nhận thấy bộ, ngành nào khi ban hành chủ trương, quyết định không đứng trên lợi ích của dân, với cương vị đại biểu Quốc hội, ông thẳng thắn nêu rõ vấn đề. Điển hình như là qua nhiều kỳ họp của hai nhiệm kỳ khóa IX và khóa X mà lãnh đạo Bộ Năng lượng (sau này là Bộ Công Thương) cứ trả lời loanh quanh, không giải quyết đến nơi đến chốn, ông đã đề nghị Thủ tướng trả lời công khai để cử tri biết. Trước yêu cầu chính đáng đó, Thủ tướng Phan Văn Khải đã trả lời trước Quốc hội là Nhà nước sẽ bồi hoàn lại cho dân để đưa vào đầu tư cơ sở hạ tầng cho dân, cán bộ không được bớt. Thế là dân yên tâm và hoan nghênh Thủ tướng, càng quý ông đại biểu là sĩ quan quân đội hay nói thẳng vì lợi ích chính đáng của dân.
Kể cả sau này khi đã nghỉ hưu, trước những vấn đề nóng của đất nước, từ công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng hay tình hình Biển Đông, ông luôn có những góp ý, bình luận sắc sảo được dư luận cả nước đánh giá cao. Ông tâm niệm: “Tôi là một người lính. Tôi và rất nhiều đồng đội đã hy sinh xương máu và những người lính của tôi cũng đã nằm xuống để bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, trong thời bình, còn sức lực tôi còn chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của người dân”.
Với quan điểm đó, ông luôn tâm huyết trong xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh các quan điểm sai trái, chống phá của các thế lực thù địch. Cụ thể, ông đã tích cực tham gia ý kiến xây dựng văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; Đảng bộ địa phương; có 3 lần góp ý trực tiếp với đồng chí Chủ tịch Quốc hội; cùng Câu lạc bộ Cựu đại biểu Quốc hội có chính kiến với Ban Thường vụ Quốc hội về việc chưa nên thông qua luật về 3 đặc khu vì lòng dân chưa thuận, tránh các thế lực phản động lợi dụng kích động. Tham gia với lãnh đạo thành phố Hà Nội về giải quyết vụ việc Đồng Tâm, Mỹ Đức với các biện pháp giải quyết, không làm tình hình phức tạp thêm. Góp ý với Bộ Quốc phòng và Ban Bí thư về những đối sách nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, chủ quyền biển đảo, ổn định tình hình. Tham gia chính kiến để giải tán các hội hoạt động trái phép trên địa bàn như “Câu lạc bộ Hồ Chí Minh”, “Hội hỗ trợ Người có công”… Bởi hơn ai hết, vị tướng 97 năm tuổi đời, 76 năm tuổi Đảng thấu hiểu giá trị của hai chữ “độc lập, tự do” mà biết bao thế hệ đã chiến đấu, hy sinh để có được như ngày hôm nay.
Chưa hết, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cũng tích cực tham gia xây dựng địa phương, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; sống mẫu mực, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng, tín nhiệm, có uy tín cao, lan tỏa trong nhân dân. Đặc biệt, ông tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, nhất là đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ, các đồng chí, đồng đội có hoàn cảnh khó khăn. Điều ông trăn trở nhất suốt đời binh nghiệp “là còn nhiều lắm những hài cốt liệt sĩ trong chiến tranh, kể cả trên đất mẹ cũng như đất khách vẫn còn chưa tìm lại được”.
Ông từng tâm sự: “Đơn vị của tôi ở Tây Nguyên, cho đến khi tôi hoàn thành nhiệm vụ đã có trên 3,4 vạn liệt sĩ”. Bởi thế, mỗi dịp tháng Bảy tri ân, dù sức khỏe đã rất yếu nhưng vị tướng già vẫn luôn mong muốn có thể tự mình đến thắp hương cho đồng đội, những người đã cùng ông vượt qua mưa bom, bão đạn, vượt qua những gian nguy vì lý tưởng cao đẹp là giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân…
Đánh giá về ông, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão từng nhận xét: “Tôi nghĩ rằng, người Nghệ An có nhiều tấm gương trong sáng từ các thế hệ trước cho đến nay. Nhưng mà thế hệ tôi được gặp gỡ, tiếp xúc thì tôi thấy Trung tướng Nguyễn Quốc Thước là một con người rất tiêu biểu cho tính cách của người Nghệ An, đó là sự kiên cường, tâm huyết, sống trung thực, chân thành và có nhiều ý kiến đóng góp sắc sảo cho Quốc hội. Ai cũng ca ngợi về sự thẳng thắn, chính trực của ông”.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng nhận xét: Trung tướng Thước là vị tướng trí dũng, kiên trung, có nhiều đóng góp quan trọng vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, làm nghĩa vụ quốc tế, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng đất nước.
Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (thứ 5 từ trái sang) nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2022.
Với những đóng góp của mình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công (hạng Nhì, Ba); Huân chương Kháng chiến (chống Pháp) hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến công (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huân chương Chiến sĩ giải phóng (hạng Nhất, Nhì, Ba); Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy chương Vì Thế hệ trẻ; Huy chương Vì sự nghiệp nhân đạo; Huy chương Vì sự nghiệp phụ nữ; Huy chương Vì sự nghiệp công đoàn. Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen trong 5 năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị; từ năm 2016-2021 được Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng 3 Bằng khen; UBND thành phố tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt năm 2019; Hội Cựu chiến binh thành phố tặng 3 Bằng khen của Thành hội và nhiều giấy khen của UBND quận và phường. Năm 2020, ông đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Gần đây nhất, đúng dịp 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô 10/10/2022, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước vinh dự được tôn vinh là 1 trong 10 Công dân ưu tú của Thủ đô năm 2022.
Trao đổi với phóng viên khi nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước chia sẻ: “Trái tim tôi luôn hướng về Tổ quốc, hướng về nhân dân. Do vậy, tôi còn sống, thì còn chiến đấu với giặc nội xâm. Hai kẻ thù đó, chúng ta phải kiên quyết đẩy lùi để bảo đảm đất nước hoà bình và ngày càng phồn vinh, thịnh vượng”. Từng là Ủy viên Trung ương Đảng, tôi cảm thấy rất đau lòng khi có nhiều cán bộ bị kỷ luật thời gian vừa qua. Nhưng để bộ máy trong sạch, bất kể ai sai phạm đều phải xử lý nghiêm… Cá nhân tôi tin rằng, chúng ta sẽ từng bước đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực để làm cho bộ máy của Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh.
Có một điều đặc biệt khác khi nói về Trung tướng Nguyễn Quốc Thước mà người ta không thể không nhắc tới. Đó chính là mối tình son sắt, thủy chung với người vợ đã thay ông nuôi dạy các con cái trưởng thành, có ích cho xã hội. Có một sự kiện không thể nào quên là cuối năm 1974, ông được Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên cử ra Bắc gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp để báo cáo tình hình và nhận chỉ thị trực tiếp của Đại tướng. Khi biết tin đã hơn 10 năm vào chiến trường Tây Nguyên mà ông chưa ra được Bắc thăm vợ con lần nào, Đại tướng đã rất xúc động về tấm gương hy sinh “việc riêng” để vì việc nước như vậy. Đại tướng đã cử cán bộ để sắp xếp cho hai vợ chồng ở bên nhau sau thời gian đằng đẵng xa cách… Chính bà là chỗ dựa tinh thần tuyệt vời suốt mấy chục năm tần tảo ở quê nghèo Nghệ An chịu bao thiệt thòi, không có tuổi thanh xuân bên chồng để ông yên tâm đánh giặc.
Ông từng tâm sự: “Vợ tôi không có một ngày thanh xuân hạnh phúc, chúng tôi lấy nhau mà chưa được một ngày đi chơi với nhau, như những lứa đôi khác”. Mười lăm ngày sau lần gặp đầu tiên thì ông bà tổ chức cưới. Ở bên vợ được một đêm thì đã phải trở lại đơn vị. Sau đó, ông vào Nam gần 10 năm liền không có tin tức gì… Vợ chồng sống sum họp được 5 năm thì bà bị tai biến. Bởi vậy, sau khi ông nghỉ hưu, suốt nhiều năm bà ốm đau, bạo bệnh, ông luôn một mình tự tay chăm sóc. Với Trung tướng, đó là hạnh phúc lớn lao của ông để bù đắp phần nào những hy sinh mà bà đã dành cho ông.
Cuối năm ngoái, khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, có đồng chí nói vui: Thủ trưởng của chúng ta còn xứng đáng là anh hùng cả khi đã nghỉ hưu vì công lao tận tình chăm sóc bác gái hơn chục năm bệnh nặng thì ông nói: "Tôi muốn tặng cả danh hiệu Anh hùng này cho bà nhà tôi"./.