Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Ba mươi lăm năm một tấm lòng, một tình yêu

Thứ Ba, 19/11/2024 07:32 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đã thuộc lớp người xưa nay hiếm nhưng với Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Thảo - nguyên Hiệu trưởng Trường Trung cấp văn hóa nghệ thuật Hải Phòng, 87 xuân xanh của ông là năm tháng của cống hiến, của quả ngọt trồng người được ươm bởi tình yêu thương, trách nhiệm, bởi tinh thần "Học làm người" trước khi học làm nghề. Hôm nay xuân xanh ấy là sự chiêm nghiệm, là tâm hồn còn tha thiết với đời, với người.

Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Thảo xuất thân trong một gia đình có truyền thống nho giáo ba đời làm thầy đồ và đông y. Có lẽ, nhờ vậy mà dù trong hoàn cảnh nào, mạch nguồn cha ông cứ ngấm dần, bồi đắp lên một Trần Ngọc Thảo - một nhà sư phạm mẫu mực, một người thầy đáng kính của bao lứa học trò.

Ngày ấy, năm 1937, do hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, bố mẹ ông phải rời bỏ quê hương Gia Viễn, Ninh Bình - đất lũ lụt quanh năm, chiêm khê mùa thối đi làm công nhân mỏ Tân thế giới thuộc địa Pháp. Vì vậy cả tuổi thơ của ông là những năm tháng ở nước ngoài. Năm 1950, với tư cách là đảng viên Đảng Cộng sản Pháp, bố ông công khai ủng hộ kháng chiến chống đế quốc, cho nên gia đình ông bị trục xuất về Hải Phòng. Chính bước ngoặt ấy đã đưa ông trở lại với quê hương, bắt đầu những năm tháng học tập và gắn bó tại quê nhà.

Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Thảo đón bạn - cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi họp lớp. 

Kết thúc chương trình học phổ thông, ông thi đỗ vào khoa Văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm tháng tươi đẹp này cũng đã làm nên mối nhân duyên với người bạn đồng môn - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (1944 - 2024). Để rồi rất nhiều những năm tháng sau này, khóa 8 Tổng hợp Văn ngày ấy được ông và bạn bè nhắc nhớ về người bạn của mình với biết bao niềm tự hào, hạnh phúc.

Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, duyên lành đã mang đến cho ông những năm tháng theo học tại Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. 

Hoàn thành chương trình học Đại học, ông về nhận công tác tại Sở Văn hóa Thông tin Hải Phòng theo dõi mảng xây dựng phong trào, xây dựng thư viện cơ sở tại cơ quan xí nghiệp, trường học, hợp tác xã nông nghiệp; rồi có thời gian ông được biệt phái vào tỉnh Cửu Long (nay là Vĩnh Long) công tác…

Nhưng có lẽ để làm nên chân dung một Nhà giáo ưu tú, một Nhà giáo đáng kính của bao lứa học trò, bao niềm sáng tạo, say mê là quãng thời gian 35 năm ông gắn bó với mái trường Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng. Năm 1979 về công tác tại trường, đến năm 1990, ông được bầu giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường. Với tư duy đổi mới, ông đã lãnh đạo nhà trường luôn luôn là đơn vị dẫn đầu về công tác đào tạo trong khối các trường văn hóa nghệ thuật địa phương trong cả nước. 

Từ cái nôi đào tạo Văn hóa Nghệ thuật Hải Phòng đã góp phần giúp 100% cán bộ văn hóa xã phường có trình độ trung cấp hoặc đại học về chuyên môn văn hoá, đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa ở cơ sở. Hoàn thành đào tạo cho 100% các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh có đủ giáo viên nhạc họa và chuyên môn nghiệp vụ làm công tác thư viện trường học…

Đặc biệt, với phương châm Học Làm Người trước khi học nghề, thầy giáo Thảo đã truyền dạy cho trò bằng cả tấm lòng nhân ái bao dung, yêu thương, uốn nắn hết mực. Đáp lại những lo toan, chỉ dạy của thầy, học trò chuyên cần rèn luyện và có rất nhiều người trong cái nôi đào tạo này trưởng thành, mang lại niềm vinh dự lớn lao cho gia đình, nhà trường và xã hội, đặc biệt là mái trường nghệ thuật Hải Phòng. 

Nhà giáo ưu tú Trần Ngọc Thảo nhận Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. 

Sau bao nhiêu năm, cái được nhất, hạnh phúc nhất của ông là tình yêu, sự kính trọng của trò, là từ “bố” tha thiết trò gọi mỗi khi gặp lại thầy. Sự thành danh của trò là niềm tự hào của người thầy như ông. Đã có rất nhiều học trò của ông nay đã trở thành nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân; nhiều học trò hiện là cán bộ chủ chốt tại các đơn vị đang tích cực đóng góp vào sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của Hải Phòng, của đất nước.

Ba mươi lăm năm hết mình vì sự nghiệp đào tạo, vì sự phát triển văn hóa nghệ thuật của Hải Phòng, năm 1992 ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; năm 2000 được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba;… cũng trong quá trình công tác ông nhận được rất nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ngành; kỉ niệm chương. Bản thân ông cũng nhận được 5 bằng Lao động sáng tạo do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao tặng.

Những năm tháng về hưu, nhà giáo trên mặt trận văn hóa nghệ thuật ấy lại tích cực vừa tham gia công tác địa phương, vừa tham gia dạy thỉnh giảng tại các trường văn hóa nghệ thuật ở các tỉnh thành trong Nam ngoài Bắc. Dường như tình yêu, nguồn cảm hứng của ông là bất tận, bền bỉ, luôn thường trực với đời, với người.

Nhà giáo ưu tú, nguyên Hiệu trưởng Trần Ngọc Thảo vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. 

Chia sẻ về người đồng chí của mình, ông Phạm Văn Thái, Bí thư Chi bộ tổ dân phố An Lạc (phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng, Hải Phòng) cho biết: Đồng chí Trần Ngọc Thảo 43 tuổi Đảng, hiện sinh hoạt tại Chi bộ tổ dân phố An Lạc. Bản thân đồng chí luôn gương mẫu chấp hành tốt các nhiệm vụ được giao; rất tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở tổ dân phố. Là nhà giáo về hưu, đồng chí Trần Ngọc Thảo có quan hệ tốt đối với cộng đồng dân cư, được nhân dân yêu mến tín nhiệm. 

Hôm nay, dẫu đã vượt qua cả ngưỡng tuổi của người “cổ lai hi” thì người thầy ấy vẫn nhắc nhớ về những người thầy của mình với niềm tôn kính vô hạn: “Suốt cuộc đời đi học từ phổ thông đến bậc đại học, tôi đã được học các thầy đức cao đạo trọng - những thầy mẫu mực là tấm gương cho các thế hệ học trò noi theo”. 

Nhà giáo Ưu tú Trần Ngọc Thảo tuổi đã cao, nhưng trong ông vẫn trọn vẹn niềm đam mê với sự nghiệp giáo dục. Với tâm huyết cháy bỏng, thầy không ngừng truyền cảm hứng, trao tri thức và thắp sáng ước mơ cho bao thế hệ học sinh. Nghị lực phi thường của Thầy vượt qua thời gian, minh chứng cho tinh thần cống hiến không hề biết mệt mỏi. Dù tuổi cao, thầy vẫn hăng hái truyền nghề, tận tâm dìu dắt lớp trẻ, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng mọi người. Thầy thật sự đáng kính trọng và ngưỡng mộ.

Lê Hà - Phương Hiền Trần

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN