Thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ vùng dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Ưu tiên cải thiện sức khỏe phụ nữ là cách để đạt được các mục tiêu liên quan đến ổn định kinh tế - xã hội. Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, xây dựng các mô hình và có chính sách phù hợp hơn nữa để góp phần thực hiện bình đẳng giới và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số.
Phụ nữ đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng về sức khỏe
Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới về khoảng cách giới năm 2022, sẽ mất 132 năm để bình đẳng giới trở thành hiện thực và 151 năm để thu hẹp sự tham gia kinh tế và khoảng cách cơ hội về giới. Đại dịch COVID-19 càng khiến vấn đề bất bình đẳng giới đối với phụ nữ trên toàn cầu thêm trầm trọng, đặc biệt là những thách thức về hoạt động chăm sóc sức khỏe.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), phụ nữ đang phải đối mặt với sự bất bình đẳng về sức khỏe, đặc biệt là việc chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục với nguyên nhân chủ yếu do thiếu nguồn lực phù hợp để chi trả cho việc chăm sóc. Bên cạnh đó, tất cả các yếu tố của bất bình đẳng giới, bao gồm khả năng tiếp cận giáo dục hạn chế, hệ thống luật pháp không bảo vệ phụ nữ và bạo lực trên cơ sở giới đều trở nên trầm trọng hơn do đói nghèo. Có hơn 50% số người đang sống chung với căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS trên toàn cầu là phụ nữ.
Một phân tích khác của WHO cùng tổ chức "Phụ nữ Y tế Toàn cầu" nêu rõ, khó khăn đang đè nặng lên phụ nữ. Những sự bất bình đẳng giới dai dẳng có thể phá hoại an ninh y tế toàn cầu và cản trở tiến bộ bình đẳng giới ở tất cả các cấp. 1,5 tỷ phụ nữ trên toàn cầu không được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế dự phòng. Chỉ có khoảng 1/8 phụ nữ trên thế giới được thực hiện tầm soát ung thư.
Khắc phục bất bình đẳng giới trong chăm sóc sức khoẻ phụ nữ dân tộc thiểu số
Nhóm các nhà nghiên cứu khoa học của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam chỉ ra có sự khác biệt đáng kể trong mô hình bệnh tật và hình thức khám chữa bệnh giữa nam và nữ người dân tộc thiểu số, đặc biệt đối với các dân tộc cư trú ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ hộ nghèo cao.
Trong khi phụ nữ thường chọn khám chữa bệnh ở gần nhà (y tế thôn bản hoặc trạm y tế xã) thì nam giới có tỷ lệ khám chữa bệnh cao hơn ở bệnh viện. Tại các cơ sở y tế xã và trạm y tế thôn/bản, nguồn nhân lực khám chữa bệnh còn hạn chế về trình độ chuyên môn và trang thiết bị. Đó là những thiệt thòi đáng kể với phụ nữ dân tộc thiểu số trong tiếp cận dịch vụ y tế của họ.
Vấn đề chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ mang thai, sinh con tại nhà vẫn còn có sự khác biệt đáng kể giữa các dân tộc thiểu số. Hiện vẫn còn một số dân tộc có tỷ lệ phụ nữ mang thai đến khám ở các cơ sở y tế còn thấp như: La Hủ (45,3%), La Ha (63,5%), Mảng (65,9%). Tỷ lệ phụ nữ khám thai đầy đủ tại cơ sở y tế có liên quan trực tiếp đến tỷ suất tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bên cạnh đó, một số dân tộc như Mảng, Cống, La Hủ có tỷ lệ sinh con tại nhà và không có cán bộ chuyên môn đỡ rất cao, lần lượt là 50,6%, 38,8%, 37% và 36,5%. Thực trạng này là một trong các nguy cơ dẫn đến các tai biến khó lường như chết mẹ sau sinh, chết trẻ em dưới 1 tuổi hoặc ảnh hưởng đến sức khoẻ của phụ nữ và trẻ sơ sinh.
Những thực trạng trên cho thấy, ưu tiên cải thiện sức khỏe phụ nữ là cách để đạt được các mục tiêu liên quan đến ổn định kinh tế - xã hội. Nhà nước cần tiếp tục quan tâm, xây dựng các mô hình và có chính sách phù hợp hơn nữa để góp phần thực hiện bình đẳng giới và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em dân tộc thiểu số, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Chỉ khi cơ hội bình đẳng dành cho tất cả các thành viên trong xã hội thì quốc gia mới có thể trở nên mạnh mẽ hơn, giành những thành quả mới và duy trì tiến bộ, ngay cả trong những cú sốc và khủng hoảng, chẳng hạn như đại dịch xảy đến.
Thay đổi tư duy chăm sóc sức khỏe
Nhóm các nhà khoa học gồm: GS.TS. Nguyễn Hữu Minh; PGS.TS. Đặng Thị Hoa; TS. Trần Thị Hồng thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam trong một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản pháp luật và chính sách liên quan đến bình đẳng giới để phù hợp với cam kết của Mục tiêu Thiên niên kỷ và Phát triển bền vững, trong đó có những chính sách về y tế, chăm sóc sức khoẻ ở vùng dân tộc thiểu số.
UBND xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An tổ chức khám, phát thuốc chữa bệnh miễn phí cho đồng bào các dân tộc thiểu số (Ảnh: CTV) |
Chẳng hạn như chính sách khám chữa bệnh cho người nghèo, theo đó, người nghèo được hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú ở các cơ sở nhà nước từ tuyến huyện trở lên, hỗ trợ tiền đi lại và chi phí khám chữa bệnh…
Chính sách này đã thúc đẩy tỷ lệ tham gia khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế của người dân tộc thiểu số, trong đó, phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia khám chữa bệnh tăng rõ rệt.
Đặc biệt, Nghị định số 39/NĐ-CP ngày 27/4/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số trong thời gian 9 tháng mang thai và 36 tháng nuôi con nhỏ là một bước tiến quan trọng của Chính phủ trong việc ban hành chính sách quan tâm yếu tố giới và phát triển phụ nữ.
Ở nước ta nói chung, vùng dân tộc thiểu số nói riêng, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tất cả phụ nữ trong thời kỳ mang thai đều được khám thai định kỳ.
Kết quả điều tra 53 dân tộc thiểu số cũng cho thấy, đến nay, 88% phụ nữ dân tộc thiểu số mang thai đã đến cơ sở y tế để khám thai trong lần sinh gần nhất. Một số dân tộc có tỷ lệ phụ nữ khám thai rất cao như: dân tộc Thổ (98,3%), Tà Ôi (97,8%), Cơ Ho (97,6%)…
86,4% phụ nữ dân tộc thiểu số đã đến cơ sở y tế để sinh con, gần 4% phụ nữ dân tộc thiểu số sinh con tại nhà nhưng có cán bộ chuyên môn đỡ. Các dân tộc Mương, Tày, Hoa, Khmer, Nùng có tỷ lệ sinh con tại cơ sở y tế khá cao, lần lượt là 99,3%, 99,2%, 99%, 98,7% và 97,1%./.