Sự chung thủy giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình
(ĐCSVN) - Trong mọi giai đoạn phát triển, gia đình luôn giữ vai trò là nền tảng, là tế bào của xã hội, là môi trường đầu tiên và then chốt trong việc hình thành, giáo dục, nuôi dưỡng nhân cách, phẩm chất của mỗi con người, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số và phát triển nguồn nhân lực của quốc gia. Hiện nay, gia đình ở Việt Nam nói chung và gia đình ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng đang phải đối diện với nhiều tác động của kinh tế thị trường và sự biến đổi xã hội.
Ảnh minh họa: CM |
Trong đó, sự xuống cấp của một số mối quan hệ ứng xử văn hóa trong gia đình, đạo đức gia đình, đạo đức xã hội ngày càng trở nên nghiêm trọng. Do vậy để xây dựng gia đình Việt Nam hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay thì một trong những điều kiện tiên quyết là phải xác lập được hệ giá trị gia đình Việt Nam. Trong những yếu tố làm nên hệ giá trị gia đình thì lòng chung thủy là yếu tố cốt lõi. Đặc biệt, sự chung thủy trong hôn nhân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) không chỉ là giá trị cá nhân mà còn là giá trị cộng đồng. Trong một xã hội nông nghiệp truyền thống, nơi mọi người sống gần gũi và phụ thuộc lẫn nhau, sự chung thủy được coi là nền tảng của sự tin tưởng và ổn định xã hội. Tình làng nghĩa xóm giúp củng cố và duy trì sự chung thủy trong hôn nhân, khi cộng đồng cùng giám sát và khuyến khích những giá trị đạo đức này.
Sự chung thủy giữ vai trò quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình, ổn định và bền vững gia đình. Bởi quan hệ vợ chồng không đơn thuần chỉ là một quan hệ quyền và nghĩa vụ theo pháp lý đơn thuần, mà trước hết đó là tình nghĩa giữa hai người đối với nhau. Do đó, trong tình nghĩa vợ chồng, trước hết họ phải chung thuỷ với nhau. Đây là cơ sở quan trọng đảm bảo hạnh phúc của gia đình. Nếu vợ hoặc chồng vi phạm, sẽ làm sứt mẻ tình cảm vợ chồng, sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Ngược lại, khi hai người chung thủy với nhau, luôn dành cho nhau tình yêu, sự quan tâm và tin tưởng. Điều này giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống và xây dựng một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Thêm vào nữa, hệ giá trị tạo điểm tựa tinh thần, tạo môi trường văn hóa, có tác dụng giáo dục, điều chỉnh hành vi, suy nghĩ, định hướng con người đến những điều tốt đẹp. Để giữ gìn hệ giá trị gia đình thì sự thủy chung là yếu tố cốt lõi, vợ chồng chung thủy là nền tảng để giữ gìn hạnh phúc hôn nhân và như vậy con cái sẽ được sống trong một gia đình hòa thuận, yêu thương nhau từ đây sẽ hình thành nên những giá trị đạo đức tốt đẹp. Mặt khác, một gia đình mà cha mẹ chung thủy sẽ là tấm gương tốt cho con cái, giúp chúng học hỏi về các giá trị đạo đức, tình yêu và trách nhiệm. Trẻ em lớn lên trong môi trường gia đình có sự chung thủy thường có xu hướng phát triển nhân cách tốt, có lòng trung thành và biết tôn trọng người khác. Chung thủy thể hiện trách nhiệm và cam kết của mỗi thành viên trong gia đình. Nó khẳng định rằng mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ và duy trì hạnh phúc gia đình, không chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn vì lợi ích chung của tất cả các thành viên trong gia đình.
Ngược lại, sự suy giảm của giá trị chung thủy trong hôn nhân không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn có tác động lớn đến gia đình và xã hội. Gia đình là tế bào của xã hội, khi một gia đình tan vỡ, nó có thể gây ra những hệ lụy tiêu cực cho cả cộng đồng. Trẻ em trong những gia đình có bố mẹ không chung thủy thường phải đối mặt với nhiều khó khăn về tâm lý và xã hội, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của các em.
Đáng chú ý, Luật Hôn nhân và Gia đình qui định và khẳng định chế độ hôn nhân một vợ, một chồng, do đó trong quan hệ vợ chồng, các bên đều phải có nghĩa vụ chung thuỷ với nhau. Thể hiện sự tiến bộ cũng như một cách ràng buộc đối với quan hệ nhân thân giữa vợ chồng. Đó chính là cơ sở cơ bản để đảm bảo xây dựng một gia đình dân chủ hòa thuận và hạnh phúc.Các giải pháp duy trì và phát huy giá trị chung thủy trong hôn nhân
Tuy vậy, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, những quan niệm về tình yêu, hôn nhân, gia đình không còn mang ý nghĩa truyền thống. Mỗi thế hệ mỗi cá nhân đều có quan niệm khác nhau về cái gọi là “chung thủy”. Luật hôn nhân và gia đình qui định đó là nghĩa vụ chung của hai vợ chồng. Và bên cạnh đó đã đưa ra những cơ chế nhằm đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đó. Mục đích của hôn nhân trong chế độ ngày nay là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Để thực hiện điều đó, giáo dục về giá trị chung thủy cần được thực hiện từ gia đình và cộng đồng. Các bậc cha mẹ nên là những người gương mẫu, truyền đạt và giảng dạy cho con cái về tầm quan trọng của sự chung thủy trong hôn nhân. Cộng đồng cũng cần có những chương trình giáo dục và tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về giá trị này.
Các tổ chức xã hội, đặc biệt là các tổ chức phụ nữ, gia đình và thanh niên, có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát huy giá trị chung thủy. Các tổ chức này có thể tổ chức các hoạt động, sự kiện và chương trình tư vấn nhằm hỗ trợ các cặp vợ chồng và gia đình, giúp họ vượt qua những khó khăn và thử thách trong hôn nhân.
Công nghệ thông tin và truyền thông có thể được sử dụng một cách hiệu quả để duy trì và củng cố giá trị chung thủy trong hôn nhân. Các ứng dụng, trang web và mạng xã hội có thể được sử dụng để cung cấp thông tin, tư vấn và hỗ trợ cho các cặp vợ chồng. Đồng thời, cần có những biện pháp kiểm soát và giáo dục về việc sử dụng công nghệ một cách đúng đắn, tránh những tác động tiêu cực đến hôn nhân và gia đình.
Chính phủ và các cơ quan chức năng cần có những chính sách và biện pháp hỗ trợ gia đình và hôn nhân. Các chính sách về phúc lợi xã hội, hỗ trợ tài chính, giáo dục và y tế có thể giúp giảm bớt áp lực cho các gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho họ duy trì mối quan hệ hôn nhân bền vững. Đồng thời, cần có những biện pháp pháp lý nghiêm khắc đối với những hành vi vi phạm giá trị chung thủy, nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan.
Nhìn chung, sự chung thủy trong hôn nhân là một giá trị cốt lõi và quan trọng trong hệ giá trị gia đình ở ĐBSCL. Mặc dù đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ quá trình hiện đại hóa, đô thị hóa và sự phát triển của công nghệ, nhưng giá trị này vẫn giữ vai trò nền tảng trong việc duy trì sự ổn định và hạnh phúc của gia đình. Việc duy trì và phát huy giá trị chung thủy trong hôn nhân đòi hỏi sự nỗ lực từ gia đình, cộng đồng, các tổ chức xã hội và Chính phủ, với sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ các yếu tố nêu trên, từ đó, sự chung thủy trong hôn nhân sẽ được củng cố bền chặt, góp phần quan trọng xây dựng hệ giá trị gia đình ở ĐBSCL nói riêng và hệ giá trị gia đình Việt Nam nói chung./.