Thừa Thiên Huế: Quan tâm đến nhóm phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích hợp, lồng ghép giới vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có hai huyện miền núi là Nam Đông, A Lưới và các huyện, thị xã có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống gồm: Phú Lộc, Phong Điền, Hương Trà.
Dân tộc thiểu số có trên 54 nghìn người, chiếm 45,43% dân số toàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh và chiếm 4,9% dân số toàn tỉnh. Dân tộc thiểu số chủ yếu là Pa Kô, Tà Ôi, Cơ Tu,, Vân Kiều, Pa Hy và một số dân tộc thiểu số khác (Mường, Thái, Thổ, Hoa…).
Thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích hợp, lồng ghép giới vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn, coi đây là giải pháp quan trọng nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ tham gia, thụ hưởng bình đẳng các thành tựu phát triển trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Hoạt động tiết kiệm hàng tháng của chi hội phụ nữ các thôn tại xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế giúp chị em có vốn đầu tư sản xuất, chăn nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. |
UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 54/KH-UBND ngày 12/2/2022 về việc thực hiện Chương trình truyền thông về bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đến năm 2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025.
Hàng năm, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch về đẩy mạnh các hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; Kế hoạch truyền thông về bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới…
Trong các kế hoạch chỉ đạo triển khai thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn, tỉnh Thừa Thiên Huế đều đặc biệt quan tâm đến nhóm phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số để họ thực sự có cơ hội, điều kiện phát huy vị thế, vai trò của mình trong đời sống kinh tế - xã hội; được tạo điều kiện thoát khỏi cảnh đói nghèo, cải thiện, nâng cao mức sống, nâng cao năng lực, hướng đến bình đẳng giới một cách toàn diện, góp phần vào sự phát triển bền vững cộng đồng, địa phương.
Ban Dân tộc được UBND tỉnh giao tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; xây dựng và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ truyền thông giỏi tiếng dân tộc theo địa bàn phụ trách nhằm phát huy hiệu quả truyền thông về bình đẳng giới; giáo dục, vận động đồng bào dân tộc thiểu số phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp phù hợp mục tiêu, chính sách pháp luật về bình đẳng giới.
Đối với các sở, ban, ngành, địa phương, UBND tỉnh yêu cầu nâng cao chất lượng công tác lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đảm bảo thành viên các ban soạn thảo, tổ biên tập xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các chương trình, đề án có nội dung liên quan đến bình đẳng giới đều phải được tập huấn kiến thức về giới, phân tích và lồng ghép giới./.