Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ông Trần Văn Cao - người có niềm đam mê sưu tầm ảnh về Bác Hồ

Thứ Ba, 02/07/2024 14:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Là một người dân Việt Nam, ông Trần Văn Cao luôn có một tình yêu với Bác rất đặc biệt. Mới chỉ được gặp Bác một lần vào năm 1963 tại Thái Nguyên, nhưng bằng tình yêu và sự ngưỡng mộ, suốt từ năm đó đến nay, ông đã sưu tập được hơn 800 bức ảnh về Bác và thuộc lòng từng giai đoạn hoạt động của Người trong suốt thời kháng chiến.

  Ông Trần Văn Cao say sưa kể chuyện lịch sử qua những bức ảnh được ông sưu tập.

Đam mê kể chuyện về Bác qua hình ảnh

Những ngày tháng 6 nắng oi ả hòa quyện vào tiếng ve kêu râm ran từ những cây cổ thụ bên đường. Tới đầu làng thôn 2, xã Đại Yên (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội), hỏi thăm về ông Trần Văn Cao - người kể chuyện về Bác Hồ qua những bức ảnh, người dân nơi đây ai cũng biết. Ngôi nhà 3 tầng nằm trong một con ngõ nhỏ, không ai ngờ nơi này chứa đựng cả một “kho tàng ảnh” về Bác Hồ. 

Tiếp phóng viên tại phòng khách của nhà ông, ngoài bộ bàn ghế, kệ tivi là 21 bức ảnh về Bác Hồ mà ông được tặng năm 1968 sau khi đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua trong ngành Thủy lợi. Bên cạnh đó là một vài bức tranh ông Cao tự vẽ về những địa danh như: Bến Nhà Rồng, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà sàn Bác Hồ…

Hỏi về lý do vì sao ông có đam mê sưu tầm những bức ảnh về Bác, ông Trần Văn Cao chia sẻ: Vào năm 1963 ông được gặp Bác Hồ một lần duy nhất tại Thái Nguyên. Người lúc đó khoác trên mình bộ quần áo kaki đã sờn vai, rất giản dị, chân đeo dép cao su, đầu đội mũ trắng. Ông rất ngưỡng mộ một vị Lãnh tụ của dân tộc mà lại bình dị và gần gũi đến vậy. Kể từ đó, ông quyết tâm một đời học tập và làm việc theo tấm gương, đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh. Dành một tình yêu đặc biệt về Bác, đến nay ông Cao đã dày công tìm kiếm, cất giữ được hơn 800 bức ảnh về Bác.

Nhớ lại thời gian trước đây, ông Cao giọng trầm xuống kể: Sinh ra trong một gia đình thuần nông, lớn lên lập gia đình, sinh được 4 người con. Cuộc sống mưu sinh lúc đó rất khó khăn, phải tiết kiệm để nuôi các con ăn học, nhưng không vì thế mà niềm mơ ước có một “Phòng lưu giữ ảnh về Bác Hồ” của ông bị phai nhòa. Đến năm 2003, ông có điều kiện sửa chữa căn nhà 3 tầng đang ở, ông dành riêng tầng thượng để làm gian trưng bày những hình ảnh lưu niệm về Bác và lập riêng một bàn thờ Bác.

Ngoài ra, trong suốt quãng thời gian qua, ông Cao còn làm thơ về Bác ngay cả khi đi làm đồng, khi ở nhà hay khi làm bất cứ công việc gì. Lúc này, trong phòng tranh về Bác của ông không chỉ lưu ảnh mà còn lưu giữ 1.456 câu thơ lục bát viết về Bác do ông thực hiện trong hơn 10 năm.

Phòng lưu niệm về Bác của ông Cao thu hút không chỉ khách trong xã, trong huyện đến thăm quan, mà rất nhiều đoàn khách từ các tỉnh, thành phố về. Cụ thể vào tháng 3/2021 có đoàn cán bộ của Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh đến tham quan và xin chụp lại một số hình ảnh mà Bảo tàng chưa có.

 Ông Trần Văn Cao vinh dự được đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và danh hiệu “Người tốt, việc tốt” của UBND thành phố Hà Nội.

Địa chỉ hữu ích cho thế hệ trẻ hiểu về lịch sử nước nhà

Những bức ảnh trong phòng lưu niệm được ông Trần Văn Cao cẩn thận sắp xếp theo trình tự thời gian, từ khi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 đến khi Bác mất năm 1969. Năm nay, ở tuổi 89 nhưng trí nhớ của ông về những mốc lịch sử của Bác vẫn vẹn nguyên.

Phòng lưu niệm ảnh về Bác của ông còn là địa chỉ tin cậy cho các trường học quanh địa bàn xã đưa học sinh vào thăm quan và nghe ông kể chuyện lịch sử. Chia sẻ với phóng viên, thầy giáo Nguyễn Như Xuân - Hiệu trưởng Trường Trung học sơ sở Đại Yên (huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) cho biết: “Trong năm học qua, nhà trường cũng vài lần tổ chức đưa học sinh các lớp tới thăm quan phòng lưu niệm tranh về Bác Hồ tại nhà riêng của ông Trần Văn Cao và nghe ông kể chuyện lịch sử về Bác. Mỗi khi đưa học sinh đến, ông Cao lại kể chuyện cho mọi người nghe với một niềm hứng thú, say mê. Bằng những lời thơ, bằng hình ảnh về Bác qua lời kể chuyện lịch sử của ông, thế hệ học sinh thấy được rằng, lịch sử của dân tộc và Bác Hồ - vị Lãnh tụ của dân tộc ta anh dũng kiên cường như thế”.

 Ông Trần Văn Cao nhận Kỷ niệm chương của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Mỗi bức ảnh được sưu tầm, ông Trần Văn Cao đều tìm hiểu rõ nội dung, thời gian, hoạt động của Bác trong bức ảnh, để mỗi khi có người đến tham quan, nhất là các cháu học sinh, con cháu trong gia đình, họ hàng ông lại say sưa giới thiệu, thuyết minh từng bức ảnh như một hướng dẫn viên bảo tàng.

Ông Cao mong muốn ở cái tuổi “xưa nay hiếm” vẫn được tiếp tục đi nói chuyện, tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại những buổi sinh hoạt của các đoàn thể chính trị của các thôn trong xã. Và ông có một ước mong rằng con cháu sẽ tiếp tục thay mình trông nom ban thờ và phòng lưu niệm Bác Hồ.

Đồng chí Đặng Đình Họa - Bí thư Đảng ủy xã Đại Yên cho biết: “Việc làm của ông Trần Văn Cao rất đặc biệt và ý nghĩa. Phòng lưu niệm Bác Hồ của ông Cao là một địa chỉ hữu ích cho công tác giáo dục, tuyên truyền về việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc ta tới thế hệ trẻ ở xã Đại Yên nói riêng và nhân dân cả nước nói chung”.

Thông qua việc làm xuất phát từ tình yêu tôn kính về Bác Hồ, năm 2020, ông Trần Văn Cao được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nhận danh hiệu “ Người tốt, việc tốt” của UBND Thành phố Hà Nội năm 2020; nhận Kỷ niệm chương của Ban Tuyên giáo Trung ương và nhiều Bằng khen, Giấy khen từ huyện, xã./.

Lê Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN