Tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lợi ích chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh
(ĐCSVN) - Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và những yêu cầu để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam.
- Cơ hội và thách thức với Việt Nam trong đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh
- Xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh bền vững, hiệu quả
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phát biểu kết luận Hội thảo. |
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu kết luận của đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương tại Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn” diễn ra ngày 26/6, tại thành phố Nam Định.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Kính thưa các nhà khoa học và toàn thể các đồng chí tham dự hội thảo!
Sau hơn 3 giờ làm việc với tinh thần nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm của các nhà khoa học, Hội thảo khoa học Quốc gia “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn” đã thành công tốt đẹp.
Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 168 bài tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học từ các ban, bộ, ngành Trung ương đến địa phương nói chung, và các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp trên cả nước nói riêng. Đặc biệt, trong khuôn khổ Hội thảo, chúng ta đã được nghe phát biểu chào mừng Hội thảo của của đồng chí Phạm Gia Túc - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; phát biểu khai mạc Hội thảo của đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Báo cáo đề dẫn hội thảo của đồng chí PGS. TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật. Hội thảo cũng được nghe 9 báo cáo tham luận trực tiếp của các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, chuyên gia, đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong đó đã tập trung phân tích, luận giải, làm rõ các nội dung khoa học xoay quanh chủ đề của Hội thảo chủ yếu sau:
Thứ nhất, các tham luận tại Hội thảo đều khẳng định: Phát triển kinh tế xanh là xu hướng tất yếu của nền kinh tế của mỗi quốc gia trên thế giới hiện nay và trong tương lai, nhằm đạt được sự tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, trong khi vẫn duy trì sự bền vững về môi trường. Trước diễn biến ngày càng nghiêm trọng của tình hình biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên thời gian qua, đòi hỏi các nước phải tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững.
Tại Hội thảo, đã tập trung làm rõ những vấn đề lý luận chung về phát triển kinh tế xanh, trong đó đã phân tích về các quan niệm, nhận thức, các yếu tố tác động, đặc điểm, và nội hàm phát triển kinh tế xanh trong bối cảnh hiện nay. Mặt khác hội thảo đã phân tích những kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới về phát triển kinh tế xanh và gợi mở cho Việt Nam. Đồng thời nêu rõ Việt Nam là nước đang phát triển cần phải đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh để sớm trở thành một nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại.
Thứ hai, các ý kiến tham luận đã phân tích thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam thời gian qua. Với các quyết sách đúng đắn cùng sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng với nhận thức của cộng đồng xã hội về tầm quan trọng của kinh tế xanh, sự hỗ trợ của các nước, các tổ chức và bạn bè quốc tế, cho đến nay nền kinh tế Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trên hành trình “xanh hóa”. Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch hành động, văn bản chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường. Trong lĩnh vực công nghiệp, đã và đang triển khai nhiều biện pháp tích cực nhằm quản lý và hạn chế phát thải khí nhà kính, hóa chất độc hại từ các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời nghiên cứu phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, áp dụng máy móc kỹ thuật mới thân thiện với môi trường, phát triển các ngành công nghiệp xanh gắn với mô hình kinh tế tuần hoàn, sản xuất sạch hơn, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên. Về lĩnh vực nông nghiệp chuyển đổi sang xu hướng xanh với công nghệ sinh học, phân bón sinh học, nông nghiệp hữu cơ và xuất khẩu nông sản hữu cơ, áp dụng những tiến bộ trong canh tác và nghiên cứu về giống, kỹ năng thâm canh mới để tạo ra sự gia tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, đồng thời bảo đảm các giá trị xanh với môi trường và an toàn với con người. Về lĩnh vực dịch vụ với sự hỗ trợ của các công nghệ tiên tiến, vừa chuyển đổi theo hướng xanh hóa, vừa nâng cao chất lượng trải nghiệm và tính tiện ích cho người dùng, như các mô hình du lịch thông minh, du lịch xanh thu hút lượng lớn khách du lịch trong nước và quốc tế; dịch vụ vận tải trên các nền tảng công nghệ số; dịch vụ thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt; dịch vụ mua sắm online, thương mại điện tử; dịch vụ công trực tuyến… làm thay đổi đáng kể thói quen, hành vi sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế xanh. Đặc biệt, việc phát triển kinh tế xanh đã có ảnh hưởng tích cực đến lao động trong nước, cơ cấu lao động Việt Nam có xu hướng chuyển dịch rõ nét theo hướng phi nông nghiệp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa nền kinh tế, đồng thời bổ sung và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào phát triển kinh tế quốc gia. Với những nỗ lực xanh hóa nền kinh tế thời gian qua, Việt Nam đã được xếp thứ 73/245 quốc gia và thứ 16/50 quốc gia ở châu Á về chỉ số tăng trưởng xanh năm 2023, với điểm chỉ số là 56,44.
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cùng các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội thảo. |
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, nhiều ý kiến cũng làm rõ những hạn chế, khó khăn, thách thức đặt ra trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay bao gồm: Về hành lang pháp lý, mặc dù đã có nhiều chính sách về phát triển kinh tế xanh được ban hành, song nhìn chung hệ thống pháp luật và các văn bản pháp quy hiện nay vẫn chưa thật sự đồng bộ, bao trùm đầy đủ các khía cạnh của kinh tế xanh. Công tác quản lý thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh ở các ngành, vùng và địa phương trên cả nước chưa thật sự liên kết và thống nhất với nhau. Nhận thức của người dân và doanh nghiệp Việt Nam về kinh tế xanh còn hạn chế. Quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh còn thiếu đồng bộ và gặp phải những rào cản rất lớn về nguồn vốn, nguồn lực khoa học và công nghệ, nhiều máy móc kỹ thuật, dây chuyền sản xuất hiện nay ở nước ta đã cũ kỹ, lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng và phát thải lớn... Nguồn nhân lực chất lượng cao không đủ đáp ứng nhu cầu phát triển và “xanh hóa” trong từng lĩnh vực, sự chuyển dịch cấu trúc nguồn nhân lực sang hướng tăng trưởng xanh còn chậm... Thiếu hụt nguồn năng lượng tái tạo, ít phát thải để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hiện nay. Còn nhiều tồn tại, bất cập trong cách thức quản lý môi trường ở một số địa phương, trong giám sát và thực hiện cam kết của các doanh nghiệp về bảo vệ môi trường, vấn đề ô nhiễm môi trường nhất là ở các khu đô thị lớn vẫn diễn biến phức tạp…
Thứ ba, tại hội thảo đã phân tích toàn diện bối cảnh, tình hình thế giới và trong nước thời gian tới và những tác động đến quá trình phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Các ý kiến đặc biệt nhấn mạnh, biến đổi khí hậu có nguy cơ diễn biến phức tạp và khó lường, sự thiếu hụt về tài nguyên thiên nhiên, năng lượng cũng như nguy cơ suy thoái kinh tế thời gian tới đã và đang đặt ra rất nhiều thách thức đối với mục tiêu tăng trưởng xanh cũng như cam kết quốc tế về đạt mức phát thải ròng bằng “0” của Việt Nam vào năm 2050. Trong bối cảnh đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau đây để tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế xanh hiệu quả trong thời gian tới:
Một là, hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh đồng bộ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào nền kinh tế xanh và hưởng lợi từ mô hình này. Nghiên cứu, ban hành hệ thống các chỉ số, tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn về tăng trưởng xanh ngang tầm với các tiêu chuẩn quốc tế để quản trị trên phạm vi cả nước, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu về tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh của quốc gia và từng ngành, từng địa phương.
Hai là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân về lợi ích của việc chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh và những yêu cầu để phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Từ đó, phát huy trách nhiệm và thay đổi hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của doanh nghiệp, người dân theo hướng “xanh hóa”, bền vững và thân thiện với môi trường, có những hành động thiết thực nhằm góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục hồi tài nguyên và hệ sinh thái, thực hiện tăng trưởng xanh.
Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương cùng các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo. |
Ba là, xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế xanh theo từng giai đoạn phát triển của đất nước theo hướng phát triển bền vững, xây dựng cơ cấu kinh tế xanh với ba trụ cột: nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu. Trong đó chú trọng nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; thay đổi cơ cấu nhiên liệu trong công nghiệp và giao thông vận tải theo hướng tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, ít phát thải nhà kính; phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững; rà soát, điều chỉnh quy hoạch các ngành sản xuất, dần hạn chế những ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm, suy thoái môi tường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên; thúc đẩy các ngành kinh tế xanh phát triển nhanh, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, đảm bảo đời sống người dân và an sinh xã hội; phát triển kết cấu hạ tầng bền vững phục vụ tăng trưởng xanh; đổi mới công nghệ, áp dụng phổ biến sản xuất sạch hơn; đô thị hóa bền vững cùng với xây dựng nông thôn mới với lối sống hòa hợp với môi trường, tăng cường quản lý môi trường, xây dựng cơ chế báo cáo và phản ứng nhanh với các sự cố môi trường; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh.
Bốn là, huy động tối đa và phân bổ hợp lý các nguồn lực trong và ngoài nước vào quá trình chuyển dịch sang tăng trưởng xanh. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp triển khai hoạt động sản xuất kinh doanh theo tiêu chí tăng trưởng xanh. Khuyến khích và chú trọng thu hút các nguồn vốn vay, ODA, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, tổ chức quốc tế, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tham gia thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Tăng cường hoạt động giao lưu, hợp tác với cộng đồng quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế để đạt được các mục tiêu quốc gia về phát triển xanh. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án đầu tư quy mô lớn, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị; cũng như học tập kinh nghiệm phát triển xanh của các quốc gia tiên tiến để áp dụng vào Việt Nam.
Năm là, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực phục vụ cho chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh. Tổ chức đào tạo và bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản trị, điều hành, thích ứng trong mô hình nền kinh tế xanh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, hoạch định chiến lược, quy hoạch, lãnh đạo các tổ chức, doanh nghiệp. Gắn nội dung về phát triển kinh tế xanh với các ngành, lĩnh vực đào tạo ở các cấp học, bậc học. Đầu tư cho nghiên cứu phát triển và ứng dụng các công nghệ xanh, năng lượng tái tạo, giải pháp đẩy mạnh xanh hóa sản xuất và tiêu dùng, nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về kinh tế xanh để cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh ở nước ta phù hợp với bối cảnh, yêu cầu nhiệm vụ và khả năng chuyển đổi trong từng giai đoạn.
Kính thưa các quý vị đại biểu!
Kính thưa các nhà khoa học và toàn thể các đồng chí tham dự Hội thảo!
Ban Tổ chức trân trọng cảm ơn các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học đã quan tâm, viết, gửi bài tham gia và trực tiếp phát biểu tham luận tại Hội thảo hôm nay. Ý kiến của các nhà khoa học và các đại biểu sẽ cung cấp thêm những luận cứ khoa học hữu ích, góp phần giải quyết những vấn đề đang đặt ra đối với việc phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam hiện nay. Nhiều mô hình hay, bài học kinh nghiệm sâu sắc và các giải pháp có giá trị cao đưa ra trong Hội thảo hôm nay sẽ là cơ sở để các cơ quan xây dựng kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm tiếp tục xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh bền vững, hiệu quả và tăng trưởng ở Việt Nam trong thời gian tới, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo, tôi xin chân thành cảm ơn sự đóng góp quý báu của các quý vị đại biểu, các nhà khoa học đã góp phần quan trọng vào thành công của Hội thảo hôm nay.
Xin trân trọng cảm ơn!