TP.Hồ Chí Minh: Tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng nông thôn mới
(ĐCSVN) - Sau gần 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các huyện ngoại thành của TP. Hồ Chí Minh hôm nay đã thật sự “thay da đổi thịt”.
Xác định ngay từ đầu việc xây dựng nông thôn mới là nội dung quan trọng, là cuộc cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị nên TP.Hồ Chí Minh đã tập trung tiến hành xây dựng chương trình hành động, thành lập Ban Chỉ đạo của Thành ủy để lãnh đạo và triển khai xây dựng nông thôn mới tại 56 xã thuộc 5 huyện trên địa bàn.
UBND Thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tích cực thực hiện, trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất cho người dân nông thôn; tăng cường công tác khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật, quản lý giống cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ các quận-huyện còn sản xuất nông nghiệp và người dân khảo sát học tập các mô hình sản xuất tiên tiến để chuyển dịch, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tăng cường thực hiện công tác dạy nghề cho người dân nhằm nâng cao trình độ, nâng cao thu nhập. Sở Công Thương thực hiện tốt việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại các quận-huyện có sản xuất nông nghiệp, đặc biệt tại các xã nông thôn mới; tuyên truyền, quảng bá, xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Thành phố...
Từ những cách làm hay, mô hình sáng tạo, đặc biệt là chủ trương này được cộng đồng xã hội chung tay góp sức, đã khẳng định hướng đi tiên phong, đúng đắn, hiệu quả của Thành phố. Bởi vậy, cái được lớn nhất trong Chương trình xây dựng nông thôn mới ở TP. Hồ Chí Minh đó chính là đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt, nhất là ở một số địa bàn vùng khó khăn trước kia, các công trình phục vụ dân sinh được xây dựng khang trang hơn, giúp người dân đi lại, làm ăn sinh sống thuận lợi hơn. Đây thật sự là cuộc vận động lớn để cộng đồng dân cư ngoại thành cùng đồng lòng, chung sức phát triển sản xuất toàn diện, xây dựng nếp sống văn hoá, môi trường và an ninh nông thôn được đảm bảo.
Qua thực tế, các mô hình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp được người dân áp dụng hiệu quả, nên đã tăng thu nhập, cải thiện đời sống, tăng hộ khá giả trên địa bàn. Điển hình sau gần 6 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa bàn khó khăn của huyện Nhà Bè, địa phương nhiều năm xếp vào diện nghèo của Thành phố gần như đã “lột xác” để khoác lên mình diện mạo mới của một đô thị nông thôn văn minh, hiện đại.
Trong năm qua, Hội đồng thẩm định Chương trình khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị huyện Nhà Bè đã phối hợp với các xã, thị trấn, Ban giảm nghèo, tăng hộ khá huyện và các tổ chức tín dụng triển khai được hơn 200 phương án sản xuất nuôi tôm, cá, cua, cua xen tôm sú, trồng lan cắt cành, mai… cho 211 hộ. Các hộ dân trước khi sản xuất được cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, cảnh báo và phòng ngừa dịch bệnh để quản lý tốt khu vực nuôi trồng. Các mô hình có tổng vốn đầu tư hơn 125 tỷ đồng, trong đó, tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất là 100 tỷ đồng. Đa phần hộ dân vay vốn sản xuất đều có lãi.
Hiện nay, Thành phố có 54/56 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân số tiêu chí đạt chuẩn/xã đến nay là 18,9/19 tiêu chí, tăng 12 tiêu chí so với khi triển khai xây dựng đề án nông thôn mới tại các xã (bình quân 6,9 tiêu chí). Sau huyện Củ Chi được Trung ương công nhận hoàn thành chương trình nông thôn mới, huyện Hóc Môn đã được Thành phố công nhận, còn huyện Nhà Bè đang được Trung ương thẩm tra, huyện Cần Giờ và Bình Chánh cũng đang hối hả về đích, góp phần đưa Thành phố trở thành địa phương đầu tiên của cả nước hoàn thành mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Để đem lại thành công cho Chương trình, cùng với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Thành phố, là sự đồng lòng của người dân và sự hưởng ứng tích cực của nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Sau gần 6 năm thực hiện, đã có 9.887 hộ dân hiến đất với trên 1.024.520 m2 để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật. Huy động được mọi nguồn lực với tổng kinh phí hơn 18.198 tỷ đồng, trong đó vốn huy động từ cộng đồng trên 12.000 tỷ đồng, chiếm trên 66%, để đầu tư hơn 6.211 công trình về thủy lợi, điện, đường, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế, chợ, bưu điện,... cho các xã nông thôn mới của 5 huyện ngoại thành.
Bên cạnh đó, về phía các đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng, có thể nói tới như Bộ Tư lệnh Thành phố có phong trào “Lực lượng vũ trang thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”; Thành Đoàn có “Tháng thanh niên hành động xây dựng nông thôn mới”, phong trào “Thanh niên nông thôn lập nghiệp”; Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố có phong trào “Trồng cây xanh trên các tuyến đường ở các xã nông thôn mới”; Hội Nông dân phát động phong trào “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi, xây dựng xã nông thôn mới”; Hội Cựu chiến binh đi đầu trong phong trào vận động nhân dân “Hiến đất làm đường, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn mới và giữ gìn an ninh trật tự”; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các quận, huyện triển khai thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với nội dung thi đua xây dựng nông thôn mới.
(Ảnh: VL)
Nhiều doanh nghiệp cũng tích cực chủ động tham gia như: Đảng ủy Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Đảng ủy Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn và Đảng ủy Liên minh hợp tác xã Thương mại Thành phố nhận hỗ trợ chuyển giao công nghệ, giống cây trồng, giống vật nuôi cho nông dân; hỗ trợ các xã hình thành các tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng thương hiệu, thu mua, tìm đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp. Để cấp nước sạch đến các xã nông thôn mới chưa có hệ thống cấp nước, Đảng ủy Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn đã nhận nhận trách nhiệm đầu tư…
Ngày 17/8 vừa qua, UBND TP. Hồ Chí Minh đã yêu cầu các sở-ngành liên quan và UBND các huyện tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện nhiệm vụ kế hoạch xây dựng nông thôn mới năm 2016, trong đó cần đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác trong nông nghiệp; phát triển các mô hình sản xuất theo chuỗi đối với các sản phẩm chủ lực của từng huyện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu..
Mục tiêu của Thành phố, phấn đấu đến năm 2020 số xã đạt chuẩn nông thôn mới là 56/56 xã; số huyện đạt chuẩn nông thôn mới là 5/5 huyện; số tiêu chí đạt chuẩn bình quân chung của toàn Thành phố là 19 tiêu chí (theo Bộ tiêu chí quốc gia và Bộ tiêu chí đặc thù vùng nông thôn TP.Hồ Chí Minh); tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt 5,5%; giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác đạt 800 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân khu vực nông thôn Thành phố đến năm 2020 thấp nhất đạt 60 triệu đồng/người/năm; 100% hộ dân nông thôn được cấp nước sạch; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của Chương trình giảm nghèo bền vững Thành phố giai đoạn 2016-2020 bình quân mỗi năm 1%; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo nghề trong tổng lao động làm việc đến cuối năm 2020 đạt 90%;…/.