Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thi đua phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội là trung tâm hội tụ, kết tinh, lan tỏa

Thứ Ba, 11/06/2024 19:38 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực, trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là thi đua phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới…

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành 

Ngày 11/6, Thành ủy - HĐND - UBND - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” và Cuộc thi viết về điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt.

Dự Hội nghị có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ Nhất Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cùng các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội.

Tiếp tục lan tỏa các điển hình tiên tiến (Nguồn: vtvgo.vn) 

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết: Ngay sau khi Bộ Chính trị (khóa XI) ban hành Chỉ thị số 34-CT/TƯ về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, thành phố Hà Nội đã tập trung chỉ đạo triển khai với nhiều giải pháp sáng tạo, linh hoạt, thực chất, hiệu quả. Hà Nội cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong tổ chức thực hiện chỉ đạo của Trung ương về công tác thi đua, khen thưởng trong những năm vừa qua.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TW của Bộ Chính trị, phong trào thi đua và công tác khen thưởng của thành phố đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhận thức của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng có chuyển biến rõ nét, thực chất hơn.

Thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương phát động. Đặc biệt là các phong trào thi đua gắn với chủ đề thiết thực như: “Đẩy mạnh cải cách hành chính”, “Trật tự văn minh đô thị”, “Vệ sinh, an toàn thực phẩm”, “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, “Người tốt, việc tốt”...

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng trao tặng Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Viết Thành 

Một trong những phong trào nổi bật là việc tổ chức Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt của thành phố. Đến nay, Ban Tổ chức Cuộc thi cấp thành phố trao giải cho 394 tác phẩm; khen thưởng 146 tập thể, 104 cá nhân; cùng với đó là 400 gương điển hình tiên tiến, người tốt việc tốt được lựa chọn, tuyên truyền và giới thiệu với Trung ương.

Thay mặt lãnh đạo thành phố, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng thành phố, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể nhân dân Thủ đô và chúc mừng những tập thể, cá nhân tiêu biểu được vinh danh, khen thưởng tại hội nghị.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, sau Hội nghị, các đơn vị từ thành phố đến cơ sở khẩn trương tổ chức tổng kết Chỉ thị, đánh giá thực chất những kết quả đạt được, rút ra bài học kinh nghiệm và đề xuất giải pháp thiết thực nhằm đổi mới công tác thi đua, khen thưởng thời gian tới. Đồng thời, tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả phong trào thi đua lập thành tích chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024); phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ năm 2024 của cơ quan, đơn vị mình; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố; từng bước xây dựng Thủ đô Văn hiến - Văn minh - Hiện đại.

Tại Hội nghị, các đại biểu chia sẻ ý kiến, cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng sở, ban, ngành, đoàn thể; xác định rõ vai trò đặc biệt của công tác thi đua, khen thưởng trong thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng bằng giải pháp cụ thể để đưa các phong trào thi đua trở thành động lực phát triển các mục tiêu về kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh của từng địa phương, đơn vị...

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao thành phố Hà Nội đã tích cực, chủ động, là một trong những địa phương đầu tiên tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TƯ. Qua tổng kết cho thấy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã nghiêm túc quán triệt, triển khai tổ chức thực hiện có hiệu quả chỉ thị, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua yêu nước, đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân mong rằng, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục bám sát chỉ đạo của Trung ương, cụ thể hóa mục tiêu, nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, nhất là Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân; khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế; tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; phấn đấu thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Cờ thi đua của UBND thành phố Hà Nội cho các tập thể có thành tích xuất sắc. Ảnh: Viết Thành

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đề nghị, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các lĩnh vực, trong toàn hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Đặc biệt là, thi đua cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực then chốt. Thi đua phát triển văn hóa, xây dựng Hà Nội thực sự là trung tâm hội tụ, kết tinh, lan tỏa những giá trị văn hóa của cả nước, trở thành nguồn lực phát triển mới. Thi đua xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đoàn kết, trong sạch, vững mạnh; hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách phù hợp, đặc thù; sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ cao, có phẩm chất đạo đức trong sáng, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Phát huy quyền làm chủ và vai trò của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; tăng cường mối quan hệ mật thiết của Đảng với nhân dân.

Đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, nhân rộng, tạo sức lan tỏa sâu rộng các gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt; động viên, khen thưởng kịp thời, xứng đáng đối với những tập thể, cá nhân lập được thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, công tác, cống hiến cho xã hội; làm cho các phong trào thi đua của Hà Nội có sức sống mạnh mẽ trong đời sống xã hội, trở thành hình mẫu cho các địa phương trong cả nước, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Thủ đô trong giai đoạn mới.

Nhân dịp này, Thành ủy Hà Nội và UBND thành phố trao tặng Cờ thi đua, Bằng khen cho 30 tập thể, cá nhân thực hiện tốt Chỉ thị số 34-CT/TW; vinh danh 44 tác giả, nhóm tác giả được nhận Bằng “Sáng kiến Thủ đô”.

Cùng với đó, TP Hà Nội đã trao giải cho các tác giả, đại diện nhóm tác giả đoạt giải Cuộc thi viết về gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt năm 2024. Cụ thể, 2 giải Nhất thuộc về tác phẩm “Vượt lên nỗi đau hiến tạng cứu người của đôi vợ chồng yếu thế” (tác giả Nguyễn Xuân Tiến, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Thường Tín) và tác phẩm truyền hình “Người giáo viên giàu lòng nhân ái” (nhóm tác giả: Vũ Thu Thủy, Thái Văn Trọng, Nguyễn Trọng Nghĩa - Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội); 4 giải Nhì; 5 giải Ba.../.

Phạm Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN