Thừa Thiên Huế: Đổi mới hình thức và phương tiện truyền thông về bình đẳng giới
(ĐCSVN) - Với phương châm “4 dễ”: Dễ hiểu, Dễ nhớ, Dễ làm, Dễ lan tỏa, tỉnh Thừa Thiên Huế đang chỉ đạo các cấp, các ngành đẩy mạnh ứng dụng, khai thác lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên nền tảng số để tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới.
Năm 2023, công tác truyền thông về bình đẳng giới được tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai với phương châm “4 dễ”, đó là: Dễ hiểu (diễn giải đơn giản tối đa các thuật ngữ chuyên môn để đối tượng được truyền thông dễ tiếp cận); Dễ nhớ (sử dụng các hình thức sáng tạo, linh hoạt sao cho đối tượng được truyền thông dễ nhớ thông điệp nhất); Dễ làm (hướng dẫn thực hành thúc đẩy bình đẳng giới một cách rõ ràng nhất để đối tượng được truyền thông có thể dễ dàng thực hiện trong thực tế); Dễ lan tỏa (lựa chọn các các phương tiện truyền thông có tính lan tỏa cao, tác động rộng rãi trong công chúng).
Để đạt được các mục tiêu này, hiện nay, các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội, các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đang chuyển hướng triển khai thực hiện các hình thức truyền thông đa dạng, sáng tạo, linh hoạt, kết hợp hình thức truyền thông trực tiếp với truyền thông gián tiếp.
Tỉnh yêu cầu sử dụng đa dạng phương tiện truyền thông để đạt được hiệu quả truyền thông đồng bộ như: phương tiện truyền thông cá nhân, phương tiện truyền thông đại chúng và phương tiện mạng xã hội phù hợp với từng khu vực, đối tượng, độ tuổi, giới tính.
Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện A Lưới hướng dẫn kỹ năng quay video bằng điện thoại di động để truyền thông về bình đẳng giới cho phụ nữ các dân tộc xã Quảng Nhâm (Ảnh: CTV) |
Trong các hình thức truyền thông, Thừa Thiên Huế khuyến khích tổ chức các hoạt động truyền thông bằng hình thức trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng, khai thác lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên nền tảng số như: mô hình sử dụng mạng Internet và nền tảng số (mở chuyên mục trên Trang thông tin điện tử, Fanpage bình đẳng giới, diễn đàn trực tuyến...) nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông về bình đẳng giới, từ đó tác động tích cực đến thúc đẩy bình đẳng giới trong các tầng lớp nhân dân.
Tỉnh cũng khuyến khích những ý tưởng mới, sáng tạo, hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen và hành vi của người dân trong thực hành thúc đẩy bình đẳng giới. Tập trung truyền thông vào các vấn đề về bình đẳng giới đang được dư luận xã hội quan tâm, những lĩnh vực có nguy cơ bất bình đẳng giới cao như: sửa đổi quy ước, hương ước bảo đảm các nguyên tắc bình đẳng giới, mô hình “Ngăn ngừa giảm thiểu tác hại của bạo lực giới”; Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong phòng ngừa bạo lực với phụ nữ”, mô hình “Thành phố, làng quê an toàn với phụ nữ và trẻ em”; can thiệp, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới…
Đẩy mạnh chuyển đổi các nội dung, tài liệu truyền thông về bình đẳng giới từ hình thức in ấn sang bản điện tử trên các trang thông tin điện tử, mạng xã hội, điện thoại di động và các phương tiện truyền tin khác.
Chú trọng truyền thông về bình đẳng giới trên các trang thông tin có nhiều người truy cập hoặc các trang thông tin thu hút sự quan tâm của thanh, thiếu niên.
Thông qua đổi mới công tác truyền thông, tỉnh Thừa Thiên Huế hướng tới mục tiêu vừa đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, cập nhật thông tin pháp luật, chính sách của Đảng, Nhà nước về bình đẳng giới, vừa tạo chuyển biến, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về thực hiện bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội./.