Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chống gian lận hóa đơn, bảo vệ công bằng thuế

Thứ Bảy, 16/11/2024 10:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, Tổng cục Thuế đã triển khai các biện pháp mạnh mẽ nhằm ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn điện tử trái phép. Mặc dù nhiều nỗ lực đã được thực hiện, nhưng vấn nạn này vẫn tiếp tục diễn ra phức tạp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngân sách nhà nước và làm giảm tính minh bạch trong môi trường kinh doanh.

Theo thống kê Tổng cục Thuế, năm 2023, cơ quan thuế nhận được 4.416 yêu cầu cung cấp hồ sơ của cơ quan công an đề nghị cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế của người nộp thuế phục vụ công tác quản lý, trấn áp tội phạm kinh tế của cơ quan công an. Nhờ đó, một số vụ việc mua bán hóa đơn phức tạp có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều địa phương trên toàn quốc đã bị phát giác.

Kiên quyết chống gian lận hóa đơn, bảo vệ công bằng thuế. (Hình minh họa).
 Cụ thể, ngày 19/12/2023, tòa án xét xử 100 người trong đường dây mua bán khống hóa đơn giá trị gia tăng (VAT) lớn nhất cả nước. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ xác định cầm đầu đường dây là bị cáo Nguyễn Minh Tú (30 tuổi, trú TP.HCM), lao động tự do. Qua mạng xã hội, Tú thiết lập mạng lưới trung gian (F1) để bán hóa đơn VAT. Trong 22 tháng hoạt động, Tú bị cáo buộc bán 1.025.712 hóa đơn VAT khống cho 88.053 doanh nghiệp, tổng doanh số gần 64.000 tỷ đồng, hưởng lợi 0,7-1,5% doanh số.

Gần đây, ngày 12/4/2024, vụ án mua bán hóa đơn của đối tượng Trương Xuân Đước và cựu Giám đốc Công an Hải Phòng Đỗ Hữu Ca cũng là vụ rất lớn. Theo cáo trạng, từ tháng 3/2013 đến tháng 5/2022, tại Hải Phòng, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, các bị cáo Trương Xuân Đước, Nguyễn Thị Ngọc Anh điều hành 26 công ty để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn, nhằm chiếm lời bất chính. Kết quả điều tra xác định, số lượng hóa đơn vợ chồng Đước mua bán trái phép là hơn 15.674 hóa đơn, thu lời bất chính hơn 41 tỷ đồng.

Hội đồng xét xử tuyên phạt ông Đỗ Hữu Ca 10 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. "Trùm hoá đơn" Trương Xuân Đước lãnh 2 năm tù về tội mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và 7 năm về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt 9 năm tù. Tuy nhiên, dù đã có nhiều vụ việc bị phát hiện và xử lý hình sự, tình trạng này vẫn diễn ra phức tạp và chưa đủ để ngăn chặn triệt để các hành vi vi phạm.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu hụt thông tin và hiểu biết về pháp luật của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong việc sử dụng hóa đơn. Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đang gặp khó khăn trong việc phân biệt hóa đơn hợp pháp và bất hợp pháp, dẫn đến việc không thể kiểm soát tình hình tài chính của mình. Một số doanh nghiệp, do áp lực doanh thu, đã lựa chọn mua hóa đơn bất hợp pháp để hợp thức hóa các chi phí, từ đó giảm thiểu thuế phải nộp.

Bên cạnh đó, hệ thống quản lý thuế hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Mặc dù đã có nhiều biện pháp kiểm soát, nhưng việc thu thập và phân tích dữ liệu về doanh nghiệp còn chưa thực sự hiệu quả. Điều này tạo cơ hội cho các đối tượng vi phạm lách luật. Ngoài ra, các đối tượng mua bán hóa đơn thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội, diễn đàn và ứng dụng nhắn tin để tiếp cận khách hàng, khiến công tác quản lý trở nên khó khăn và phức tạp hơn.

Theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Phú Thắng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc lập hóa đơn và sử dụng hóa đơn bất hợp pháp không chỉ ảnh hưởng đến nghĩa vụ thuế của NNT (người nộp thuế) mà còn gây mất uy tín cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ảnh hưởng tiêu cực đến sự minh bạch của môi trường kinh doanh. Do đó, hành vi này cần được xử lý nghiêm minh, tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch và lành mạnh.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội trốn thuế (Điều 200). Hành vi mua, bán trái phép hóa đơn đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự sẽ bị xử lý về Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước (Điều 203).

Các chế tài hành chính và hình sự đối với các hành vi mua bán trái phép hóa đơn và sử dụng hóa đơn không hợp pháp đã được quy định đầy đủ trong hệ thống pháp luật xử lý vi phạm hành chính và hình sự. Đối với cá nhân vi phạm tội trốn thuế, hình phạt có thể là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 4,5 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 7 năm. Pháp nhân thương mại có thể bị phạt từ 300 triệu đồng đến 10 tỷ đồng, hoặc đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Đối với hành vi mua, bán trái phép hóa đơn (theo Điều 203 Bộ luật Hình sự 2015), các cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 5 năm. Các pháp nhân thương mại vi phạm có thể bị phạt từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Cũng theo Luật sư Nguyễn An Bình, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn điện tử không chỉ cần sự quyết tâm từ phía cơ quan thuế mà còn đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ từ các cơ quan chức năng, bao gồm công an và quản lý thị trường.

Các hội, nhóm mua bán hóa đơn nhan nhản trên mạng xã hội

Các doanh nghiệp cần được phổ biến rõ ràng về các quy định liên quan đến hóa đơn, cũng như các hậu quả pháp lý khi tham gia vào việc mua bán hóa đơn bất hợp pháp. Đầu tư vào hệ thống quản lý thuế điện tử, cho phép cơ quan thuế theo dõi và phát hiện sớm các hành vi vi phạm, là một giải pháp quan trọng. Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong phân tích dữ liệu sẽ giúp nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát và phát hiện các hành vi vi phạm ngay từ giai đoạn đầu.

Cục thuế cần thực hiện các đợt thanh tra đột xuất, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro cao trong việc sử dụng hóa đơn. Việc phối hợp giữa cơ quan thuế và công an, quản lý thị trường là rất quan trọng để đảm bảo việc xử lý các hành vi vi phạm được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

Cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tuân thủ pháp luật về thuế, khen thưởng các doanh nghiệp làm tốt, và xử phạt nghiêm khắc những doanh nghiệp vi phạm, sẽ giúp tạo dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch hơn.

Tình trạng mua bán hóa đơn điện tử là một vấn đề cần được giải quyết triệt để để bảo đảm tính minh bạch và công bằng trong môi trường kinh doanh. Với sự chỉ đạo mạnh mẽ từ Tổng cục Thuế, cùng với sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, hy vọng rằng tình hình sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp về việc tuân thủ pháp luật, từ đó giảm thiểu tình trạng vi phạm và góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế./.

TL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN