Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Bến Tre thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Thứ Ba, 19/11/2024 16:01 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN)-Theo số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư Bến Tre, tính đến cuối tháng 10 năm 2024, toàn tỉnh có 6.310 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 75.582,9 tỷ đồng, trong đó có 4.100 doanh nghiệp đang hoạt động.

 Quyền Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu tại buổi Cà phê doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp (tháng 4 năm 2024). (Ảnh: Huỳnh Anh)

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Bến Tre, với hơn 90% trong số đó có vốn đăng ký dưới 1 tỷ đồng và chủ yếu tập trung trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Từ năm 2017 đến 2023, số lượng doanh nghiệp mới tại Bến Tre liên tục tăng, trung bình đạt 14,68% mỗi năm, cao hơn so với tỷ lệ 9,68% của giai đoạn trước đó (2010-2016).

Để đạt được những kết quả đáng khích lệ như trên, trước tiên phải kể đến hiệu quả tích cực của Chương trình số 10-CTr/TU ngày 28/4/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đồng Khởi khởi nghiệp và Phát triển doanh nghiệp và Đề án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025.

Để các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sau khi ban hành thật sự có hiệu quả, trong thời gian tới, tỉnh cần tập trung hỗ trợ đào tạo các kiến thức cần thiết về quản trị doanh nghiệp. Thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về quản trị doanh nghiệp, pháp lý, thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc phối với các trường, trung tâm đào tạo uy tín và các doanh nhân thành đạt.

Tỉnh cần ưu tiên cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thuê mặt bằng trong các khu cụm công nghiệp và có chính sách, kinh phí hỗ trợ giá thuê mặt bằng sản xuất tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thực hiện kiểm soát ổn định các chi phí sử dụng điện, nước, cước phí vận tải phù hợp để có thể giúp nhà đầu tư giảm bớt được chi phí đầu vào nhằm tăng giá trị thặng dư trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Hỗ trợ đổi mới công nghệ và sở hữu trí tuệ, bao gồm việc cung cấp kinh phí cho các dự án liên quan đến xây dựng, đăng ký, khai thác và phát triển nhãn hiệu tập thể; nhãn hiệu chứng nhận; chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm truyền thống và đặc thù của tỉnh.

Tỉnh cần nhanh chóng hoàn thiện Kế hoạch phát triển nhóm doanh nghiệp dẫn đầu của tỉnh, từ đó hình thành các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tàu có khả năng dẫn dắt, liên kết và vận hành hiệu quả các chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thuộc các công đoạn sơ chế, doanh nghiệp thực hiện các khâu đầu tiên của chuỗi cung ứng.

Để có thể nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, cần kết hợp đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung nguồn vốn, kinh phí để nâng mức ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tăng cường xây dựng và triển khai các nội dung hỗ trợ khuyến khích phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần tăng trưởng kinh tế và tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm và thúc đẩy xã hội phát triển./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN