Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thi công làm sập nhà hàng xóm và trách nhiệm bồi thường

Thứ Năm, 07/11/2024 21:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước khi xây dựng, các hộ liền kề cần ký biên bản cam kết ghi lại hiện trạng để có căn cứ xử lý tranh chấp phát sinh. Việc khảo sát, thoả thuận nên lập văn bản, có sự chứng kiến của cá nhân uy tín hoặc công chức Ủy ban Nhân dân xã/phường.

Công an thị xã Sơn Tây (thành phố Hà Nội) cho biết, lúc 18h30 ngày 04/11/2024 đã xảy ra sự cố sập nhà tại số 62 đường Quang Trung, phường Quang Trung, thị xã Sơn Tây.

Theo đó, căn nhà số 60 đường Quang Trung của bà Nguyễn Thị Xuân (SN 1941) thời điểm đó đang đào móng xây dựng. Quá trình đào móng gây ra sạt lở làm nghiêng và sập căn nhà số 62 của ông Nguyễn Đức Toàn (SN 1967), gây hư hỏng toàn bộ đồ đạc. Rất may vụ việc không gây thiệt hại về người.

Sau khi xảy ra sự việc, các đơn vị chức năng đã tới hiện trường làm rõ. Hai gia đình đang tiến hành thỏa thuận bồi thường.

Nhiều bạn đọc muốn biết các quy định liên quan tới an toàn xây dựng trong trường hợp này cũng như việc bồi thường sẽ thế nào?

Về nội dung này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật gia Nguyễn Bá Dũng (Công ty luật TNHH Trường Sơn) cho biết, xây nhà, đào móng làm nứt, nghiêng, thậm chí đổ nhà hàng xóm đã từng xảy ra ở không ít địa phương, với nhiều hậu quả đáng tiếc.

Để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các bên, Điều 175 Mục 3 Chương XI phần thứ hai Bộ luật Dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) quy định rất rõ: ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thỏa thuận hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Hiện trường vụ việc đã được phong toả (Ảnh: Tiến Bình/hanoionline.vn)

Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ 30 năm trở lên mà không có tranh chấp. Không được lấn, chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách, kể cả trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng. Mọi chủ thể có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung.

Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Chương I Nghị định 06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 hướng dẫn về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng, hoạt động quản lý xây dựng nhà ở riêng lẻ được thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo an toàn cho con người, tài sản, thiết bị, công trình, các công trình lân cận và môi trường xung quanh.

Liên quan tới vấn đề đảm bảo chất lượng công trình đang thi công và sự an toàn cho công trình xây dựng lân cận, Điều 174 Mục 3 Chương XI phần thứ hai Bộ luật dân sự năm 2015 (Luật số: 91/2015/QH13, ngày 24 tháng 11 năm 2015) nêu rõ nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng như sau: Khi xây dựng công trình, chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản phải tuân theo pháp luật về xây dựng, bảo đảm an toàn, không được xây vượt quá độ cao, khoảng cách mà pháp luật về xây dựng quy định và không được xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu, người có quyền khác đối với tài sản là bất động sản liền kề và xung quanh.

Là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xử lý lún nghiêng…, ông Vũ Hữu Trung, chủ đơn vị chuyên thi công xử lý nền móng ở Hà Nội, nhận định nguyên nhân chính khiến ngôi nhà 2 tầng đổ sập là do nhà bên cạnh thi công, đào móng sâu hơn móng của ngôi nhà 2 tầng. Đất đỡ chân cột của nhà 2 tầng bị chảy ra, gây lún móng và phá hoại kết cấu căn nhà.

Công trình này có thể đã tồn tại nhiều năm và vận hành sử dụng từ trước đó. Chỉ có một khả năng khiến ngôi nhà này tự sập đó là khi gia chủ cải tạo nhà, tải thêm phía trên. Tuy nhiên, hình ảnh thực tế cho thấy, công trình hiện không có hoạt động sửa chữa nào diễn ra.

“Thực tế ghi nhận xảy ra không ít vụ việc nhà hàng xóm lún nứt, đổ sập khi có công trình xây chen bên cạnh, nhất là nhà làm tầng hầm. Do đó, khi xây dựng công trình xen kẽ trong các khu đô thị, khu phố, chủ nhà nên thuê đơn vị có uy tín để đánh giá rủi ro, đưa ra các phương án thi công an toàn, tối ưu”, ông Trung bày tỏ.

Tuy nhiên, do chủ quan cũng như tâm lý tiếc tiền do chi phí thuê đơn vị đánh giá rủi ro công trình khoảng 70-80 triệu đồng/công trình nên nhiều gia đình đã phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng thậm chí 1-2 tỷ đồng để khắc phục hậu quả khi nhà hàng xóm bị lún nứt, đổ sập.

Trong khi đó, theo kỹ sư xây dựng Lưu Tiến Trung, thiết kế xây chen là thiết kế khó, phức tạp, đòi hỏi người thực hiện phải có kiến thức chuyên môn, hiểu được các nguyên lý trong xây dựng, đánh giá được tác động của công trình mới tới công trình lân cận để có giải pháp khắc phục, không làm ảnh hưởng đến công trình lân cận.

Về quy định bồi thường thiệt hại, luật gia Dũng phân tích, việc xây dựng công trình làm lún và nứt tường nhà hàng xóm được xác định là hành vi xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người có quyền khác đối với tài sản là nhà liền kề và hoàn toàn có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.

Điều 605 Mục 3 Chương XX phần thứ hai Bộ luật Dân sự năm 2015 nêu rõ: Chủ sở hữu, người chiếm hữu, người được giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác đó gây thiệt hại cho người khác. Khi người thi công có lỗi trong việc để nhà cửa, công trình xây dựng khác gây thiệt hại thì phải liên đới bồi thường.

Về mức bồi thường, các bên dựa vào thiệt hại thực tế để thỏa thuận mức bồi thường. Trường hợp không thể thống nhất, bên bị xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp có thể khởi kiện tại Tòa án nơi bị đơn cư trú, quy định tại Điều 189 Chương XII phần thứ hai Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 (Luật số: 92/2015/QH13, ngày 25 tháng 11 năm 2015).

Điều 584 Mục 1 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, việc gây thiệt hại cho công trình lân cận, người gây thiệt hại phải bồi thường khi có hành vi xâm phạm tới bất động sản liền kề, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại (trừ trường hợp Bộ luật Dân sự và luật khác có liên quan quy định khác). Trong một số trường hợp người gây thiệt hại có thể được miễn trách nhiệm bồi thường nếu: Thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng; thiệt hại phát sinh hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

Về nguyên tắc bồi thường, Điều 585 Mục 1 Chương XX Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:

- Thiệt hại phải là thiệt hại thực tế, không phải thiệt hại ước tính hay thiệt hại trong tương lai. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

- Người phải bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình;

- Nếu mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường;

- Nếu bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.

Về mức xử phạt, theo Điểm a Khoản 2 Điều 31 Mục 2 Chương II Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với xây dựng nhà ở riêng lẻ vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận hoặc gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác.

“Để hạn chế tối đa thiệt hại, rủi ro, chủ nhà cũng như nhà thầu cần tuân thủ nghiêm các quy định xây dựng và nội dung trong giấy phép xây dựng; áp dụng các biện pháp an toàn như che chắn, chống, đỡ nếu công trình liền kề đã bị nghiêng…”, luật gia Dũng nhấn mạnh./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN