Truyền dạy nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số vùng ĐBSCL
(ĐCSVN) - Hoạt động truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số nhằm tuyên truyền, phổ biến nghề thủ công truyền thống trong đồng bào nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo những sản phẩm thủ công phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 1536 /QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức truyền dạy, bảo tồn nghề thủ công truyền thống các dân tộc thiểu số vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Đây là hoạt động nhằm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 10 tháng 01 năm 2018 của Ban Bí thư về tăng cường công tác ở vùng đồng bào dân tộc Khmer trong tình hình mới và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch tại địa phương. Truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số vùng đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh các nghề thủ công truyền thống đang bị mai một trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến nghề thủ công truyền thống trong đồng bào nhằm nâng cao nhận thức của người dân về các giá trị văn hóa của nghề thủ công truyền thống, động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số sáng tạo những sản phẩm thủ công phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hằng ngày.
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Trà Vinh. |
Theo đó, trong Quý III/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức tập huấn, truyền dạy nghề thủ công truyền thống chế tác nhạc cụ đàn cò của đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh. Hoạt động này góp phần truyền dạy, bảo tồn tri thức dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là vai trò của nghề thủ công truyền thống trong phát huy thế mạnh địa phương, thu hút nguồn vốn đầu tư; phát huy giá trị văn hóa phi vật thể, góp phần phát triển văn hoá, du lịch vùng Đồng bằng Sông Cửu Long...
Cụ thể, lớp truyền dạy có sự tham gia của 65 học viên là đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống tại tỉnh Trà Vinh dưới sự hướng dẫn, đào tạo của 5 nghệ nhân dân tộc Khmer, chủ thể văn hóa nắm giữ nghề nghề chế tác nhạc cụ đàn cò của đồng bào Khmer.
Các học viên tham gia sẽ được các chuyên gia, nghệ nhân phổ biến về công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ hiện nay, thực trạng nghề thủ công truyền thống và vai trò của nghệ nhân trong công tác bảo tồn, truyền dạy nghề thủ công truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer hiện nay tại tỉnh Trà Vinh. Tiếp đó là phổ biến về ý nghĩa của nhạc cụ đàn cò trong đời sống văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ, quy trình và kỹ thuật chế tác nhạc cụ đàn cò của đồng bào dân tộc Khmer tại tỉnh Trà Vinh.
Nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc Khmer và Chăm ở Trà Vinh là di sản văn hóa quý báu, được hình thành, phát triển và lưu truyền từ đời này qua đời khác. Đây là nét văn hóa độc đáo, riêng có của đồng bào, góp phần tạo nên bức tranh đa màu, đa sắc vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, của nền văn hóa Việt Nam thống nhất trong đa dạng nói chung.
Các loại nhạc cụ cổ truyền của đồng bào Khmer. |
Việc tổ chức lớp tập huấn truyền dạy, bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của các dân tộc thiểu số vùng đồng bằng Sông Cửu Long trong bối cảnh các nghề thủ công truyền thống đang bị mai một trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Đây là dịp các nghệ nhân, học viên gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của nghề thủ công truyền thống các dân tộc Khmer, từ đó có giải pháp khoa học, đồng bộ trong công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần của người dân, từng bước tạo thành sản phẩm du lịch cộng đồng thu hút du khách trong và ngoài nước đến với Trà Vinh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng yêu cầu việc tổ chức truyền dạy, bảo tồn các tri thức dân gian truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số về vai trò của nghề thủ công truyền thống trong việc phát huy thế mạnh của địa phương và thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước thông qua việc bảo tồn và phát huy nghề thủ công truyền thống; Tuyên truyền phát huy giá trị văn hóa phi vật thể đối với nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số, lồng ghép vào Kế hoạch phát triển văn hoá, du lịch vùng đồng bằng Sông Cửu Long.
Thực hiện tổ chức đồng bộ giữa tập huấn và truyền dạy nhằm nâng cao năng lực bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống: “Chế tác nhạc cụ đàn cò của đồng bào Khmer tại tỉnh Trà Vinh” đảm bảo đúng thành phần, thời gian, thời lượng, nội dung chương trình hợp lý, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với tình hình địa phương./.