Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tiền Giang: Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà ta Gò Công theo chuỗi giá trị

Thứ Sáu, 11/12/2015 14:15 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

Hợp tác xã Chăn nuôi - thủy sản Gò Công (thị xã Gò Công, Tiền Giang) đã phát triển chăn nuôi gia cầm theo mô hình chuỗi giá trị thông qua áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tạo sản lượng thịt thương phẩm ổn định, đồng thời liên kết với doanh nghiệp đưa sản phẩm chất lượng, an toàn đến người tiêu dùng, nâng cao thu nhập cho xã viên.

Anh Kiệt và mô hình “Chăn nuôi gà an toàn theo chuỗi giá trị”. (Nguồn: m.nongnghiep.vn)

Hợp tác xã Chăn nuôi - thủy sản Gò Công được thành lập tháng 4/2007. Ngay từ những ngày đầu đi vào hoạt động, Hợp tác xã xác định mục tiêu chiến lược là tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị trên cơ sở liên kết “4 nhà”. Cụ thể, Hợp tác xã xác định vật nuôi chủ lực, triển khai qui trình nuôi khoa học gắn với chuyển giao kỹ thuật và cung ứng dịch vụ chăn nuôi cho hộ xã viên, liên kết doanh nghiệp giải quyết đầu ra cho sản phẩm. Từ mục tiêu trên, những năm 2007 - 2008, kỹ sư Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã đã chủ trì đề tài nghiên cứu, lai tạo thành công giống gà ta Gò Công từ các giống gà bản địa. Ưu điểm của giống gà ta Gò Công là năng suất đẻ cao, chất lượng thịt ngon, được thị trường ưa chuộng. Qua khảo sát thực tế, năng suất đẻ của giống gà lai mới đạt 180 trứng/năm. Gà ta Gò Công trống nuôi 100 ngày đạt trọng lượng 1,5 đến 1,8 kg/con và gà mái nuôi 120 ngày đạt trọng lượng bình quân từ 1,4 đến 1,8 kg/con. Đề tài nghiên cứu đã được trao giải C tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ VII (2007 - 2008). Hợp tác xã đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền “Gà ta Gò Công”. 

Có giống gà mới lai tạo chất lượng tốt, Hợp tác xã đã chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi an toàn sinh học, cung cấp dịch vụ chăn nuôi đầu vào cho hộ xã viên và tìm kiếm đối tác giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm. Cụ thể, quy mô nuôi tối ưu 2.000 - 3.000 con/hộ, vừa phù hợp với điều kiện đất hẹp, người đông vùng thị xã Gò Công, vừa bảo đảm hiệu quả. Mật độ nuôi tối ưu 7 con/m2 giúp gà tăng trọng đều, ít nguy cơ mắc bệnh và đạt độ đồng đều khi xuất chuồng. Trong qui trình nuôi, xã viên tuân thủ những điểm mới mang lại hiệu quả cao như tiêm phòng vắc-xin đầy đủ và cho gà ăn vào ban ngày, không cho ăn dặm ban đêm như trước để tạo độ miễn dịch tốt, gà tăng trọng đều, chất lượng thịt ngon. 

Ông Trần Văn Thái, ở ấp Thành Nhì, xã Bình Xuân (thị xã Gò Công) là một trong những hộ xã viên áp dụng thành công qui trình nuôi gà ta Gò Công an toàn sinh học. Trong dịch cúm gia cầm 2003 - 2004, gia đình ông phải tiêu hủy đàn gà 4.200 con, nợ hàng trăm triệu đồng. Đầu năm 2010, ông tham gia Hợp tác xã, được chuyển giao qui trình nuôi mới với giống gà ta Gò Công. Ngay năm đó ông nuôi 2 lứa gà tổng cộng 1.000 con, bán thu lãi 28 triệu đồng. Những năm sau, gia đình ông mở rộng qui mô nuôi lên 500 con gà mái đẻ, 2.000 con gà thịt/năm, thu lãi bình quân 100 triệu đồng/năm. 

Ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi - thủy sản Gò Công cho biết: Để đảm bảo lợi ích xã viên và Hợp tác xã phát triển bền vững, đơn vị đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với Công ty TNHH San Hà (Công ty San Hà) - một doanh nghiệp chuyên kinh doanh sản phẩm thịt, trứng gia cầm nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo hợp đồng, trung bình mỗi tháng, Hợp tác xã cung ứng cho Công ty San Hà từ 700 - 1.000 con gà ta Gò Công thịt với giá ổn định 60.000 đồng/kg gà trống và 75.000 đồng/kg gà mái. Với hộ xã viên có quy mô nuôi 1000 con nhưng phải vay vốn ngân hàng và thuê lao động, sau vụ nuôi 4 tháng có thể thu lãi trên 8,5 triệu đồng; nếu không phải vay vốn ngân hàng, nhưng thuê lao động, sẽ thu lãi khoảng 15 triệu đồng; nếu không vay vốn ngân hàng và không thuê lao động, mức lãi đạt trên 20 triệu đồng. Mỗi năm, hộ xã viên có thể nuôi 2 - 3 vòng.

Ba năm qua, doanh thu và lợi nhuận của Hợp tác xã tăng trưởng ổn định. Năm 2014, tổng doanh thu trên 27 tỉ đồng và lợi nhuận trên 4,5 tỉ đồng. Năm 2015, dự báo mức tăng trưởng đạt cao hơn từ 10 - 20% so với năm trước. Ông Nguyễn Quốc Kiệt chia sẻ, đáng mừng là 100% hộ xã viên đều đạt thu nhập ở ngưỡng khá và giàu, không còn hộ nghèo. Để có thể nhân rộng mô hình, ông Nguyễn Quốc Kiệt đã đúc kết thành đề tài “Mô hình chăn nuôi gà ta Gò Công theo chuỗi giá trị”. Nhờ tính mới mẻ, sáng tạo, cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản khép kín trong các Hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất nông nghiệp, giải pháp trên đã xuất sắc giành giải Nhất tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Tiền Giang lần thứ XI (2014 - 2015)./. 

Minh Trí/TTXVN

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN