Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Người thầy - chủ thể chính của dự thảo luật

Thứ Tư, 20/11/2024 15:59 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ngày 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

  Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long trao đổi tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo. 

Về dự Luật Nhà giáo, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long cho rằng: Dự thảo Luật thể hiện tinh thần lắng nghe, tiếp thu và cầu thị của Ban soạn thảo trong việc điều chỉnh nội dung, cấu trúc và dung lượng theo hướng ngắn gọn, thống nhất với với một số quy định tại các Luật hiện hành liên quan, thiết kế các nội dung chính sách riêng cho nhà giáo, thể hiện đúng quan điểm coi giáo dục là quốc sách hàng đầu, đáp ứngyêu cầu giáo dục và định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới.

Về những điểm mới của Dự thảo Luật có thể thấy quyền, nghĩa vụ, đạo đức của Nhà giáo được quy định rõ ràng, đầy đủ, có hệ thống đồng thời cũng quy định cụ thể những việc không được làm, góp phần khẳng định, nâng vị thế nhà giáo. Chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển, dạy liên trường, liên cấp đối trong các cơ sở giáo dục công lập được quy định, làm căn cứ để bố trí, phân công nhà giáo phù hợp với yêu cầu đổi mới trong giáo dục, tăng quyền tự chủ cho các nhà trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh bày tỏ thống nhất cao với những quy định về chính sách tiền lương, chế độ ưu tiên và tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non. Đây là những nội dung có nhiều bất cập, đã được đề cập trong nhiều năm qua những chưa giải quyết được. Đại biểu bày tỏ mong Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ban hành Nghị định, Thông tư cụ thể hóa các quy định chung này, đảm bảo thời gian, công sức lao động của giáo viên mầm non được ghi nhận với chế độ tương xứng.

Đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu cần có quy định và chính sách hỗ trợ mạnh mẽ trong việc tự đào tạo, tự bổi dưỡng như tạo điều kiện về thời gian, tài chính, quyền lợi cho nhà giáo tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực chuyên môn đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong thực hiện đổi mới giáo dục. Song song đó, Chính phủ quan tâm cần có quy định đặc thù trong quy định chế độ nâng bậc lương trước thời hạn và chế độ khen thưởng đối với nhà giáo có thành tích xuất sắc; nhà giáo được ưu tiên mua nhà nhà ở xã hội và đảm bảo các điều kiện về vật chất và trang thiết bị phục vụ hoạt động dạy và học. Điều này sẽ góp phần nuôi dưỡng tình yêu nghề, lý tưởng cống hiến, tạo động lực và đột phá cho nhà giáo.

Đã trải qua quá trình công tác trong ngành Giáo dục, đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh hiểu những khó khăn của ngành và mong muốn của đội ngũ nhà giáo. Phần lớn Thầy Cô đến với nghề vì đam mê nghề nghiệp bởi không yêu nghề thì không thể dạy tốt được. Đặc biệt, trong giai đoạn đất nước phát triển, người Thầy mang nét đẹp mới với sứ mệnh cao hơn, trọng trách to lớn hơn, quyết định trực tiếp đến chất lượng nguồn nhân lực đất nước, góp phần hình thànhnhân cách con người Việt Nam giàu lòng yêu nước.

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long tin tưởng và kỳ vọng, dự Thảo Luật sẽ góp phần nâng cao vị thế, vai trò, bản lĩnh và sự cống hiến của Nhà giáo, hướng tới sự phát triển bền vững của Giáo dục./..

Quang Chiến

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN