Thừa Thiên Huế: Nghiêm túc chấn chỉnh hoạt động của hướng dẫn viên du lịch
(ĐCSVN) – Ngay từ đầu năm 2024, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Du lịch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về du lịch đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn theo kế hoạch được phê duyệt, trong đó có đối tượng hướng dẫn viên.
Mỗi hướng dẫn viên được xem là “đại sứ” du lịch của một quốc gia. Du lịch Việt Nam đang phấn đấu đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Do đó, ngoài nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách, thì việc nâng cao chất lượng hướng dẫn viên, song song với việc quản lý, chấn chỉnh các hoạt động của các hướng dẫn viên du lịch trái phép, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường du lịch đang là vấn đề “nhức nhối”, cần được các cơ quan chức năng liên quan vào cuộc, để chấn chỉnh một cách quyết liệt, dứt điểm.
Tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, sự nghiệp văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. |
Đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, trong những năm qua, sự nghiệp văn hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa được tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng thực hiện hiệu quả. Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh, trong đó có 5 di sản của riêng Huế (Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993 – Di sản vật thể), Nhã nhạc - Âm nhạc cung đình Việt Nam (2003 - Di sản phi vật thể), Mộc bản triều Nguyễn (2009 - Di sản tư liệu), Châu bản triều Nguyễn (2014 - Di sản tư liệu), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016 - Di sản tư liệu) và 2 di sản chung với các địa phương khác (Nghệ thuật Bài Chòi Trung bộ Việt Nam và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt).
Tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 1000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 3 quần thể/hệ thống di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có gần 1000 công trình, địa điểm được kiểm kê, trong đó có 3 quần thể/hệ thống di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích cấp quốc gia, 90 di tích cấp tỉnh; 3 di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề Dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội A Da Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô; 10 nhóm hiện vật và hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia; có 5 bảo tàng công lập và 5 bảo tàng ngoài công lập.
Do đó, công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về du lịch đối với hướng dẫn viên luôn là vấn đề được lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo, quan tâm, triển khai thường xuyên tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Ngay từ đầu năm 2024, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế đã chỉ đạo Sở Du lịch triển khai công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về du lịch đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch trên địa bàn theo kế hoạch được phê duyệt, trong đó có đối tượng hướng dẫn viên.
Tỉnh Thừa Thiên Huế là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO ghi danh. |
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Nguyễn Văn Phúc - Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết, trong giai đoạn 2022 đến nay, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan triển khai nhiều cuộc kiểm tra tại các điểm du lịch trên địa bàn, qua kiểm tra đã phát hiện và lập biên bản 22 trường hợp hướng dẫn viên du lịch vi phạm, xử phạt trên 120 triệu đồng. Lỗi vi phạm chủ yếu không xuất trình được chương trình du lịch, không có Hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc không là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định khi hành nghề đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa. Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đã tiếp nhận nhiều phản ánh liên quan đến môi trường du lịch thông qua Hue - S, đường dây nóng, email…
Nhiều năm gần đây, thực trạng hướng dẫn viên người nước ngoài núp bóng dưới dạng khách du lịch, trà trộn hành nghề hướng dẫn viên “chui”, hoạt động trái phép ở Việt Nam, tại nhiều địa phương tập trung đông khách du lịch như: Phú Quốc, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang (Khánh Hòa)… Có rất nhiều hướng dẫn viên không có Hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch; không phải là hội viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp theo quy định khi hành nghề đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa. Tình trạng này đã diễn ra khá phổ biến và gây nhức nhối dư luận vì việc tung tin, xuyên tạc lịch sử và văn hóa Việt Nam. |
Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế khẳng định, trong năm 2024, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ xây dựng đề án môi trường du lịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, qua đó sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn trong công tác quản lý môi trường du lịch, góp phần đảm bảo môi trường du lịch Huế an toàn, văn minh và thân thiện.
Thừa Thiên Huế đảm bảo môi trường du lịch ngày càng văn minh, thân thiện, nề nếp, xứng đáng là vùng đất có bề dày lịch sử, trung tâm văn hóa đặc sắc. |
Theo đồng chí Nguyễn Văn Phúc, trong thời gian tới, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan, tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động du lịch nói chung, trong đó việc quản lý hướng dẫn viên tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nói riêng, nhằm đảm bảo môi trường du lịch ngày càng văn minh, thân thiện, nề nếp, xứng đáng là vùng đất có bề dày lịch sử, trung tâm văn hóa đặc sắc.../.