Thể thao Việt Nam đang ở đâu trên đấu trường châu lục?
(ĐCSVN) – Đoàn Thể thao Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh huy chương ở đấu trường ASIAD 19 đã phản ánh hiện thực rằng, chúng ta còn xa mới đạt tiêu chuẩn cạnh tranh ở châu lục và còn phải nỗ lực rất nhiều trong tương lai.
Tính đến hết ngày 5/10, khi còn hai ngày thi đấu chính thức nữa ASIAD 19 sẽ kết thúc, xét về thành tích, đoàn thể thao Việt Nam có thể nói đã hoàn thành chỉ tiêu khi có 2 Huy chương Vàng (HCV), nhưng kết quả này hẳn khiến giới chuyên môn cũng như người hâm mộ thất vọng bởi Đoàn Thể thao Việt Nam sang Hàng Châu (Trung Quốc) với tư cách là ngôi đầu SEA Games 32.
Mục tiêu của Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 19 là giành từ 2 đến 5 HCV, đồng thời phấn đấu giành thêm vé tham dự Olympic Paris 2024. Đây là mục tiêu khá khiêm tốn, nhưng Đoàn Thể thao Việt Nam phải chờ tới ngày thi đấu chính thức thứ 5 để giành được tấm HCV đầu tiên nhờ công của xạ thủ Phạm Quang Huy (nội dung 10m súng ngắn hơi nam). Sau đó, mất 11 ngày tranh tài để hoàn tất chỉ tiêu 2 HCV, với ngôi vô địch nội dung đội tuyển 4 người nữ môn cầu mây.
Có thể thấy, tại ASIAD 19, Đoàn Thể thao Việt Nam đi “săn Vàng” trong vô vọng ngay cả ở những nội dung được kỳ vọng nhất cũng lần lượt trôi qua với các thất bại vừa đáng tiếc, vừa đáng quên. Nguyễn Thị Oanh “vô đối” tại SEA Games nhưng nằm ngoài tốp huy chương ASIAD ở cả 1500m và 3000m vượt chướng ngại vật. 4x400m của tổ tiếp sức Nguyễn Thị Huyền cũng thất bại. Nguyễn Huy Hoàng dù đạt chuẩn A Olympic, nhưng không bảo vệ được tấm HCB nội dung 1500m nam. 10m súng ngắn hơi nữ, Trịnh Thu Vinh chỉ đứng thứ 6 chung kết, mặc dù trước đó, cô đoạt vé tham dự Olympic Paris 2024 và khoảng cách với các đối thủ châu lục là rất lớn. Nhà đương kim vô địch ASIAD Bùi Thị Thu Thảo có nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV ở nội dung nhảy xa nữ nhưng cô đã không thể hoàn thành mục tiêu khi không còn phong độ đỉnh cao như kỳ đại hội trước… Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì Đoàn Thể thao Việt Nam thể hiện ở đấu trường SEA Games khi chúng ta luôn đứng đầu hoặc top 3.
Điền kinh Việt Nam không có huy chương nào ở ASIAD 19. (Ảnh: tuoitre) |
Trong khi Đoàn Thể thao Việt Nam chật vật tại ASIAD 19, các quốc gia khác ở Đông Nam Á lại thể hiện sức mạnh đáng kinh ngạc và ghi được nhiều dấu ấn. Thái Lan đang đứng thứ 7 với 51 huy chương (10 HCV, 14 HCB, 27 HCĐ), Indonesia đứng thứ 13 với 6 HCV, tiếp đó là Malaysia xếp thứ 14 với 5 HCV, Singapore xếp thứ 16 với 3 HCV, rồi mới tới Việt Nam.
Tất cả những thông số này cho thấy một thực tế đáng buồn rằng, Việt Nam mạnh ở khu vực, nhưng lại thụt lùi khi bước ra sân chơi châu lục và thế giới. Nếu so với ASIAD 18 tại Indonesia cách đây 5 năm, kết quả trên của Việt Nam đã tụt lùi (ASIAD 18 Việt Nam đã đoạt tới 5 HCV). Cho tới, Olympic Tokyo 2021 đánh dấu kỳ Thế vận hội đầu tiên mà Việt Nam không thể giành huy chương nào kể từ năm 2004. Tại Nhật Bản, đoàn Việt Nam có tổng cộng 18 vận động viên tranh tài 11 môn thể thao khác nhau nhưng chúng ta không thể gặt hái thành tích như mong đợi.
Nhiều năm nay, trong khi các nước khu vực không còn đặt quá nặng mục tiêu ở SEA Games mà chuyển sang đấu trường ASIAD, Olympic như Thái Lan, Malaysia, Philippines hay Singapore, dường như thể thao Việt Nam vẫn đang “luẩn quẩn” tìm lối đi. Từ nhiều năm nay, lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam đã đề cập, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về việc thể thao Việt Nam chạy theo thành tích ở khu vực nhưng lại "ngụp lặn" ở đấu trường ASIAD hay Olympic. Điều này cho thấy, dù phát đi thông điệp mạnh mẽ đặt trọng tâm vào các nội dung ASIAD và Olympic nhưng sự chuyển biến của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực có dấu hiệu hụt hơi. Và Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Á vận hội, vẫn cứ “chơi vơi” trong việc tìm kiếm hy vọng Vàng.
Thể thao Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ thể thao châu lục?! Đó là câu hỏi chúng ta cần nhanh chóng tìm lời giải nếu không muốn lại tiếp tục “trắng tay” ở Olympic 2024 sắp tới. Kết quả tại ASIAD 19 có lẽ sẽ là tiếng chuông cảnh tỉnh đủ mạnh với ngành thể thao để chúng ta quyết liệt làm mới nếu muốn theo đuổi những mục tiêu cao hơn?
Đã đến lúc thể thao Việt Nam cần phải thay đổi triệt để ở các môn thể thao Olympic, ngay từ khâu tuyển chọn, tìm kiếm tài năng cho đến huấn luyện, tập huấn. Tất cả cần có một kế hoạch, lộ trình phát triển bài bản, đồng bộ từ cấp thấp nhất. Chúng ta cần quan tâm một cách nghiêm túc từ thể thao học đường, xã hội hóa thể thao để có nguồn lực đầu tư, định hướng phát triển các môn trọng điểm… Đây là những vấn đề không hề mới, nhưng để giải quyết được lại không dễ..../.