Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Chuyển viên chức thành “công chức hợp đồng” có phù hợp?

Thứ Năm, 19/09/2024 10:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Theo ý kiến của Luật sư Nguyễn Văn Đồng (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), nếu chuyển hơn 7.000 viên chức sang công chức hợp đồng là không phù hợp. Việc này sẽ dẫn đến thay đổi rất lớn từ hành lang pháp lý (sửa đổi luật, nghị định, thông tư) cho đến chế độ chính sách, công việc, luân chuyển nhân sự.

Bộ Nội vụ sẽ phối hợp xem xét chuyển hơn 7.000 viên chức thành công chức hợp đồng. (Ảnh minh họa) 

Tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình với Bộ Nội vụ vào ngày 16/9 vừa qua, đại diện một số bộ phản ánh, thời gian qua, tại một số cục thuộc các bộ (như Cục Đăng kiểm, Cục Hàng không, Cục Hàng hải...), có những trường hợp là viên chức, nhưng thực ra là phải là công chức.

Theo quy định mới, tất cả những đơn vị này sẽ trở về cơ chế hoạt động như cơ quan quản lý nhà nước bình thường, không áp dụng như đơn vị sự nghiệp công lập. Vậy trong trường hợp này, họ sẽ được coi là công chức hay viên chức?

Về việc này, lãnh đạo Bộ Nội vụ cho biết, qua rà soát tổng hợp, hiện cả nước có hơn 7.000 viên chức như trong trường hợp như trên. Các trường hợp này đúng ra phải giao biên chế công chức.

Theo Bộ Nội vụ, nếu chuyển hơn 7.000 viên chức này sang công chức sẽ ảnh hưởng đến việc tinh giản biên chế công chức. Vì vậy, cần tính đến phương án áp dụng chế độ công chức hợp đồng với các cơ quan hành chính có nguồn thu. Bộ Nội vụ đang nghiên cứu để đưa vào chính sách tổng thể.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, tại khoản 2, Điều 4 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 quy định “Công chức” là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội (sau đây gọi chung là đơn vị sự nghiệp công lập), trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Còn tại Điều 2, Luật Viên chức năm 2010 quy định “Viên chức” là công dân Việt Nam được tuyển dụng theo vị trí việc làm, làm việc tại đơn vị sự nghiệp công lập theo chế độ hợp đồng làm việc, hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.

Hiện nay việc bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, chế độ chính sách đối đối với công chức, viên chức cũng có sự khác biệt nhau, được điều chỉnh tại các văn bản quy phạm pháp luật. “Theo tôi, tuy đến nay chúng ta mới phát hiện các vị trí công việc mà những người này thực hiện vốn dĩ là công việc của công chức hành chính. Tuy nhiên, nếu chuyển 7.000 viên chức sang công chức hợp đồng theo tôi là không phù hợp, việc này sẽ khiến phải thay đổi rất lớn từ hành lang pháp lý (sửa đổi luật, nghị định, thông tư) cho đến chế độ chính sách, công việc, luân chuyển nhân sự. Nên nếu thay đổi, cần trả lời được câu hỏi thay đổi nhằm mục đích gì? Nếu việc thay đổi chỉ để phù hợp trong khi công việc thực hiện của những nhân sự này vẫn vậy thì không cần thiết, cần giữ nguyên như lâu nay cũng không có gì bất cập; bởi nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức đã được quy định rõ tại các văn bản quy phạm pháp luật, quan trọng là các nhiệm vụ của họ vẫn được thực hiện tốt, đạt được mục tiêu đề ra”, Luật sư Nguyễn Văn Đồng nói./.

Khánh Lan

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN