Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Đổi thay ở xã nông thôn mới Hòa Đông

Thứ Ba, 27/09/2016 16:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Khi bắt đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2011, xã Hòa Đông (huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk) mới đạt được 7/19 tiêu chí. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đến 5 năm triển khai với những cách làm thiết thực, Hòa Đông đã có bước phát triển vượt bậc, đạt cả 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Xã Hòa Đông có địa bàn khá rộng, dân cư lại không tập trung. Những năm 2011 trở về trước, cơ sở hạ tầng, kinh tế của xã chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu của nhân dân đặc biệt là hệ thống đường giao thông, trường học. Theo nhiều hộ dân kể lại, có những nơi nhà trường phải mượn hội trường thôn và nhà dân để làm lớp học. Toàn xã có trên 100 km đường lầy lội về mùa mưa, mùa khô thì vô cùng bụi bặm, mặt đường xấu, đi lại rất khó khăn khiến nhiều tai nạn không may đã xảy ra.

Nhưng chỉ đến tháng 6/2015, Hòa Đông đã trở thành xã nông thôn mới, bộ mặt nông thôn khởi sắc với hệ thống đường giao thông được đầu tư cứng hóa và nhựa hóa đạt trên 75%, mùa mưa cũng không còn đường lầy lội. Hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia đạt 80%. 100% hộ dân trong xã có điện sinh hoạt và sản xuất, hệ thống trạm y tế, nhà văn hóa, hội trường thôn được đầu tư hoàn thiện.

Hòa Đông được công nhận là xã nông thôn mới với 19/19 tiêu chí - Ảnh: UBND xã Hòa Đông

Các mô hình sản xuất tập trung đã phát triển ngày càng nhiều trên địa bàn góp phần giảm số hộ nghèo từ 12,8% xuống còn dưới 3%, thu nhập bình quân đầu người đạt 35 triệu đồng/năm, tăng 200% so với năm 2010. Từ là “điểm nóng” về an ninh trật tự, tình hình an ninh trên địa bàn xã đã được bảo đảm, 4 năm liền trở thành đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Để có được kết quả này, lãnh đạo xã xác định muốn xây dựng phong trào thành công cần huy động được sự đồng tình, ủng hộ của đông đảo nhân dân mà trước tiên là phải thực hiện “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”. Theo đó, 19 đội dân phòng ở 19 thôn, buôn, được trang bị đầy đủ tư trang, công cụ hỗ trợ đã đi vào hoạt động thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, đề cao tinh thần cảnh giác, trấn áp tội phạm.

Cùng với đó, UBND xã đã triển khai Đề án cải cách hành chính nhằm giải quyết nhanh gọn các thủ tục hành chính, phục vụ nhân dân được tốt hơn tạo nguồn thu cho ngân sách, là cơ sở để có thêm kinh phí đầu tư xây dựng nông thôn mới.

Ở trụ sở xã Hòa Đông, mọi thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai, được phổ biến qua hệ thống phát thanh của xã, nếu trả kết quả không đúng hẹn thì phải xin lỗi nhân dân, nêu rõ lý do bằng văn bản. Song song với việc bố trí cán bộ giải quyết kịp thời thủ tục hành chính cho người dân trên địa bàn, lãnh đạo xã cũng phân công cán bộ xuống từng thôn, buôn thường xuyên nắm bắt tình hình, tháo gỡ những vướng mắc cũng như kiến nghị với cấp ủy, chính quyền xã những vấn đề nảy sinh trên địa bàn.

Người dân Hòa Đông làm đường giao thông nông thôn - Ảnh: UBND xã Hòa Đông

Bên cạnh đó, đề cao vai trò nêu gương, nhiều cán bộ, đảng viên ở Hòa Đông đã gương mẫu đi đầu trong cụ thể hóa những chủ trương của địa phương. Đơn cử như việc làm đường giao thông, do điều kiện kinh tế còn hạn chế, nhiều cán bộ, đảng viên đã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để thế chấp ngân hàng vay tiền làm đường. Những đoạn đường sạch đẹp, khang trang sớm được hiện thực hóa không chỉ giúp người dân đi lại thuận tiện mà bà con còn tình nguyện làm theo qua việc ủng hộ ngày công, hiến đất để có thêm nhiều các tuyến đường sạch đẹp khác trên địa bàn.

Là người dân sinh sống trên địa bàn xã, bà Nguyễn Thị Hạnh, thôn Hòa Thành đã hiến 180m2 đất ở trị giá 150 triệu đồng, góp 35 triệu đồng tiền mặt, 20m3 đá, 2 tấn xi măng và cho các hộ dân vay không lấy lãi 135 triệu đồng để thôn làm đường. Bà Hạnh cho biết, chính những việc làm của cán bộ xã khiến bà không chút nề hà dốc tiền, dốc sức đóng góp cho công việc chung của cộng đồng.

Bằng cách làm này, Hòa Đông không chỉ có thêm nguồn lực đầu tư để đạt các tiêu chí nông thôn mới về cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân mà còn sớm hiện thực tiêu chí số 18 về hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, rèn luyện, nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, tạo môi trường để cán bộ xã trưởng thành, củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền.

Mặc dù đã đạt cả 19/19 tiêu chí nông thôn mới, nhưng Hòa Đông vẫn xác định tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng các tiêu chí, phấn đấu xây dựng Hòa Đông thành xã nông thôn mới kiểu mẫu, mạnh về kinh tế, ổn định về chính trị - xã hội, đảm bảo về quốc phòng – an ninh góp phần để Krông Pắc trở thành huyện nông thôn mới vào năm 2020 theo như nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XIII nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra./.

Minh Châu

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN