Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Trấn lột chủ phà có phải chịu trách nhiệm hình sự?

Thứ Năm, 24/02/2022 16:41 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Thời gian gần đây, tại một số tỉnh khu vực miền Tây, lợi dụng thời điểm chủ phương tiện chở máy gặt đập liên hợp đến cắt lúa cho dân địa phương khi có hợp đồng, một số đối tượng đã ngang nhiên thực hiện hành vi trấn lột, chiếm dụng tài sản. Vậy, đối tượng thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm ra sao, có phải đối diện với mức xử lý hình sự, phóng viên đã có cuộc trao đổi với luật sư để phân tích, làm rõ.

Hung khí nhóm đối tượng dùng để trấn lột chủ phà chở máy cắt lúa. (Nguồn: danviet.vn)

Như một số phương tiện thông tin đã nêu, mới đây, chiều ngày 20/2, cơ quan CSĐT Công an thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) đã chính thức ra lệnh bắt khẩn cấp và tạm giữ hình sự 3 nghi phạm Võ Thanh Tùng (28 tuổi), Nguyễn Trung Tín (30 tuổi) và Nguyễn Thành Công (26 tuổi, cùng cư trú ấp Phú Thuận, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy) để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản. Nạn nhân là chủ phương tiện chở máy gặt đập liên hợp đến cắt lúa cho người dân địa phương. Đáng chú ý, theo cơ quan công an, nhóm đối tượng này còn liều lĩnh cầm hung khí lên tiếng đe dọa yêu cầu phải nộp tiền, nếu không sẽ bị hành xử theo kiểu côn đồ.

 Dư luận quan tâm, lên án những hành vi vi phạm của của những đối tượng, đồng thời, đề nghị cơ quan chức năng cần nhanh chóng, khẩn trương vào cuộc xử lý. Bởi hành vi này sau thời gian dài bị cơ quan chức năng ngăn chặn, nay lại có dấu hiệu tái vi phạm, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, đặc biệt là gây hoang mang, tâm lý lo sợ đối với người dân, nhất là những người lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp “một nắng, hai sương” .

 Nhìn nhận vấn đề dưới góc độ pháp lý, luật sư Hoàng Dương, đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng, trên thực tế, hành vi trấn lột tiền như trên dù sau thời gian dài tạm lắng nay có dấu hiệu tái diễn tại một số địa phương trên địa bàn một số tỉnh miền Tây. Đáng chú ý, những nhóm, cá nhân đã cùng nhau lên kế hoạch, phương án tổ chức, thực hiện hành vi đe dọa những người yếu thế phải đưa tiền/tài sản cho họ. Điều này là rất nguy hiểm và có hậu quả khó lường nếu người bị đe dọa chống trả lại. Đặc biệt, trường hợp người bị hại là những người lao động thuộc lĩnh vực nông nghiệp vốn yếu thế, vất vả, công xá không nhiều thì hành vi này càng phải lên án. Do đó, trường hợp cơ quan chức năng xác định hành vi cấu thành tội “Cưỡng đoạt tài sản” được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, thì đối tượng vi phạm có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với những mức án khác nhau. Cụ thể như sau:

 Điều 170. Tội cưỡng đoạt tài sản

 1. Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

 a) Có tổ chức;

 b) Có tính chất chuyên nghiệp;

 c) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;

 d) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

 đ) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

 e) Tái phạm nguy hiểm.

 3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

 b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

 4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:

 a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

 b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

 5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 “Đối chiếu những quy định nêu trên thì những đối tượng thực hiện hành vi trấn lột tiền của người khác khi cơ quan chức năng có đủ cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cưỡng đoạt tài sản và có thể sẽ phải chịu hình phạt tương đương hành vi phạm tội. Hình phạt cụ thể còn căn cứ vào quá trình điều tra, xử lý từ cơ quan có thẩm quyền. Do đó, người bị hại khi gặp tình huống này nên đến cơ quan có thẩm quyền để trình báo sự việc, tránh trường hợp coi đó là nhỏ nhặt vì đây là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nếu để nó tiếp tục phát triển thì sẽ gây hậu quả cho nhiều người hơn nữa” – Luật sư Hoàng Dương phân tích thêm./.

Trường Quân

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN