Tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho lao động khuyết tật và yếu thế
(ĐCSVN) - Ngày 29/7, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Bệnh viện Bạch Mai triển khai Chương trình tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các lao động đủ điều kiện tiêm chủng thuộc 08 nhóm khuyết tật và yếu thế mà Bộ KH&ĐT bảo trợ trong nhiều năm qua.
Việc tiêm vắc-xin cho người lao động khuyết tật được thực hiện theo chủ trương của Chính phủ ưu tiên tiêm vắc-xin cho người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội (Nghị quyết số 21/NQ-CP) và hướng dẫn của Bộ Y tế về việc triển khai tiêm vắc-xin phòng COVID-19 cho các đơn vị trên địa bàn thành phố Hà Nội (văn bản số 3823/BYT-DP ngày 07 tháng 5 năm 2021)
Người khuyết tật, người yếu thế đi tiêm thực hiện yêu cầu 5K của Bộ Y tế (Ảnh: MPI) |
Hiện nay, dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, tính mạng của nhân dân, đặc biệt là những người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội. Thời gian, trình tự, thủ tục khám sàng lọc và xác định người đủ điều kiện tiêm vắc-xin thực hiện theo quy định hiện hành và quyết định của Bệnh viện Bạch Mai.
Nhân dịp này, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, Việt Nam đang trải qua những ngày vất vả bởi đại dịch COVID-19. Trong cuộc chiến phòng dịch này, mỗi chúng ta không thể nào quên được hình ảnh sự hi sinh vất vả của các y bác sĩ, những chiến sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Họ đã hàng ngày hàng giờ dốc toàn bộ sức lực, tâm trí, thậm chí quên đi sức khỏe của bản thân, vì sức khỏe của nhân dân, cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc.
Cũng theo đó, thay mặt Bộ KH&ĐT cùng toàn thể cán bộ công chức viên chức Bộ KH&ĐT, Thứ trưởng đã gửi lời cảm ơn chân thành, lời tri ân tới những sự hi sinh vất vả của các bác sĩ, kính mong các anh chị mạnh khỏe bình an để tiếp tục sự nghiệp cứu người.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp kinh tế - xã hội, bên cạnh những công việc bề bộn, phức tạp, Bộ luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ giao. Đồng thời, Bộ KH&ĐT cũng ý thức rằng, tầm quan trọng của công tác xã hội, đó là sự chia sẻ đối với những khó khăn mà người dân phải đương đầu.
Nhân viên hỗ trợ người khiếm thị vào địa điểm tiêm (Ảnh: MPI) |
Thực tế, thời gian qua, Bộ KH&ĐT đã làm rất nhiều hoạt động xã hội, từ việc giúp đỡ đồng bào lũ lụt, người nghèo, đóng góp vào quỹ vắc-xin, bảo vệ nhóm người khuyết tật chỉ vì mục đích duy nhất là hướng tới sự phát triển của cộng đồng.
Từ năm 2018 đến nay, Bộ trưởng nói riêng và Bộ KH&ĐT nói chung đã quyết tâm lựa chọn, thực hiện việc bảo trợ với nhóm người khuyết tật. Trong diễn biến phức tạp của dịch COVID, Bộ càng ý thức rằng, họ là những người dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết. Việc họ sớm được tiêm vắc-xin là niềm động viên sâu sắc, giúp họ vượt qua khó khăn hàng ngày cũng như chiến thắng đại dịch, thực hiện mục tiêu Chính phủ là đẩy nhanh tiêm vắc-xin hướng tới miễn dịch cộng đồng, không để ai bị bỏ lại phía sau trong đại dịch.
Cũng nhân dịp này, PGS.TS, Bác sĩ Đào Xuân Cơ, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Chính phủ về “”không để ai bị bỏ lại phía sau””, Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với Bộ KH&ĐT, Công đoàn, Đoàn Thanh niên (ĐTN) tổ chức buổi tiêm cho những người yếu thế, người khuyết tật, người kém may mắn trong xã hội. Theo đó, Bệnh viện đã lên kế hoạch và tổ chức buổi tiêm hết sức an toàn, giãn cách, tránh lây nhiễm và đặc biệt là đảm bảo an toàn trong và sau khi tiêm vắc-xin.
Khoảng 200 người tiêm đã được Phòng công tác xã hội (CTXH), ĐTN Bệnh viện Bạch Mai phối hợp với ĐTN Bộ KH&ĐT đưa đón đến bệnh viện tổ chức tiêm.
Bày tỏ vui mừng và xúc động trong hoạt động đầy ý nghĩa lần này, ông Phạm Việt Hoài, đại diện doanh nghiệp Kym Việt (lao động chủ yếu là người câm điếc) đã cùng với 22 thành viên tham gia tiêm. Ông Hoài tâm sự, công ty đã có cuộc họp với tất cả người lao động, giải thích việc cần thiết tiêm vắc-xin phòng COVID-19 và ích lợi của việc được tiêm. Khi các bạn hiểu ra thì tất cả đều rất háo hức được tiêm phòng để tăng sức đề kháng chống dịch và đặc biệt, để có cơ hội được tiếp tục lao động, tạo ra sản phẩm có ích cho cuộc sống. “Chúng tôi tin tưởng rằng, khi triển khai xong chiến lược tiêm chủng quốc gia vắc-xin COVID-19, đời sống xã hội sẽ không còn khó khăn nữa, kinh tế sẽ phát triển, đời sống đi lên. Tôi mong rằng chương trình tiêm chủng được đẩy nhanh lên để có miễn dịch cộng đồng.” – ông Hoài bày tỏ mong muốn.
Đồng quan điểm trên, Giáo sư Tôn Thất Triêm, Chủ nhiệm Hợp ca hy vọng với hơn 20 thành viên được đi tiêm trong đợt này cho biết thêm, Bộ KH&ĐT đã tận tình giúp đỡ từng người khiếm, ai cũng phấn khởi, tin tưởng vào việc khi được tiêm phòng đầy đủ, sức khỏe và tinh thần sẽ được cải thiện, cùng nhau vững vàng vượt qua khó khăn đại dịch.
Có thể thấy, với vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp chiến lược cho Đảng, Nhà nước và Chính phủ, Bộ KH&ĐT luôn nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ chuyên môn được giao, đồng thời cũng ý thức tầm quan trọng của công tác an sinh xã hội và đã dành thời gian, công sức thực hiện nhiều hoạt động với mục tiêu vì sự phát triển của cộng đồng.
Hỏi han người khuyết tật trong quá trình đã khám sáng lọc và chuẩn bị tiêm (Ảnh: MPI) |
Từ năm 2019, Bộ KH&ĐT đã ra mắt Chương trình Vì sự phát triển cộng đồng với mục đích tạo cơ hội cho những người yếu thế, dễ bị tổn thương; thông qua đó lan tỏa ý nghĩa nhân văn “không để ai bị bỏ lại phía sau” theo chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp hơn và bảo đảm công bằng xã hội trong từng bước phát triển, khơi dậy và phát huy truyền thống văn hóa nhân ái, tốt đẹp của dân tộc ta trong toàn cơ quan, rồi từ đó, lan tỏa tình yêu thương, sẻ chia, giúp đỡ lẫn nhau trong toàn xã hội.
Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đã có cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Chương trình Nghị sự 2030 do Liên hợp quốc khởi xướng. Bộ KH&ĐT luôn ý thức được rằng “người dân là trọng tâm của phát triển. Mọi chính sách của Chính phủ phải hướng tới hạnh phúc của người dân”, tạo điều kiện để mọi người và mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận những nguồn lực chung, được tham gia, đóng góp, hưởng lợi và quan trọng nhất là không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật, quan tâm, chăm lo đến đời sống của những người khuyết tật, nhưng do điều kiện kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, mới bảo đảm được những nhu cầu cơ bản nhất của những đối tượng chính sách. Xã hội và cộng đồng cũng đã có nhiều hoạt động và nghĩa cử cao đẹp ủng hộ, hỗ trợ, giúp đỡ, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống đối với những người khuyết tật nhưng chưa thể đáp ứng hết nhu cầu. Để đạt được những mục tiêu phát triển bền vững, trước hết là các cơ chế, chính sách phải được lồng ghép trong các chiến lược phát triển đất nước, kế hoạch, chương trình của nhà nước bên cạnh đó cần sự quan tâm tham gia chung tay góp sức của toàn xã hội.
Đặc biệt, người đứng đầu, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đã luôn quan tâm lồng ghép câu chuyện người yếu thế trong các hoạt động nghiên cứu chính sách, từng bước làm thay đổi tư duy và nhận thức của cán bộ hoạch định chính sách, mở ra một hướng tiếp cận mới trong các công việc hằng ngày, đảm bảo các chính sách phát triển có tầm nhìn chiến lược, hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển xã hội, bảo đảm bình đẳng về cơ hội phát triển cho tất cả mọi người, đặc biệt là nhóm người yếu thế, người khuyết tật.
Một số hình ảnh ý nghĩa về hoạt động đầy tính nhân văn được ghi lại xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc:
Thuộc nhóm yếu thế, người khuyết tật cần sự chung tay hỗ trợ chung của cả cộng đồng (Ảnh: MPI) |
Tạo điều kiện với tất cả sự trân trọng (Ảnh: MPI) |
Nhận chứng nhận tiêm (Ảnh: MPI) |
Đoàn viên thanh niên hỗ trợ người khuyết tật tại khu vực đi tiêm (Ảnh: MPI) |
Đảm bảo quy trình tiêm chủng an toàn |
Đoàn công tác trao đổi, kiểm tra vắc-xin để tiêm (Ảnh: MPI) |