Khi nào được chấm dứt hợp đồng lao động với người đang nuôi con nhỏ?
(ĐCSVN) - Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Mục 3 Chương III Bộ luật Lao động 2019 (Bộ luật số: 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019) nếu người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
“Tôi đã làm việc tại công ty may được 7 năm (tham gia đầy đủ bảo hiểm) và đang nuôi con nhỏ 4 tháng tuổi. Do kinh doanh kém hiệu quả, công ty đang thực hiện cắt giảm nhân sự và đề nghị chấm dứt hợp đồng lao động. Nếu đồng ý sẽ được hỗ trợ 3 tháng lương, trong khi hợp đồng lao động (HĐLĐ) còn 1 năm 7 tháng. Nếu 2 bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ, ngoài việc được hỗ trợ như đề xuất có được nhận chế độ nào khác không? Nếu không đồng ý, công ty vẫn cho nghỉ việc trong thời gian đang nuôi con nhỏ thì có thể khởi kiện ở đâu, thủ tục và chi phí thế nào?” bạn đọc Bùi Hồng Ánh (sống tại quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) hỏi.
Về nội dung này, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết, theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Mục 3 Chương III Bộ luật Lao động 2019 (Bộ luật số: 45/2019/QH14 ngày 20 tháng 11 năm 2019) nếu người lao động nữ mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì người sử dụng lao động không được thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trừ trường hợp doanh nghiệp chấm dứt hoạt động.
Ảnh minh họa. Nguồn: laodongthudo.vn |
Bên cạnh đó, tại Khoản 3 Điều 34 Mục 3 Chương III Bộ luật Lao động 2019 cũng quy định HĐLĐ được chấm dứt trong trường hợp hai bên đồng ý thỏa thuận chấm dứt trước hạn nhưng phải đảm bảo quyền lợi tối đa cho người lao động.
Với trường hợp bạn Bùi Hồng Ánh, do đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, theo quy định của pháp luật, công ty không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Tuy nhiên, nếu 2 bên thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì pháp luật công nhận sự thỏa thuận đó. Mức bồi thường cho thời gian còn lại của hợp đồng do hai bên thương lượng, thỏa thuận, thống nhất. Ví dụ: thỏa thuận mức bồi thường 3 tháng lương như công ty đã đề xuất, hoặc thương lượng thỏa thuận mức bồi thường cao hơn như 5 - 7 tháng lương, hoặc bằng tiền lương của toàn bộ thời gian 1 năm 7 tháng còn lại của hợp đồng…
Theo quy định tại Điều 48 Mục 3 Chương III Bộ luật Lao động 2019, trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên, trừ trường hợp sau đây có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày:
a) Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;
b) Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế;
c) Chia, tách, hợp nhất, sáp nhập; bán, cho thuê, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp; chuyển nhượng quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
d) Do thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm.
Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị chấm dứt hoạt động, bị giải thể, phá sản.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm sau đây: a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;
b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do người sử dụng lao động trả.
Nếu công ty đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt HĐLĐ với bạn; khi chấm dứt HĐLĐ bạn đã đăng ký thất nghiệp với cơ quan lao động; chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động thì bạn được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Luật sư Kỹ phân tích, trường hợp hai bên không đi đến thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn mà công ty vẫn đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật, bạn có quyền khởi kiện lên Tòa án mà không nhất thiết phải thông qua việc hòa giải tại cơ sở.
Hồ sơ khởi kiện gồm: Đơn khởi kiện; Bản sao CCCD hoặc Hộ chiếu; HĐLĐ; Quyết định chấm dứt HĐLĐ hoặc thông báo cho nghỉ việc; Các tài liệu, chứng cứ liên quan đến nội dung tranh chấp (nếu có)…., được nộp tại Tòa án Nhân dân cấp huyện nơi công ty có trụ sở chính.
Theo quy định tại Điều 12 Chương I Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án, người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật; thì được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, án phí./.