Nơi lưu dấu tích lịch sử Nữ tướng Lê Chân ở Hà Nam
Thứ Bảy, 16/11/2024 10:51 (GMT+0)
(ĐCSVN) - Theo sử sách và các thần phả ghi lại, Nữ tướng Lê Chân sinh ra ở miền biển Quảng Ninh; lớn lên bà lập trang ấp, rèn quân binh tại Hải Phòng nhưng lại tuẫn tiết trong một trận đánh không cân sức ở vùng căn cứ địa Lạt Sơn (nay là thôn Hồng Sơn, Thanh Sơn, Kim Bảng, Hà Nam).
Theo thần phả trong đền Lê Chân, Nữ tướng Lê Chân vốn quê gốc ở trang An Biên (nay thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, Lê Chân cùng một số tướng lĩnh của trang An Biên hưởng ứng cuộc khởi nghĩa và đã lập được nhiều chiến công. Khởi nghĩa giành thắng lợi, Trưng Trắc xưng vương, phong Lê Chân là “Thánh Chân công chúa” giao nhiệm vụ: “Chưởng quản binh quyền nội bộ” đóng bản doanh ở trung tâm Giao Chỉ để coi giữ vùng biển Đông Bắc nước ta. Thời gian sau, nhà Đông Hán lại sai Mã Viện mang quân quay trở lại xâm lược, cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bị thất bại, Lê Chân đã bí mật đưa quân về hoạt động tại vùng Hải Phòng (Kiến An) - Hải Dương - Thái Bình - Hà Nam ngày nay.
Khi cuộc chiến chống quân xâm lược Đông Hán rơi vào thế nguy cấp, Nữ tướng Lê Chân tiếp tục cùng thủy binh xuôi về nam đồng bằng sông Hồng và chọn vùng rừng núi hiểm trở Lạt Sơn (Kim Bảng, Hà Nam) để làm căn cứ phòng thủ chặn quân Đông Hán. Sở dĩ Lê Chân chọn Lạt Sơn làm căn cứ địa vì nơi đây có vị trí hiểm yếu, lưng tựa vào dãy núi hình cánh cung ở phía Tây chạy từ Bắc xuống Nam; trước mặt, phía Đông là sông Đáy, sông Ngân như hai hào nước. Địa hình căn cứ tiến có thể đánh, lui có thể giữ, đầu cuối hô ứng lẫn nhau. Trận địa phòng thủ được xây dựng ở các thung lũng trước núi, ở các hang động và các đồi đất lẫn đá kéo dài khoảng 7 km từ Bắc xuống Nam, điểm đầu căn cứ là vị trí Đền thờ Nữ tướng Lê Chân hiện nay, điểm cuối là núi Giát Dâu nơi nữ tướng hy sinh. Các tên thung, núi đồi và ký ức dân gian, mặc dù đã trải qua gần 2000 năm vẫn giúp đời sau hình dung được những nét cơ bản về căn cứ và những trận chiến oanh liệt cuối cùng của Nữ tướng Lê Chân tại Hà Nam.
|
Toàn cảnh đền thờ Nữ tướng Lê Chân ở thôn Hồng Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam |
Đầu căn cứ ở phía Bắc, đặt tiền đồn ở thung Mộc Bài, nơi đây bố trí đội quân tiên phong chặn mũi tiến công đầu tiên của quân thù... phía sau Mộc Bài là đồi Dốc Voi Trượt nơi bố trí đội tượng binh. Tiếp xuống phía Nam, lần lượt là thung Hóc Bạc có kho lương thực, hậu cần; thung Bể (hay còn gọi là thung Mơ), thung Dâu nơi đóng đại quân. Hang Diêm trên sườn núi phía Nam thung Bể là nơi đặt tổng hành dinh. Phía Tây thung Dâu là núi Thượi (cao khoảng 225m), nơi đặt vọng gác, quan sát được toàn bộ căn cứ. Gần núi Thượi có đồi Điểm quân. Sau Thung Dâu là hai thung Đội Nhất, Đội Nhì, nơi trú đóng của hai đội quân, thung Đồng Loạn gần địa điểm Giát Dâu, nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt nhất giữa nghĩa quân và quân xâm lược. Đồi Ông Tượng, điểm đầu căn cứ cách không xa sông Ngân về phía Tây. Cách vị trí đền Lê Chân hiện nay khoảng 3km là thung Trống (nhân dân địa phương giải thích là nơi có lầu trống dùng để đánh cầm canh và hiệu lệnh chiến đấu). Một số địa danh trong khu căn cứ như đồi Dướn, Non Tiên, thung Thùng Chạ, đặc biệt hồ Trứng rộng mấy chục mẫu.
Việc xây dựng, củng cố căn cứ của Nữ tướng Lê Chân còn chưa thực sự hoàn tất thì Mã Viện đã đưa quân đến vây hãm, mở nhiều trận tấn công. Nữ tướng Lê Chân tổ chức kháng cự cả trong các thung và trên dòng sông Ngân. Các trận đánh ác liệt diễn ra, quân ta chiến đấu kiên cường. Biết không đủ lực lượng đánh bại quân thù, nữ tướng cho binh sĩ bí mật rút khỏi căn cứ để kháng chiến lâu dài, còn nữ tướng và số ít tướng lĩnh, một bộ phận quân sĩ ở lại tử thủ. Quân giặc nhanh chóng phá vỡ tiền đồn Mộc Bài, tràn vào thung Hiên, thung Bể, dồn nghĩa quân về Đồng Gơ. Trận huyết chiến ác liệt cuối cùng diễn ra ở thung Đồng Loạn, Nữ tướng Lê Chân cùng các tướng tâm phúc rút lên núi Giát Dâu. Từ đỉnh núi cao, sườn dốc đứng, Nữ tướng Lê Chân gieo mình tự vẫn để khỏi phải sa vào tay giặc (núi này cách đền bà Lê Chân hiện nay khoảng 7 km về phía Tây). Thời khắc ấy vào buổi chiều ngày 13 tháng 7 năm Quý Mão (năm 43). Mấy tướng tâm phúc đã mai táng Nữ tướng Lê Chân ở một hang động trong căn cứ Lạt Sơn. Sau này, để khắc ghi, tưởng nhớ công lao to lớn của nữ tướng, người dân địa phương đã thành kính tôn vinh bà với danh hiệu cao quý: “Đức Thánh Mẫu”, đồng thời tạc tượng và lập đền thờ ở cửa rừng, trên đồi Ông Tượng.
|
Bức tượng chân dung Nữ Tướng Lê Chân nằm tại trung tâm khuôn viên của ngôi đền |
Hiện nay ở trên vách đá thung Bể còn lưu lại 3 bia đá: 1 bia có niên đại năm 1552 (đời vua Mạc Tuyên Tông); 2 bia còn lại có niên đại năm 1672 (đời vua Lê Gia Tông). Nội dung bia cho biết việc xây chùa Thánh Chân, khởi nguồn là Tiên Động Thánh Chân. Về sắc phong: ở đền Lê Chân còn lưu giữ 7 đạo sắc với các mỹ tự: “Quốc Mẫu Nữ chúa”, “Thủy Tinh Công chúa”, “Xuân Anh Công chúa”, trong đó có 2 đạo niên hiệu Thành Thái thứ 15 (1903); 1 đạo niên hiệu Duy Tân thứ 3 (1909); 1 đạo sắc niên hiệu Duy Tân thứ 5 (1911); 3 đạo niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924). Đây là nguồn tư liệu có giá trị, góp phần minh chứng khẳng định về sự tồn tại Căn cứ Lạt Sơn trong lịch sử. Cùng với văn bia lưu trên vách đá, vùng căn cứ địa Lạt Sơn còn có các không gian tâm linh thờ tự, đến ngày nay vẫn còn hiện hữu như: Đền Lê Chân; chùa Thánh Chân; địa điểm Giát Dâu - nơi Nữ tướng Lê Chân tuẫn tiết...
Theo lệ xưa, lễ hội đền Lê Chân được định kỳ tổ chức vào 3 ngày trung tuần tháng 7 âm lịch hàng năm. Từ năm 1960 trở lại đây, lễ hội được tổ chức 3 năm một lần. Những năm khác cũng mở hội nhưng với quy mô nhỏ gọn, nhưng ở quy mô nào thì các lễ vật không thể thiếu là: thịt lợn đen thiến, bánh trưng, bánh dày, oản, chè đậu xanh, bánh lá. Hội diễn ra với các nghi lễ chính như: rước kiệu, diễn xướng chầu văn, tế lễ, dâng hương, đấu vật truyền thống,... nhằm thể hiện sư tri ân, uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ người nữ tướng.
Với những giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, vùng căn cứ địa Lạt Sơn (với 3 địa điểm tiêu biểu: Đền Lê Chân, Động Thánh Chân, núi Giát Dâu) - vừa là nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử, vừa là nơi thờ phụng, tôn vinh công lao của Nữ tướng Lê Chân đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra Quyết định xếp hạng Di tích cấp quốc gia loại hình lưu niệm sự kiện vào đầu năm 2023.
Một số hình ảnh tại quần thể khu vực đền thờ Nữ tướng Lê Chân:
|
Cận cảnh cổng đền Lê Chân nằm trên đường Lê Chân, thuộc địa bàn Hồng Sơn, huyện Kim Bảng (Hà Nam) |
|
Khu vực hậu cung - nơi thờ tự chính Nữ danh tướng Lê Chân |
|
Một số hiện vật quý còn được lưu giữ trong đền như sắc phong, cuốn thư, câu đối... |
|
Bản phục chế nguyên mẫu trống đồng đánh trận thời Nữ tướng Lê Chân khoảng 2000 năm trước |
|
Dấu tích bến sông Ngân nơi lưu dấu những trang sử hào hùng của dân tộc |
|
Địa điểm núi Giát Dâu nơi diễn ra những trận huyết chiến ác liệt, và cũng là nơi Nữ tướng Lê Chân hy sinh thân mình |
|
Bảng kê một số bia đá cổ trên các hang động và các khu vực thuộc căn cứ địa Lạt Sơn - nơi lưu dấu tích của Nữ tướng Lê Chân năm xưa |
|
Một điểm cứ địa được địa phương phục dựng và bảo tồn thuộc căn cứ địa Lạt Sơn, gắn với những hoạt động và tên tuổi Nữ tướng Lê Chân tại vùng Kim Bảng, Hà Nam... |
Trần Quang Chiến