Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Giải pháp phát triển ngành cá tra

Chủ Nhật, 17/11/2024 20:33 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Để ngành hàng cá tra phát triển và tận dụng được cơ hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương cần phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, với quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ trong quản lý, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng...

 Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị (Ảnh: Việt Tiến)

Trong khuôn khổ Ngày hội Cá tra Đồng Tháp – năm 2024, ngày 17/11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025”.

Các đồng chí: Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản; Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo của Cơ quan quản lý thủy sản địa phương, tính đến hết tháng 10/2024, sản lượng giống cá bột ước đạt hơn 25 tỷ con; cá giống ước đạt 3,9 tỷ con. Ước cả năm 2024, sản lượng cá bột thu hoạch đạt 30 tỷ con; cá giống đạt 04 tỷ con (bằng 116% so với cùng kỳ năm 2023).

Tổng diện tích thả nuôi cá tra phát sinh trong năm 2024 ước đạt 5.370 ha (bằng 95% so với cùng kỳ năm 2023). Tổng sản lượng cá tra thu hoạch trong năm 2024 ước đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023.   

Kim ngạch xuất khẩu theo VASEP, tính đến ngày 15/10, xuất khẩu cá tra đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mục tiêu trong năm 2025, sản lượng dự kiến khoảng 1,65 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu khoảng 02 tỷ USD.  

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Phước Thiện, năm 2024, tình hình nuôi cá tra tại địa phương tương đối ổn định, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra tiếp tục tăng, ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng 2,86% so năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành Nông – Lâm - Thuỷ sản tỉnh. Diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm đạt 2.630 ha (tăng 10 ha so với năm 2023) với sản lượng ước đạt 540.000 tấn (tăng 15.000 tấn so với năm 2023).  

Tại hội nghị, bên cạnh những cơ hội của ngành hàng cá tra trong thời gian tới, các chuyên gia cũng chỉ ra những thách thức cho ngành hàng như: Sự cạnh tranh các loài thủy sản khác; giá xuất khẩu cá tra Việt Nam so với các nước khác; tác động của biến đổi khí hậu; các quy định về giảm phát thải trong nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra; các rào cản kỹ thuật, thương mại của các nước nhập khẩu về sản phẩm cá tra...  

Ngoài ra, chuyên gia cũng giới thiệu, cung cấp cho đại biểu các thông tin về xu hướng, tiềm năng của thị trường Halal và các yêu cầu để sản phẩm đạt chứng nhận Halal.    

 Các món ăn được làm từ cá tra. (Ảnh: Việt Tiến)

Nhằm phát triển ngành hàng cá tra như: Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người nuôi để đảm bảo cung - cầu của thị trường; các thủ tục trong thực hiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản cần kịp thời hơn; hỗ trợ tháo gỡ các rào cản quốc tế trong xuất khẩu cá tra; quản lý điều kiện sản xuất đối với cơ sở giống thủy sản, cơ sở sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường; hình thành vùng nuôi cá tra bền vững; ứng dụng các giải pháp khoa học tiên tiến, công nghệ trong quản lý và sản xuất cá tra giống, thương phẩm...

Để ngành hàng cá tra phát triển và tận dụng được cơ hội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đề nghị, các Bộ, ngành, địa phương cần phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, với quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ trong quản lý, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra, đảm bảo chất lượng nguồn giống; sản xuất, chế biến cá tra phải hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải; nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu khoa học trong nuôi trồng, sản xuất cá tra. Hình thành chuối khép kín trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng các phụ phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm; bên cạnh các thị trường truyền thống cần tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng, trong đó có thị trường Hồi giáo đáp ứng được yêu cầu chứng nhận Halal./..

 

Đức Minh (T/h)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN