Chấm dứt ngay tình trạng “phó mặc” công tác phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng chữa cháy
(ĐCSVN) - Tại Hội nghị giao ban Quý II/2024 của Thành ủy Hà Nội diễn ra vào chiều 28/6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến khẳng định công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH) là của cả hệ thống chính trị, không phải chỉ riêng của lực lượng Công an; chấm dứt ngay tình trạng “phó mặc” công tác phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Quang cảnh Hội nghị. |
Tình hình cháy, nổ trên địa bàn Thành phố diễn biến phức tạp
Trình bày báo cáo về kết quả công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn Thành phố Hà Nội tại Hội nghị giao ban Quý II/2024 của Thành ủy Hà Nội, Đại tá Nguyễn Thành Long, Phó Giám đốc Công an Thành phố, cho biết trong 06 tháng đầu năm đã xảy ra 595 vụ cháy nổ làm 20 người chết và 09 người bị thương; thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 5,1 tỷ đồng và đang tiếp tục thống kê. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ cháy tăng 257 vụ; thiệt hại về người tăng 15 người chết.
Trong đó, cháy xảy ra ở các quận nội thành chiếm 60,61% (360 vụ), 73,09% số vụ cháy (434 vụ) xảy ra do sự cố, hệ thống thiết bị điện. Loại hình xảy ra cháy tại nhà dân đơn lẻ, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ lệ cao 74,04% trên tổng số vụ (328 vụ).
Nguyên nhân vụ cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện chiếm hơn 73%; còn lại là các nguyên nhân do sơ suất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt hơn 10%; do vi phạm về quy định phòng cháy, chữa cháy (PCCC) 0,34% và các nguyên nhân khác.
Về địa bàn, cơ sở, TP Hà Nội có tổng số 579 xã, phường, thị trấn với 412 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao; tổng số cơ sở thuộc diện quản lý trên địa bàn Thành phố 137.228 cơ sở.
Về giao thông, Hà Nội có 5.377 khu dân cư, 5.437 tuyến đường, phố , hẻm, ngõ nằm sâu từ 200m trở lên, xe chữa cháy không thể tiếp cận được; 223 tuyến đường, phố, hẻm, ngõ có bục, bệ, barie,.. chắn ngang cản trở hoạt động của xe chữa cháy.
Qua rà soát thống kê, trên địa bàn Thành phố có 2.980 cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào hoạt động trước khi Luật PCCC năm 2001 có hiệu lực; trong đó có 2.971 cơ sở đã cam kết lộ trình, thời hạn khắc phục. Tuy nhiên, qua theo dõi việc triển khai thực hiện của các đơn vị còn chậm, với chỉ tiêu Thành phố giao trong năm 2024 hoàn thành khắc phục ít nhất 70% cơ sở (tương ứng 2.086 cơ sở), hiện tại mới có 91 cơ sở hoàn thành việc khắc phục các tồn tại về PCCC, đạt 4.3%; như vậy khả năng lớn năm 2024 các đơn vị không hoàn thành được chỉ tiêu Thành phố giao.
Đối với công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, lực lượng cảnh sát PCCC đã duy trì nghiêm túc, quân số, phương tiện, thiết bị, sẵn sàng để thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Thường xuyên thực hiện việc kiểm tra, đánh giá, kịp thời phát hiện các tồn tại, thiếu sót và có biện pháp khắc phục.
Hoạt động tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy nổ, CNCH đảm bảo thông suốt 24h/24h, 100% tin báo cháy, sự cố, tai nạn được tiếp nhận và xử lý theo quy định.
Mạng lưới về nguồn nước (trụ nước, nguồn nước tự nhiên, các bể chứa nước ...) đã được CATP định vị trên bản đồ Google Maps giúp chỉ dẫn các đơn vị khai thác hiệu quả khi tổ chức chữa cháy.
Về kết quả hướng dẫn, vận động hộ gia đình, nhà ở để kết hợp sản xuất, kinh doanh, đã đạt 229.481/304.722 hộ (75.3%) hộ gia đình thực hiện mở lối thoát nạn thứ 2. Đặc biệt, đã có 18/30 quận, huyện, thị xã hoàn thành chỉ tiêu 100% hộ gia đình cần có lối thoát nạn thứ 2.
Khẩn trương, quyết liệt kiểm tra, hướng dẫn, giám sát tiến độ thực hiện từng chỉ tiêu PCCC
Phát biểu kết luận Hội nghị về nội dung này, Phó Bí thư thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, thời gian vừa qua, tình hình cháy, nổ diễn biến hết sức phức tạp. 9 tháng trở lại đây, trên địa bàn thành phố liên tiếp xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản ở loại hình nhà ở, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ở cho thuê trọ...
Trước diễn biến phức tạp này, thành phố đã ban hành nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, đặc biệt là Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-9-2023, Công văn số 1150-CV/TU ngày 29-5-2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác PCCC và CNCH trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới. Nhờ đó, công tác PCCC và CNCH cũng đã có chuyển biến tích cực.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này chưa được khắc phục, dẫn đến nhiều vụ cháy làm chết nhiều người, thiệt hại nghiêm trọng về tài sản. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương cấp huyện, xã còn có tư tưởng “thoái thác”, “trông chờ” vào lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH. Thêm vào đó, nhận thức, ý thức về PCCC của một bộ phận người đứng đầu cơ sở, chủ hộ gia đình còn hạn chế, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCCC; còn tư tưởng lơ là, chủ quan, đặt lợi ích kinh tế lên trên hết mà không quan tâm đến đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn PCCC…
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. |
Để khắc phục tình trạng trên, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đề nghị, tập trung xây dựng, sớm hoàn thiện “Đề án nâng cao năng lực và bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Thủ đô giai đoạn đến năm 2025, định hướng năm 2030”. Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố về công tác PCCC và CNCH trên địa bàn Thủ đô.
Đồng thời, tăng cường sự quan tâm, chủ động trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước gắn với công tác PCCC và CNCH theo thẩm quyền; tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định của pháp luật, các chuyên đề kế hoạch về PCCC; phải xác định rõ công tác PCCC và CNCH là của cả hệ thống chính trị, không phải chỉ riêng của lực lượng Công an; chấm dứt ngay tình trạng “phó mặc” công tác phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức trực quan sinh động; chủ động hướng dẫn các địa bàn, cơ quan, đơn vị, cơ sở xây dựng lực lượng PCCC tại chỗ, lực lượng PCCC tình nguyện.; tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh tự trang bị, lắp đặt hệ thống cảnh báo cháy sớm để phòng ngừa sự cố, giảm nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.
Tiếp tục kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát tiến độ thực hiện từng chỉ tiêu của từng chuyên đề, kế hoạch, trên cơ sở đó kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đồng thời xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm hoặc không thực hiện chỉ đạo của Thành phố.
Khẩn trương, quyết liệt trong việc kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn, góp phần hạn chế cháy, nổ do mất an toàn điện gây ra; xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý và sử dụng điện.
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến lưu ý thường xuyên, định kỳ kiểm tra, rà soát hệ thống giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy trên địa bàn Thành phố để chủ động trong công tác chữa cháy; đồng thời giải tỏa kịp thời các vi phạm lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, xây bục bệ, cầu dẫn, dựng barie, hàng rào, treo bảng, biển… gây cản trở hoạt động chữa cháy và CNCH; tiến hành khảo sát, điều tra cơ bản các phương tiện ngoài lực lượng để sẵn sàng huy động khi có yêu cầu.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác thường trực, tiếp nhận thông tin, huy động nhanh nhất lực lượng, phương tiện để dập tắt ngay đám cháy, kịp thời cứu người, tài sản. Thường xuyên tổ chức diễn tập phương án chữa cháy có sự phối hợp với nhiều lực lượng tại các cơ sở trọng điểm, cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao.../.