Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Xử nghiêm hành vi giả mạo nhân viên y tế

Thứ Sáu, 04/10/2024 16:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Với nhiệm vụ dự phòng, chẩn đoán, hỗ trợ chăm sóc… khám chữa bệnh toàn diện cho người dân, nghề y rất cao quý. Do đó, nhiều bạn đọc muốn biết hành vi giả mạo nhân viên y tế nhằm trục lợi có thể bị xét xử ra sao?

Liên ngành Y tế - Công an tỉnh Gia Lai vừa kiểm tra đột xuất cơ sở Phòng khám ĐHY TP Hồ Chí Minh (địa chỉ 75 Nguyễn Tất Thành, phường Hoa Lư, thành phố Pleiku), phát hiện một người tự xưng là bác sĩ Võ Minh Thanh đang khám bệnh cho khách hàng, tư vấn điều trị suy giãn tĩnh mạch, tiêm xơ và laser sóng cao tần.

Người đàn ông tỏ thái độ bất hợp tác, không xuất trình căn cước công dân và các giấy tờ hoạt động hành nghề theo quy định, sau đó khai nhận tên thật là Võ Minh Chiến (quê ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, 28 tuổi, cư trú tại thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đắk Pơ, tỉnh Gia Lai). Mặc dù tốt nghiệp chuyên ngành Văn hóa, không có bằng cấp, chứng chỉ hành nghề liên quan đến Y tế song đã thực hiện việc tư vấn cho khách hàng theo hướng dẫn của Lê Thị Thành (chủ cơ sở). Toàn bộ tiền khám, chữa bệnh đều chuyển vào tài khoản của Lê Thị Thành. Ông Chiến mới vào cơ sở làm việc được một tháng với mức lương 5,5 triệu đồng/tháng.

Trước yêu cầu của Đoàn Kiểm tra, ông Chiến gọi điện cho người quản lý. Tuy nhiên, người trong điện thoại cho biết do nhà bị ảnh hưởng lũ lụt nên đã về quê giải quyết công việc gia đình và hứa sẽ có mặt làm việc với cơ quan chức năng theo yêu cầu.

Đoàn Kiểm tra tiến hành lập biên bản yêu cầu cơ sở chấm dứt ngay hành vi vi phạm; dừng tất cả hoạt động liên quan đến lĩnh vực khám, chữa bệnh; tháo gỡ toàn bộ biển hiệu khám, chữa bệnh...

 Bác sĩ "rởm" tự xưng Võ Minh Thanh làm việc với cơ quan chức năng. (Ảnh: Thanh Tuấn)

Cũng liên quan tới lĩnh vực này, vừa qua, bệnh viện Chợ Rẫy đã phát hiện thêm 1 trang fanpage giả mạo tự xưng bác sĩ Trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Chợ Rẫy, có tên “PGS, TS, BS Văn Thanh - Chuyên Khoa Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy”.

Để tạo thêm uy tín, đối tượng cung cấp hình ảnh các chứng chỉ, bằng cấp giả mạo hoặc chỉnh sửa hình ảnh để làm giả danh tính bác sĩ. Sau khi xây dựng lòng tin với người theo dõi, kẻ lừa đảo sẽ mời chào dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp hoặc ưu đãi đặc biệt.

Sau khi nhận được tiền cọc hoặc thanh toán dịch vụ, đối tượng sẽ biến mất hoặc cung cấp thông tin y tế không chính xác, gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh.

Với nhiệm vụ dự phòng, chẩn đoán, hỗ trợ chăm sóc… khám chữa bệnh toàn diện cho người dân, nghề y rất cao quý. Do đó, nhiều bạn đọc muốn biết hành vi giả mạo nhân viên y tế nhằm trục lợi có thể bị xét xử ra sao?

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ (Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết, Điều 5 Mục 1 Chương II Nghị định 109/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như sau:

1. Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề theo Mẫu 01 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Bản sao hợp lệ văn bằng chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, cụ thể như sau:

a) Văn bằng chuyên môn y;

b) Văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận tương đương trình độ đại học nhưng phải kèm theo giấy chứng nhận đã qua đào tạo bổ sung theo ngành, chuyên ngành phù hợp với thời gian đào tạo ít nhất là 12 tháng tại cơ sở đào tạo hợp pháp của Việt Nam theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì được coi là tương đương với văn bằng bác sỹ và được cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh là bác sỹ;

c) Văn bằng cử nhân hóa học, sinh học, dược sĩ trình độ đại học và phải kèm theo chứng chỉ hoặc giấy chứng nhận đào tạo chuyên ngành kỹ thuật y học về xét nghiệm với thời gian đào tạo ít nhất là 3 tháng hoặc văn bằng đào tạo sau đại học về chuyên khoa xét nghiệm;

d) Giấy chứng nhận là lương y hoặc giấy chứng nhận người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền do Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Giám đốc Sở Y tế cấp.

Trường hợp mất các văn bằng chuyên môn trên thì phải có giấy chứng nhận tốt nghiệp hoặc bản sao hợp lệ giấy chứng nhận thay thế bằng tốt nghiệp do cơ sở đào tạo nơi đã cấp văn bằng chuyên môn đó cấp.

3. Giấy xác nhận quá trình thực hành theo Mẫu 02 Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này hoặc bản sao hợp lệ các văn bằng tốt nghiệp bác sỹ nội trú, bác sỹ chuyên khoa I, bác sỹ chuyên khoa II, trừ trường hợp là lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc người có phương pháp chữa bệnh gia truyền.

4. Giấy chứng nhận đủ sức khỏe do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Khoản 6 Điều 23 và Khoản 5 Điều 25 Nghị định này cấp….

Về giấy phép hành nghề, Điều 27 Mục 3 Chương III Luật Khám bệnh, chữa bệnh (Luật số: 15/2023/QH15 ngày 09 tháng 01 năm 2023) nêu rõ:

1. Mỗi người hành nghề chỉ được cấp 01 giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc.

2. Giấy phép hành nghề có thời hạn 05 năm.

3. Nội dung của giấy phép hành nghề bao gồm các thông tin cơ bản sau đây:

a) Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; số định danh cá nhân đối với người hành nghề Việt Nam; số hộ chiếu và quốc tịch đối với người hành nghề nước ngoài;

b) Chức danh chuyên môn;

c) Phạm vi hành nghề;

d) Thời hạn của giấy phép hành nghề….

Luật sư Kỹ cho biết, người thực hiện các hoạt động khám chữa bệnh phải là những người có chuyên môn, được đào tạo và làm việc đúng với chuyên môn của mình.

Do đó, người giả mạo bác sỹ để thực hiện công việc không đúng với chuyên môn, gây ra hậu quả nghiêm trọng thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Với người giả mạo trong công tác, làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức thì đó cũng là hành vi vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, trường hợp giả mạo nhân viên y tế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với nhiều tội danh.

Nếu có đủ bằng chứng, căn cứ thì xem xét tội "Vi phạm quy định về khám chữa bệnh" theo Điều 315 Mục 3 Chương XXI phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015 (số: 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015), sửa đổi bổ sung năm 2017, cụ thể:

1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thuộc một trong các trường hợp dưới đây hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Làm chết 01 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này là 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;

c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Người vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60% hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm….

Trường hợp người mạo danh bác sỹ chưa gây ra thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản nhưng hành vi này có liên quan đến việc làm giả các giấy tờ, tài liệu để có thể tiến hành hoạt động của nhân viên y tế thì vẫn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội:

+ Giả mạo trong công tác (quy định tại Điều 359 Chương XXIII phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015)

+ Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức (quy định tại Điều 341 Chương XXII phần thứ hai Bộ luật Hình sự năm 2015).

Luật sư Kỹ cho rằng sức khỏe là điều quý nhất của mỗi con người. Do đó, trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin về nhân viên cũng như cơ sở y tế để đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng và tiết kiệm chi phí. Lực lượng chức năng (thanh tra y tế, tổ liên ngành....) cần tiếp tục tăng cường nắm bắt tình hình, theo dõi chặt chẽ kiểm tra đột xuất hoạt động của các cơ sở y tế (đặc biệt là phòng khám tư nhân, có yếu tổ nước ngoài...) để tránh các sai phạm phát sinh, đồng thời nghiên cứu tăng mức phạt để mang tính răn đe.

Trên thực tế, chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng. Nếu nghi ngờ có dấu hiệu lừa đảo, cần khẩn trương báo cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN