Tiểu đường và những biện pháp phòng bệnh
(ĐCSVN) - Tiểu đường là một trong những bệnh dễ gặp phải trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Để phòng và chữa bệnh tiểu đường, cần quan tâm nhiều đến chế độ sinh hoạt vận động và chế độ dinh dưỡng.
Bệnh tiểu đường còn gọi là đái tháo đường hay bệnh dư đường, là một nhóm bệnh rối loạn chuyển hóa cacbohydrat khi hoóc môn insulin của tụy bị thiếu hay giảm tác động trong cơ thể, biểu hiện bằng mức đường trong máu luôn cao.
Nhiều yếu tố quyết định bệnh tiểu đường như gen, môi trường, ăn uống, vận động thể lực, stress…Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không sản xuất đủ insulin, hoặc cơ thể giảm đáp ứng với tác dụng của insulin (đề kháng với insulin) .
Có ba loại tiểu đường chính: đái tháo đường type 1, type 2 và đái tháo đường thai kỳ. Trong đái tháo đường type 1, cơ thể không thể sản xuất insulin. Lý do, hệ thống miễn dịch của cơ thể do nhầm lẫn đã tấn công các tế bào trong tuyến tuỵ làm cho tế bào tuyến tụy không còn sản xuất được insulin. Khi không có Insulin, tế bào sẽ không sử dụng được Glucose, do đó Glucose trong máu sẽ tăng rất cao. Bệnh nhân cần được tiêm insulin để sống.
Đái tháo đường type 2 là loại tiểu đường thường gặp nhất. Thông thường, với bệnh đái tháo đường type 2, trong cơ thể vẫn còn sản xuất insulin, nhưng các tế bào không thể sử dụng nó. Điều này được gọi là đề kháng insulin. Theo thời gian, đường huyết sẽ tăng cao trong máu. Béo phì và ít vận động làm tăng nguy cơ phát triển bệnh đái đường type 2.
Đái tháo đường thai kỳ, đây là dạng tiểu đường xảy ra ở một số phụ nữ mang thai và chấm dứt sau khi sinh. Có thể gây ra các vấn đề trong quá trình mang thai. Phụ nữ bị đái tháo đường thai kỳ có nhiều khả năng phát triển thành bệnh đái tháo đường type 2 sau này.
Triệu chứng của bệnh tiểu đường: Khát không ngừng, đi tiểu thường xuyên, đặc biệt ban đêm, mệt mỏi, uể oải, giảm cân,…Các biến chứng của bệnh tiểu đường nếu không được điều trị tốt, bệnh tiểu đường gây ra nhiều biến chứng có thể làm bệnh nhân tàn phế, thậm chí tử vong.
Với biến chứng cấp tính, hạ đường huyết là biến chứng cấp tính. Với biến chứng mãn tính gồm biến chứng tim mạch, đái tháo đường làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tai biến mạch máu não. Biến chứng mắt, bệnh lý võng mạc do đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù, giảm thị lực.
Bệnh tiểu đường có thể gây nhiều biến chứng. Do đó cần phải có thái độ bình tĩnh để sắp xếp lại mọi sinh hoạt, thói quen ăn uống… và cách sống cho phù hợp với tình trạng bệnh.
Người bệnh nên sống năng động hơn, không nên ngồi một chỗ suốt ngày. Mỗi ngày nên dành từ 30 – 45 phút để đi bộ. Ngoài ra có thể chơi các môn thể thao khác phù hợp với sức khỏe. Thể thao chính là một phương pháp điều trị không dùng thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc điều trị đái tháo đường cần phối hợp nhiều phương pháp: chế độ ăn uống, tập luyện (mỗi ngày đi bộ 30 phút có thể giảm 40% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường) và thuốc hạ đường máu dạng uống hoặc tiêm. Tuy nhiên, tùy loại đái tháo đường và các biến chứng đi kèm của bệnh mà có các phương pháp điều trị khác nhau.
Bên cạnh đó, dinh dưỡng đóng vai trò qua trọng trong việc điều trị đái tháo đường. Người bệnh cần hạn chế những thực phẩm làm tăng đường huyết (những thực phẩm làm chỉ số tăng đường huyết cao). Ví dụ như: hoa quả ngọt (nhãn, vải, mít); nước ngọt có ga và bánh kẹo ngọt làm từ đường kính.
Một số loại quả dùng tốt cho những người bệnh tiểu đường như: lựu rất giàu chất chống oxy hóa, do đó, bảo vệ bạn khỏi các gốc tự do và bệnh mạn tính. Chúng đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm mức cholesterol xấu và kháng insulin. Táo có tác dụng hạ đường huyết, chứa nhiều chất xơ, là thành phần không thể thiếu cho người bị tiểu đường. Ổi có chỉ số đường huyết thấp. Loại quả này rất giàu chất xơ và có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2; ổi cũng có hàm lượng vitamin A và vitamin C cao,…Đây là những trái cây có lợi cho người mắc bệnh tiểu đường/.