Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội Di sản Văn hoá Việt Nam kỷ niệm 20 năm thành lập

Thứ Bảy, 16/11/2024 14:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Trong 20 năm qua, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh nhiều hoạt động về phản biện xã hội trong lĩnh vực di sản văn hoá, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm khoa học xung quanh những chủ đề cấp thiết về di sản văn hoá do thực tiễn đặt ra; tham gia có trách nhiệm vào việc xây dựng Luật Di sản văn hoá, đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản có liên quan về di sản văn hoá.

Ngày 16/11, tại Trung tâm Văn hoá, Thông tin và Thể thao huyện Đông Anh, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam kỷ niệm ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23/11/2024 và kỷ niệm 20 năm thành lập Hội Di sản Văn hoá Việt Nam (23/4/2004 – 23/4/2024).

Ôn lại chặng đường đã qua của Hội, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, cách đây 20 năm, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam ra đời nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên, hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá, xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và đóng góp vào kho tàng di sản văn hoá thế giới.

Biểu diễn ca trù tại buổi lễ. 

Từ một vài tổ chức và vài trăm hội viên buổi đầu thành lập, đến nay Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã xây dựng được hệ thống tổ chức tương đối rộng khắp từ Trung ương đến địa phương với gần 200 tổ chức thành viên và gần 20.000 hội viên, phong phú, đa dạng về loại hình, trở thành những cánh tay nối dài của Hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá và lan toả tình yêu di sản văn hoá.

Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, trong 20 năm qua, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã từng bước đẩy mạnh nhiều hoạt động về phản biện xã hội trong lĩnh vực di sản văn hoá, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, toạ đàm khoa học xung quanh những chủ đề cấp thiết về di sản văn hoá do thực tiễn đặt ra, tham gia có trách nhiệm vào việc xây dựng Luật Di sản văn hoá, đóng góp ý kiến vào nhiều văn bản có liên quan về di sản văn hoá của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Quốc hội và Chính phủ. 

Trình diễn áo dài tại buổi lễ. 

Công tác thông tin, quảng bá, tuyên truyền giới thiệu về di sản văn hoá được đẩy mạnh với các hình thức phong phú, đa dạng thông qua Tạp chí Thế giới Di sản, các cuộc thi, các cuộc trưng bày, triển lãm, xuất bản sách và rất nhiều sự kiện khác.

Với những kết quả đáng tự hào, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba, được Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen, nhiều Bằng khen của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các Bộ ngành khác.

Trong khuôn khổ buổi lễ, Hội Di sản Văn hoá Việt Nam kỷ niệm ngày Di sản Văn hoá Việt Nam 23/11/2024. Theo PGS.TS Đỗ Văn Trụ, 79 năm qua, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Đến nay, cả nước đã xếp hạng được hơn 10.000 di tích cấp tỉnh, thành  phố; 3621 di tích quốc gia, 130 di tích quốc gia đặc biệt, trên tổng số hơn 40.000 di tích, khoảng 7.000 di sản văn hoá phi vật thể đã được kiểm kê, trong đó có 534 di sản đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Nhiều di sản văn hoá của Việt Nam đã được UNESCO ghi danh, gồm 9 di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới, 15 di sản văn hoá phi vật thể; 9 di sản tư liệu, trong đó có 3 di sản tư liệu thế giới và 6 di sản tư liệu khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản văn hóa Việt Nam” đợt VII- năm 2024 và trao bằng khen của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. 

Từ một vài bảo tàng được xây dựng dưới thời Pháp thuộc, hiện nay, hệ thống bảo tàng Việt Nam gồm 127 bảo tàng công lập, 70 bảo tàng ngoài công lập, bảo quản trên 4 triệu hiện vật. Tính đến thời điểm hiện nay, cả nước có 294 hiện vật, nhóm hiện vật đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia.

Quan hệ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực di sản văn hoá ngày càng được mở rộng, nâng tầm uy tín của Việt Nam với cộng đồng quốc tế như: Công ước năm 1970 về các biện pháp ngăn chặn xuất nhập khẩu và chuyển giao trái phép quyền sở hữu tài sản văn hoá; Công ước năm 1972 về bảo vệ di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới; Công ước năm 2003 về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể và Chương trình Ký ức thế giới…

“Chúng ta có quyền tự hào về kho tàng di sản văn hoá phong phú, đa dạng, giàu bản sắc dân tộc và tự hào về những thành tựu đã đạt được trong sự nghiệp bảo vệ di sản văn hoá dân tộc. Đó là nguồn động viên to lớn đối với mỗi người chúng ta và giúp chúng ta càng thêm yêu và trách nhiệm với di sản văn hoá dân tộc” – PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Nhân dịp này, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Di sản văn hóa Việt Nam” đợt VII- năm 2024 và trao bằng khen của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho các cá nhân có thành tích xuất sắc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa./.

           

 

Tin, ảnh: Huy Lê

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN