Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tránh khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu

Thứ Sáu, 22/04/2022 16:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Cho dù vẫn còn nhiều hạn chế trong những nội dung cụ thể, Nghị quyết 42/2017/QH14 vẫn được coi là “thượng phương bảo kiếm” xử lý “cục máu đông” nợ xấu, khi đã giúp các tổ chức tín dụng tạo ra những bước tiến lớn trong việc nhận diện và có giải pháp ngăn chặn các yếu tố đầu nguồn nhằm cải thiện tỷ lệ nợ xấu. Tuy nhiên, thời gian thí điểm nghị quyết này sắp hết (tháng 8/2022) trong khi yêu cầu xử lý nợ xấu hiện nay vẫn khá cấp bách, do đó bây giờ chính là thời điểm thích hợp nhất để nâng cấp, hoàn thiện hành lang pháp luật về xử lý nợ xấu.

 Ảnh minh họa (Ảnh: M.P)

Theo Báo cáo tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã được triển khai nghiêm túc, đúng mục tiêu, định hướng và đạt được kết quả quan trọng.

Thực tế cho thấy, việc xử lý “cục máu đông” nợ xấu không dễ nếu không nhận diện và có giải pháp ngăn chặn các yếu tố đầu nguồn. Trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các giải pháp nêu tại Nghị quyết 42/2017/QH14 đã tạo ra những chuyển biến tích cực trong việc xử lý “cục máu đông” nợ xấu và góp phần quan trọng vào kết quả của việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì ở mức dưới 2%. Tổng nợ xấu chưa xử lý xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến ngày 31/12/2021 giảm 17,21% so thời điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực (ngày 15/8/2017).

Tổng số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 được xử lý từ 15/8/2017 đến 31/12/2021 đạt trung bình khoảng 5,67 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2,15 nghìn tỷ đồng/tháng so kết quả xử lý nợ xấu trung bình tại thời điểm trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực.

Thêm vào đó, kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực, xử lý nợ xấu nội bảng thông qua hình thức khách hàng trả nợ tăng cao, từ 15/8/2017 đến 31/12/2021, xử lý nợ xấu nội bảng xác định theo Nghị quyết 42/2017/QH14 thông qua hình thức khách hàng trả nợ là 148,0 nghìn tỷ đồng (chiếm 38,93% tổng nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 đã xử lý), cao hơn nhiều so với tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng tự trả nợ/tổng nợ xấu trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực (tỷ trọng nợ xấu được xử lý do khách hàng trả trung bình năm từ 2012 - 2017 nợ/tổng nợ xấu là khoảng 22,8%).

Đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIV từng nêu rõ: “Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh sự chủ động của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 bên cạnh việc đánh giá hàng năm theo quy định tại khoản 3 điều 19 của Nghị quyết này... Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các bộ, ngành trung ương và địa phương, đặc biệt là các tổ chức tín dụng trong triển khai thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 trong thời gian qua đã đạt những kết quả rất tích cực. Tỷ lệ nợ xấu giảm, chất lượng tín dụng được cải thiện chứng tỏ sự đúng đắn, hiệu quả của việc thực hiện Nghị quyết...”.

Mặc dù việc xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 đã đạt được kết quả tích cực như trên nhưng thực tế, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc và cần tiếp tục có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để xử lý. Cụ thể, các khó khăn, vướng mắc từ công tác thực thi, phối hợp triển khai, hướng dẫn từ các bộ, ngành và địa phương ở các vấn đề: Về việc mua, bán nợ xấu của tổ chức mua, bán nợ xấu (Điều 6 Nghị quyết 42/2017/QH14); Về quyền thu giữ tài sản bảo đảm (Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14); Về áp dụng thủ tục rút gọn (Điều 8 Nghị quyết 42/2017/QH14); Về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm (Điều 12 Nghị quyết 42/2017/QH14); Về việc hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự (Điều 14 Nghị quyết 42/2017/QH14). Bên cạnh đó, còn có khó khăn, vướng mắc từ chính quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 liên quan đến thỏa thuận về thu giữ trong hợp đồng bảo đảm; phạm vi áp dụng thủ tục rút gọn...

Tuy nhiên, từ việc phân tích bối cảnh nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng nêu rõ, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội ban hành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa, bổ sung và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Đồng thời, đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 và thủ tục kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước mong rằng kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Nghị quyết 42/2017/QH14 đến tháng 8/2024. Việc ban hành Nghị quyết kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42/2017/QH14 là vấn đề cấp bách về kinh tế để tiếp tục đẩy nhanh việc xử lý nợ xấu, khơi thông nguồn vốn, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong điều kiện tác động chưa thể lường hết được của đại dịch Covid 19…

Trước đó, tại dự thảo Nghị quyết về việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14, Ngân hàng Nhà nước thậm chí còn đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42 đến ngày 15/8/2025, tức kéo dài thêm 3 năm so thời hạn hiện tại.

Thực tế, Nghị quyết 42/2017/QH14 là nghị quyết thí điểm nên hiệu lực chỉ kéo dài 5 năm và đến ngày 15/8/2022 sẽ hết hiệu lực thi hành. Khi hết hiệu lực thi hành, toàn bộ cơ chế về xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42/2017/QH14 đang được thực hiện sẽ chấm dứt, việc xử lý “cục máu đông” nợ xấu của tổ chức tín dụng sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan, không được ưu tiên áp dụng một số chính sách được quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14. Điều này sẽ tác động lớn đến quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Công ty TNHH MTV quản lý tài sản của tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), cũng như quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.

Đồng thời, việc đứt quãng hành lang pháp lý cũng không khuyến khích, huy động được các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia cơ cấu lại các tổ chức tín dụng. Do đó, để tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng và để có thêm thời gian kiểm chứng thực tiễn chính sách, giải pháp tại Nghị quyết 42/2017/QH14 nhằm nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu cũng như tài sản bảo đảm, pháp luật về xử lý nợ xấu cần được triển khai theo ba hướng.

Thứ nhất là, nên nghiên cứu, xây dựng ban hành Luật xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên cơ sở kế thừa và hoàn thiện các quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 nhằm tạo hành lang pháp lý ổn định, bền vững cho việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, việc xây dựng Luật về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cần tuân thủ trình tự, thủ tục quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Do đó, để ban hành được luật cần nhiều thời gian nghiên cứu, đánh giá, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị có liên quan. Trong khi Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/8/2022.

Vì vậy, để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý khi Nghị quyết 42/2017/QH14 hết hiệu lực thi hành và khi chưa ban hành được Luật, Chính phủ kiến nghị, đề xuất Quốc hội kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 42/2017/QH14 trong giai đoạn 2022 - 2025. Tuy nhiên, vào ngày 14/4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo tổng kết Nghị quyết 42/2017/QH14. Theo đó, ủy ban này cho phép kéo dài Nghị quyết này đến 31/12/2023 thay vì 2 năm, kể từ tháng 8/2022 như đề xuất của Chính phủ.

Như vậy, ngành ngân hàng sẽ có khoảng hơn một năm để tiếp tục đề xuất Chính phủ và Quốc hội tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý theo hướng có thể xây dựng một bộ luật về xử lý nợ xấu. Dĩ nhiên, trong khoảng thời gian chỉ hơn một năm thì đây là một thách thức lớn.

Thứ hai là, quá trình xử lý nợ xấu nói chung và xử lý nợ xấu theo quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 nói riêng cần phải thông qua việc quyết định mục tiêu, chỉ tiêu, chính sách, nhiệm vụ cơ bản phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của đất nước. Đồng thời, vấn đề xử lý nợ xấu cần được xem xét khi Quốc hội quyết định chính sách cơ bản về tài chính, tiền tệ quốc gia; đặc biệt là quy định liên quan đến thuế, bao gồm việc thực hiện nghĩa vụ thuế trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm khi thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng...

Thứ ba là, trong triển khai, Tòa án Nhân dân các cấp cần thi hành quy định về thủ tục rút gọn theo quy định pháp luật để giải quyết nhanh chóng yêu cầu khởi kiện theo quy định của Nghị quyết 42/2017/QH14 và Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP; phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Cơ quan thi hành án dân sự sớm có văn bản chỉ đạo về việc thực hiện quy định về hoàn trả các tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự sau khi đã hoàn tất các thủ tục xác định chứng cứ quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14; phối hợp Cơ quan thi hành án dân sự sớm xây dựng hệ thống dữ liệu liên quan đến các vụ việc đang được thụ lý giải quyết và cho phép các tổ chức tín dụng được tra cứu trích xuất.

Như vậy, dù chưa có tiền lệ về việc ban hành Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết thí điểm, những để tránh tạo ra khoảng trống pháp lý, việc kéo dài thời hạn áp dụng của Nghị quyết 42/2017/QH14 là cần thiết nhằm phát huy hiệu quả của các chính sách hiện hành, nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, qua đó tăng nguồn lực và tiết giảm chi phí cho hệ thống tổ chức tín dụng, các bên liên quan và nền kinh tế... Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, cả trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức cụ thể trong việc thực hiện hiệu quả nghị quyết này./.

Minh Phương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN