Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỷ nguyên vươn mình là đưa quốc gia, dân tộc lên tầm cao mới, tiến cùng thời đại

Thứ Sáu, 15/11/2024 16:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo GS, TS. Phùng Hữu Phú, đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao”.

GS, TS. Phùng Hữu Phú, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,  nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương. 

Tại hội thảo quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, trao đổi về Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và những yêu cầu lịch sử, GS, TS. Phùng Hữu Phú, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng,  nguyên Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương phân tích rõ:

Kỷ nguyên mới và những yêu cầu lịch sử

GS, TS. Phùng Hữu Phú luận giải: Kỷ nguyên mới là khoảng thời gian đất nước, dân tộc phải vươn lên mãnh liệt, phấn đấu thực hiện thành công những mục tiêu chiến lược, tạo sự phát triển vượt bậc ở một tầm cao mới, trình độ mới, chất lượng mới, xác lập vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tạo nền tảng cho bước phát triển đột phá kế tiếp. Kỷ nguyên tiếp nối kỷ nguyên tạo thành lịch sử phát triển liên tục, từ thấp đến cao, ngày càng hoàn thiện của một quốc gia, dân tộc.

Gần 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, nhìn tổng quát, dân tộc Viêt Nam đã trải qua hai kỷ nguyên vẻ vang. Kỷ nguyên thứ nhất là Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975), khởi đầu từ năm 1930 khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dẫn đến thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và những chiến công vĩ đại trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược (1946 - 1975) cùng những thành tựu quan trọng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 1954 - 1975. Kỷ nguyên thứ hai là Kỷ nguyên thống nhất đất nước, đổi mới, phát triển (1975 - 2025), mở đầu bằng thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội năm 1975, tạo tiền đề vững chắc để đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986, tạo bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên các lĩnh vực. Và bây giờ, Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà thời điểm mở đầu là Đại hội lần thứ XIV của Đảng, ghi dấu ấn 40 năm đổi mới (1986 - 2026).

Mỗi kỷ nguyên đều xuất hiện một cách khách quan những yêu cầu lịch sử đòi hỏi quốc gia, dân tộc phải đáp ứng tốt nhất để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược đã xác định.

Trong Kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội (1930 - 1975), mục tiêu sống còn của Việt Nam là phải xóa bỏ chế độ áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến, trở thành một quốc gia độc lập, tiến lên xây dựng chế độ xã hội mới. Mục tiêu chiến lược đó đặt ra yêu cầu phải tập hợp rộng rãi nhất, phát huy mạnh mẽ nhất sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh của thời đại, đập tan ách thống trị của đế quốc, phong kiến, giành và giữ độc lập, tự do; xây dựng những tiền đề ban đầu của chủ nghĩa xã hội. Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, dân tộc Việt Nam đã phát huy cao độ chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, giải quyết thành công yêu cầu lịch sử và hoàn thành xuất sắc mục tiêu chiến lược.

Trong Kỷ nguyên thống nhất, đổi mới, phát triển (1975 - 2025), mục tiêu hàng đầu của Việt Nam là phải chiến thắng đói nghèo, lạc hậu, thoát ra khỏi tình trạng một nước nghèo, kém phát triển, nâng cao đời sống của nhân dân, xác lập vị thế quốc tế xứng đáng. Mục tiêu chiến lược đó đặt ra yêu cầu lịch sử phải đổi mới toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực của đời sống xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ động hội nhập quốc tế. Sau gần 50 năm đất nước thống nhất, 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi các yêu cầu lịch sử, đổi mới thành công, vượt thoát khỏi tình trạng một nước nghèo, kém phát triển, đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới, cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín quốc tế mới.

Chính những thành tựu lịch sử đạt được qua hai kỷ nguyên đấu tranh, lao động sáng tạo bền bỉ đã tạo tiền đề, nền tảng vững chắc để Việt Nam bước vào kỷ nguyên thứ ba: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, khởi đầu từ Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Đây “là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao”(1).

Mục tiêu của kỷ nguyên thứ ba là sự tích hợp ở tầm cao mới, trình độ mới những mục tiêu của hai kỷ nguyên trước, phản ánh sự phát triển về chất của mục tiêu độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, của sự vận động biện chứng độc lập - tự do - hạnh phúc. Kỷ nguyên mới đặt ra những yêu cầu lịch sử đặc biệt, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân cần nhận thức sâu sắc, quyết tâm, quyết liệt hành động để hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

“Đột phá kép” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Theo GS, TS. Phùng Hữu Phú, nói một cách khái quát, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là kỷ nguyên đột phá, phát triển tăng tốc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đưa quốc gia, dân tộc lên một tầm cao mới, tiến cùng thời đại. 

Yêu cầu bao trùm trong kiến tạo kỷ nguyên mới là phải tiến hành đồng thời, thắng lợi một quá trình “đột phá kép”. Một mặt, phải đột phá đi thẳng vào hiện đại, vào những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, mà Việt Nam có lợi thế; vào quản trị quốc gia hiện đại trên nền tảng chính phủ số, xã hội số, công dân số, tạo sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Mặt khác, phải đột phá trong việc giải quyết triệt để những điểm nghẽn, những yếu kém, hạn chế, những khó khăn đang kìm hãm, cản trở sự phát triển của đất nước. Hai quá trình đột phá này cần phải được tiến hành song song, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau, trong đó đi tắt, đón đầu, đi thẳng vào hiện đại là cơ bản, có ý nghĩa quyết định; khắc phục, giải quyết những yếu kém, bất cập là cấp bách, quan trọng. 

Triết lý của quá trình đột phá kép này, như Tổng Bí thư Tô Lâm xác định, chính là “tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”(2). Triết lý chính trị khoa học này được Đảng ta đúc kết từ bài học kinh nghiệm quý báu của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và vận dụng thành công trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam - bài học chủ động tạo thời cơ, nhận thức đúng thời cơ, kiên quyết chớp thời cơ; đánh giá đúng nguy cơ, kiên quyết đẩy lùi nguy cơ, thách thức, chuyển hóa nguy cơ thành thời cơ, giành thắng lợi. Kỷ nguyên mới yêu cầu Đảng ta tiếp tục vận dụng, phát triển sáng tạo hơn nữa, hiệu quả hơn nữa bài học kinh nghiệm quí giá này để tạo sự phát triển đột phá của đất nước.

Đột phá về tư duy, nhận thức

Bước vào kỷ nguyên thống nhất, đổi mới, phát triển (1975 - 2025), Đảng ta bắt đầu bằng đổi mới tư duy, nhận thức lại một cách đúng đắn hơn, khoa học hơn quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; đột phá lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa với những nhận thức rất mới mẻ mà trước đổi mới còn hoàn toàn xa lạ. Chính đột phá tư duy lý luận đã khai mở con đường đổi mới trên tất cả các lĩnh vực, tạo ra những thành tựu vĩ đại. 

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc diễn ra song hành với kỷ nguyên số, kỷ nguyên của đổi mới sáng tạo mà tiếng nói chung của nhân loại là “không có gì là không thể”. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo đang và sẽ làm đảo lộn phương cách suy nghĩ, sản xuất, sinh hoạt của các quốc gia, cộng đồng và của mỗi con người. Một lần nữa, thực tiễn lại đòi hỏi và tạo điều kiện để chúng ta đổi mới mạnh mẽ về tư duy, nhận thức. Trên cơ sở kế thừa những tư duy khoa học đã tích lũy được qua 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, chúng ta cần cởi mở, chăm chú, mạnh dạn tiếp thu những tư duy mới, những xu hướng phát triển mới của nhân loại với phương châm tiến kịp, tiến cùng thời đại. Cần có những đột phá lý luận với cách tiếp cận mới về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; về lộ trình và bước đi; về lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa phù hợp với cuộc cách mạng số, kỷ nguyên số; về hạ tầng cơ sở và thượng tầng kiến trúc trong kỷ nguyên mới…; trên cơ sở đó, đột phá trong định hướng phát triển các lĩnh vực quan trọng của đất nước, đặc biệt là phát triển đột phá về khoa học - công nghệ, về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, phát huy nhân tài; về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam; về quản trị quốc gia; về hiện đại hóa quốc phòng, an ninh, nâng tầm đối ngoại, ngoại giao…

Chúng ta kiên định nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lý luận về đường lối đổi mới của Đảng trên tinh thần không ngừng sáng tạo; không chủ quan, duy ý chí, nhưng kiên quyết không để chủ nghĩa giáo điều, bảo thủ kìm trói tư duy, nhận thức của chúng ta. “Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung theo tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu phát triển mới về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa của chúng ta, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”(3). Đây thực sự là một cuộc cách mạng - cuộc cách mạng theo chân lý Hồ Chí Minh: cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân là chân lý(4). Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thống nhất nhận thức, quyết tâm đổi mới tư duy, lấy đó làm kim chỉ nam cho hành động, chúng ta nhất định sẽ tạo ra bước phát triển chưa từng có của dân tộc ta trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Yêu cầu phải tạo đột phá trong huy động, sử dụng tối ưu  các nguồn lực còn rất tiềm tàng của đất nước

GS Phùng Hữu Phú phân tích, Việt Nam có tài nguyên phong phú, các nguồn lực trong dân còn rất dồi dào, các nguồn lực từ bên ngoài theo các dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo chính sách đối ngoại, hội nhập đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta rất lớn; nhân dân Việt Nam cần cù, sáng tạo; con người Việt Nam yêu nước, thông minh; nguồn lực vô hình tiềm ẩn trong lợi thế địa chính trị, địa kinh tế của đất nước là vô giá. Chính những nguồn lực to lớn này góp phần quan trọng tạo nên thành tựu vĩ đại của công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn chỉ ra rằng, về vấn đề này, chúng ta còn nhiều khuyết điểm, bất cập. Do những hạn chế của hệ thống thể chế; năng lực lãnh đạo, quản lý và phẩm chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên; nhận thức chưa đến nơi của một bộ phận nhân dân…, nhiều nguồn lực của đất nước còn bị thất thoát, phí phạm, sử dụng kém hiệu quả; năng lực, trí tuệ của con người Việt Nam chưa được khởi phát đúng tầm; lợi thế của đất nước chưa được phát huy tương xứng. Kỷ nguyên mới đòi hỏi phải tạo chuyển biến căn bản về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn xã hội trong việc giữ gìn, nuôi dưỡng, sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực của đất nước. Từng đồng tiền, bát gạo; từng mét vuông đất rừng, ngư trường, biên cương; từng vỉa quặng; từng giờ từng ngày lao động và khả năng của mỗi con người… cần phải được quý trọng, bồi đắp, khai phóng để tạo thành của cải vật chất. Tiết kiệm, chống lãng phí, thất thoát, cần kiệm xây dựng đất nước phải trở thành quốc sách; thành nhiệm vụ chính trị của các tổ chức đảng, hệ thống chính trị; thành ý thức, tình cảm, việc làm tự giác của mỗi người Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Phải phát huy đến mức cao nhất các động lực phát triển đất nước

GS Phùng Hữu Phú cho rằng, kỷ nguyên mới yêu cầu phải phát huy đến mức cao nhất các động lực phát triển đất nước, đặc biệt là tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, ý chí tự chủ, tự lực, tự cường, khát vọng sáng tạo và cống hiến của toàn dân, của con người Việt Nam.

Thực tiễn lịch sử cách mạng Việt Nam gần 95 năm qua đã chứng minh hùng hồn, trong những bước phát triển nhảy vọt của cách mạng, chủ nghĩa yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết, tinh thần đấu tranh, lao động, sáng tạo của nhân dân, của con người Việt Nam là nguồn gốc của mọi thắng lợi.

Hình ảnh tại Hội thảo  

Kỷ nguyên mới với những mục tiêu lịch sử đòi hỏi khách quan phải phát huy đến mức cao nhất tinh thần, ý chí, sức mạnh của nhân dân - chủ thể đóng vai trò trung tâm của sự nghiệp kiến tạo kỷ nguyên mới. Cần chuyển hóa chủ trương, quyết sách, ý chí của Đảng thành nhận thức, thành cảm hứng hành động, sáng tạo của toàn dân, của mỗi người Việt Nam, khởi nguồn từ việc củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân theo nguyên lý: có niềm tin của nhân dân là có tất cả; mất niềm tin của nhân dân là mất tất cả. Niềm tin của nhân dân được bồi đắp, nhân lên từ nhận thức đúng đắn về con đường phát triển của dân tộc do Đảng dẫn đường, chỉ lối; từ sự tôn trọng của Đảng, hệ thống chính trị đối với vai trò làm chủ, quyền làm chủ thật sự của nhân dân; từ những thành quả thực tiễn của đất nước đem lại những lợi ích thiết thực có thể đo đếm được cho mỗi gia đình, mỗi con người Việt Nam; từ những tấm gương trong sạch, trong sáng, tận tụy phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Nguyên lý: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ; mọi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đều phải xuất phát từ nguyện vọng và lợi ích chính đáng của nhân dân; cần lấy hạnh phúc, sự hài lòng của nhân dân làm tiêu chí đánh giá can bộ, đảng viên… mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đúc kết cần phải tiếp tục được thể chế hóa, cụ thể hóa và thực thi nghiêm túc trong thực tiễn.

Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng

Kỷ nguyên mới đặt ra yêu cầu hàng đầu là nâng cao năng lực lãnh  đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Đảng thật sự là đạo đức, văn minh, thật sự tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự và lương tâm của dân tộc, của thời đại.

GS Phùng Hữu Phú khẳng định: Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam là chân lý được đúc kết qua lịch sử vẻ vang gần một thế kỷ của Đảng, của dân tộc ta. Là người khởi xướng, lãnh đạo công cuộc kiến tạo kỷ nguyên mới, Đảng ta gánh trên vai sứ mệnh vinh quang, trọng trách nặng nề. Nhân dân đặt niềm tin và kỳ vọng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh toàn diện: Bản lĩnh về chính trị, thống nhất về tư tưởng, cao về văn hóa, đẹp về đạo đức, khoa học về tổ chức, tiêu biểu về cán bộ, xứng đáng là người cầm lái vĩ đại đưa dân tộc đi đến phồn vinh, hạnh phúc. Nhân dân mong muốn và hy vọng cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, đặc biệt cán bộ cấp chiến lược, thực sự có đức, có tài, biết lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ, có năng lực thiết kế, truyền cảm hứng và làm gương để nhân dân noi theo trên cuộc hành trình dựng xây kỷ nguyên mới. 

Sẽ có rất nhiều việc phải làm, phải làm quyết liệt nhưng vững chắc để có được một hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng, của hệ thống chính trị tinh gọn, thống nhất, hợp lý, đồng bộ, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc kết nối - tương tác - chia sẻ, có khả năng thích ứng cao với thời cuộc luôn thay đổi; để có được một đội ngũ cán bộ, đảng viên liêm khiết, mẫu mực, tiêu biểu hết lòng vì Đảng, vì Dân. Đây thực sự là một cuộc cách mạng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.  

-------------------------

(1) GS, TS Tô Lâm: “Cơ sở định vị mục tiêu phát triển và định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, báo Nhân Dân, số 25193, ngày 1-11-2024, tr. 2.

(2) GS, TS Tô Lâm: “Cơ sở định vị mục tiêu phát triển và định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, Tlđd

(3) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam - Dư luận trong nước và quốc tê về bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr. 28.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 10, tr. 377.

Hiền Hòa (lược ghi)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN