Trà Vinh chú trọng liên kết du lịch với TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long
(ĐCSVN)- Du lịch của tỉnh Trà Vinh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành trong khu vực. Chính vì vậy, tỉnh Trà Vinh rất chú trọng đến việc liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước nhất là TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
Giới thiệu các đặc sản của Trà Vinh với du khách TP Hồ Chí Minh. |
Ngày 18/8, tại TP Hồ Chí Minh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh phối hợp tổ chức Chương trình quảng bá xúc tiến du lịch tỉnh Trà Vinh với chủ đề “Từ di sản Việt đến thiên nhiên Xanh”.
Sự kiện nhằm triển khai chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2024, giới thiệu tiềm năng du lịch, hình ảnh và nét đẹp văn hóa đặc trưng của tỉnh Trà Vinh đến du khách trong và ngoài nước.
Trong khuôn khổ sự kiện diễn ra đa dạng hoạt động gồm: Không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật, không gian văn hóa ẩm thực, không gian trưng bày sản phẩm OCOP…
Phát biểu tại chương trình, ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết tỉnh có 2 Bảo vật quốc gia, 8 Di sản văn hóa Phi vật thể cấp quốc gia, 16 di tích cấp quốc gia và 41 di tích cấp tỉnh… là điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch văn hóa. Đặc biệt, với vị trí nằm giữa hai nhánh sông Mekong và tiếp giáp biển Đông, gồm vùng đất trẻ bên cạnh vùng đất châu thổ lâu đời hình thành nhiều cù lao, cồn nổi ven sông, ven biển với những vườn cây ăn trái chuyên canh tạo cho Trà Vinh nhiều cơ hội phát triển đa dạng loại hình du lịch. Ngoài ra, môi trường tự nhiên tuy còn hoang sơ nhưng rất thích hợp cho khách du lịch quốc tế khám phá, trải nghiệm nét đặc trưng còn lưu lại của vùng đất Tây Nam bộ, nên Trà Vinh có lợi thế phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng.
Trà Vinh là vùng đất gắn bó lâu đời của ba dân tộc Kinh, Khmer, Hoa đã hình thành một nền văn hóa đa sắc tộc với nhiều đình, chùa, nhà thờ và các lễ hội truyền thống. Cụ thể, các lễ hội diễn ra quanh năm như lễ hội Nghinh Ông, Vu Lan, Ok Om Bok, Nguyên Tiêu… Bên cạnh đó, văn hóa ẩm thực của tỉnh Trà Vinh cũng rất phong phú vì là vùng đất cộng cư lâu đời của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer... có sự giao thoa, tiếp biến văn hóa, tạo cho nền văn hóa ẩm thực nét riêng biệt mang “hương vị miền đất phúc”. Ẩm thực của Trà Vinh còn được tổng hợp và kế thừa từ văn hóa ẩm thực của các dân tộc với nhiều đặc sản, món ngon nổi tiếng được xác lập kỷ lục châu Á để du khách trải nghiệm, thưởng thức và làm quà tặng du lịch.
Ngoài ra, hai sản phẩm du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh là một trong những sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, vị trí địa lý là lợi thế để phát triển loại hình du lịch biển, du lịch sinh thái sông nước miệt vườn và du lịch nghỉ dưỡng. Về cơ sở vật chất phục vụ du lịch, toàn tỉnh hiện có 131 cơ sở lưu trú du lịch.
Tuy nhiên, theo ông Sum, du lịch của tỉnh Trà Vinh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lượng khách và doanh thu du lịch còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành trong khu vực. Chính vì vậy, tỉnh rất chú trọng đến việc liên kết với các tỉnh, thành trong cả nước nhất là TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long.
"Thông qua sự kiện lần này sẽ giúp cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành hiểu thêm về hình ảnh đất nước con người Trà Vinh. Ngoài ra, tỉnh còn cam kết hỗ trợ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành đến tìm hiểu cơ hội đầu tư du lịch và đưa khách đến tỉnh"- ông Sum chia sẻ.
TS. Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển du lịch TP.Hồ Chí Minh (đơn vị tư vấn phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng tại Trà Vinh) cho rằng, tỉnh Trà Vinh cần thu hút sự tham gia, quan tâm nhiều hơn của các DN lữ hành, du lịch tại TP Hồ Chí Minh để họ có mối quan tâm, xây dựng các sản phẩm du lịch kết nối dòng khách đặc trưng của đơn vị mình./.