(ĐCSVN) - Tháng 11/2024 này đánh dấu tròn 1 năm khánh thành nhà máy sản xuất gia vị và dược liệu DATO trực thuộc Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên (DATO). Ghi nhận bước phát triển mới, là dấu mốc quan trọng đối với sự nỗ lực, cố gắng phát triển của doanh nghiệp nói riêng đồng thời cũng là thành quả từ sự hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, đối tác, bạn bè và bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung.
Trong suốt hành trình gây dựng công ty kể từ năm 2018 đến nay và với việc đưa nhà máy vào vận hành hoạt động, DATO càng ngày càng khẳng định thương hiệu, phát triển các dự án kinh doanh hiệu quả tại địa phương. Với sự tư vấn, hỗ trợ về pháp lý, hỗ trợ vốn cho các mô hình sản xuất mà trên hết là mô hình liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương, DATO là một điển hình cho mô hình doanh nghiệp trách nhiệm xã hội ở một huyện miền núi của tỉnh Kon Tum.
| ||
Năm 2018, Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên (DATO) được thành lập. Từ đó đến nay, trong mỗi chặng đường phát triển của mình, DATO luôn theo đuổi mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội, gắn liền với việc phát triển bền vững và hỗ trợ cộng đồng. Mô hình kinh doanh của DATO hướng đến liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum trồng các loại gia vị và dược liệu bản địa. Từ nguyên liệu do bà con làm ra, chúng tôi đầu tư nhà xưởng, thiết bị chế biến tạo ra các sản phẩm đặc sản Kon Tum phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Sản phẩm của DATO hiện đã có mặt tại hệ thống siêu thị Co.opmart, AEON, Big C, siêu thị mini và cửa hàng đặc sản trên toàn quốc.
Hiện tại, DATO đang liên kết với hơn 400 hộ dân, trong đó có 70% là đồng bào dân tộc thiểu số, thu hút và hỗ trợ họ tham gia vào quá trình phát triển vùng nguyên liệu gia vị và dược liệu. DATO hướng đến xây dựng mô hình xen canh giữa cây ngắn ngày như cây gia vị (gừng, ớt, nghệ, sả), dược liệu (sâm dây Ngọc Linh, khổ qua rừng, lạc tiên...) và cây dài ngày (quế, ươi,...). Từ đó giúp tạo ra sinh kế bền vững, tăng thu nhập cho bà con dân tộc thiểu số bản địa, góp phần vào việc giảm đói nghèo tại địa phương, đồng thời từng bước đưa sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phương ra thị trường, xây dựng thương hiệu dược liệu của tỉnh nhà. Ngày 25/11, DATO đã vinh dự được UBND tỉnh trao Quyết định công nhận “Doanh nghiệp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao”. Đây là minh chứng cho sự cố gắng, nỗ lực của DATO trong suốt thời gian qua đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến tạo ra giá trị cao cho cây dược liệu, gia vị tại địa phương. Có thể thấy, trong hành trình phát triển của mình DATO quyết tâm nâng cao giá trị cây dược liệu và gia vị, tiếp tục nghiên cứu các sản phẩm chế biến sâu có giá trị cao và xuất khẩu để mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho doanh nghiệp, cộng đồng và xã hội.
Thời gian qua, Công ty Thảo dược Tây Nguyên đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành từ Lãnh đạo UBND tỉnh, Lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Đăk Tô nói riêng. Ngoài ra, DATO cũng nhận được sự đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp từ các dự án của phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế uy tín như: Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á - Thái Bình Dương (ESCAP), Quỹ Rabo Foundation (Hà Lan), Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), tổ chức Oxfam, Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB HUB).... Với sự hỗ trợ đó cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, đến nay, Công ty Thảo dược Tây Nguyên đã có 5 sản phẩm đạt OCOP, 3 sản phẩm đạt sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên, 1 sản phẩm đạt sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia, 2 sản phẩm đạt sản phẩm Nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Dự án khởi nghiệp của Công ty DATO cũng đã đạt giải Nhì trong cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp toàn quốc” năm 2021.
Những hình ảnh hoạt động tổng hợp về nhà máy, vùng nguyên liệu và công ty DATO |
Ngày 4/11/2023, Công ty Thảo dược Tây Nguyên khánh thành Nhà máy sản xuất gia vị và dược liệu tại Lô B6, Cụm Công nghiệp và Dịch vụ 24/4, Khối phố 9, thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum. Đây là bước phát triển mới, là dấu mốc quan trọng đối với sự nỗ lực, cố gắng phát triển của doanh nghiệp nói riêng đồng thời cũng là thành quả của sự hỗ trợ, hợp tác giúp đỡ của chính quyền địa phương, đối tác, bạn bè và bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn nói chung trong suốt quá trình xây dựng thương hiệu, phát triển các dự án kinh doanh nhất là sự tư vấn, hỗ trợ về pháp lý, hỗ trợ vốn cho các mô hình sản xuất mà trên hết là mô hình liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số của địa phương…
Nhà máy DATO được xây dựng có tổng diện tích là 1.500 m2, dự kiến sẽ tạo ra việc làm cho 30 công nhân tại nhà máy, bao tiêu sản lượng cho diện tích 300 - 400 ha với hơn 400 hộ dân tham gia trồng gia vị và dược liệu, trong đó có hơn 70% là đồng bào dân tộc thiểu số. Hơn hết, Nhà máy của chúng tôi đạt tiêu chuẩn quốc tế như FDA và ISO 22000:2018, đảm bảo sản phẩm gia vị và dược liệu của DATO luôn an toàn và đạt chất lượng cao cho các thị trường khó tính trên toàn cầu.
Bà Lương Thị Mỹ Huệ, CEO và sáng lập viên DATO khẳng định, sau 1 năm đi vào hoạt động, Nhà máy DATO đã khẳng định thêm một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững, hỗ trợ cộng đồng, nâng cao giá trị gia vị và dược liệu tại huyện Đăk Tô nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng. Từ đó, hướng đến thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
|
Tỉnh Kon Tum, với khí hậu nhiệt đới mùa và điều kiện thổ nhưỡng thuận lợi, là một vùng đất có tiềm năng vô cùng lớn trong việc phát triển ngành gia vị và dược liệu. Có nhiều yếu tố đặc biệt làm cho Kon Tum trở thành một điểm sáng trong ngành này. Tiềm năng đầu tiên là đa dạng sinh học động và thực vật tại Kon Tum. Vùng đất này có nhiều loại cây gia vị thảo dược quý báu, một phần lớn trong số đó có giá trị dược liệu và thực phẩm cao. Điều này tạo cơ hội tuyệt vời để tận dụng và phát triển nguồn tài nguyên thiên nhiên độc đáo sẵn có. Tiềm năng thứ hai là môi trường và khí hậu thuận lợi cho trồng cây gia vị và dược liệu. Với nhiệt độ ổn định và nhiều nguồn nước tự nhiên, Kon Tum có đầy đủ điều kiện lý tưởng để trồng các loại cây như gừng, nghệ, xả, ớt và nhiều cây thảo dược khác. Điều này giúp sản xuất gia vị và dược liệu chất lượng cao, giàu giá trị kinh tế. Tiềm năng thứ ba là sự hỗ trợ từ các cơ quan chính phủ và tổ chức nông nghiệp. Tỉnh Kon Tum đã nhận được sự quan tâm và hỗ trợ mạnh mẽ từ các cấp chính phủ, đồng thời cũng có các chương trình và dự án nhằm thúc đẩy sự phát triển của ngành gia vị và dược liệu. Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp và nông dân địa phương để tận dụng tiềm năng này. Thêm vào đó, lực lượng lao động dồi dào, đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số chịu khó, chịu khổ, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu cao về cường độ thời gian của công việc, nhất là đòi hỏi sự khéo léo, chăm chỉ trong sản xuất nông nghiệp.
“Với những tiềm năng đặc biệt này, Kon Tum có thể trở thành một trung tâm sản xuất và cung cấp gia vị và dược liệu chất lượng cao cho cả nước và thị trường quốc tế. Và chúng tôi, Công ty Thảo dược Tây Nguyên DATO thật may mắn khi được tham gia vào chuỗi phát triển nông nghiệp, góp phần xây dựng thương hiệu vùng cho tỉnh nhà, cụ thể là phát triển mô hình kinh doanh tại đây” - bà Lương Thị Huệ chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Bá Trực, đồng sáng lập DATO, thành lập vào năm 2018, DATO theo đuổi mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội, gắn liền với việc phát triển bền vừng và hỗ trợ cộng đồng. “Mô hình kinh doanh của chúng tôi là hướng đến liên kết với bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Đăk Tô, tỉnh Kon Tum trồng các loại gia vị và dược liệu bản địa. Từ nguyên liệu do bà con làm ra, chúng tôi đầu tư nhà xưởng, thiết bị chế biến tạo ra các sản phẩm đặc sản Kon Tum phục vụ nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Chúng tôi đang có 5 sản phẩm đạt OCOP, 3 sản phẩm đạt sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực miền Trung – Tây Nguyên, 1 sản phẩm đạt sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia, 2 sản phẩm đạt sản phẩm Nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Sản phẩm của chúng tôi hiện có bán tại hệ thống siêu thị Co.opmart, AEON, Big C, siêu thị mini và cửa hàng đặc sản trên toàn quốc”- ông Nguyễn Bá Trực cho biết thêm.
Cũng theo bà Lương Thị Mỹ Huệ, nhà máy sản xuất gia vị và dược liệu không chỉ là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Công ty TNHH Thảo Dược Tây Nguyên (DATO) mà còn là một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững, hướng tới hỗ trợ cộng đồng, nâng cao giá trị cho cây gia vị và dược liệu tại Đăk Tô. “Chúng tôi đã làm việc chăm chỉ để thực hiện tầm nhìn của mình, đó là giúp phát triển ngành nông nghiệp và đặc biệt giúp cộng đồng dân tộc thiểu số có sinh kế bền vững, vươn lên làm giàu và cải thiện cuộc sống của người dân tại huyện Đăk Tô. Thành quả hôm nay của Công ty DATO không chỉ là kết quả của sự nỗ lực, quyết tâm thực hiện giấc mơ khởi nghiệp của tuổi trẻ mà còn là kết quả của tình yêu với mảnh đất này, kết quả của quyết tâm làm giàu trên chính nơi chúng tôi lớn lên, trưởng thành”- bà Lương Thị Mỹ Huệ nói.
Hai đồng sáng lập DATO là Lương Thị Mỹ Huệ và Nguyễn Bá Trực cùng chung chia sẻ, với ước vọng không ngừng vươn lên phía trước, DATO cam kết tiếp tục đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn và hiệu quả hơn để phục vụ cộng đồng và mang đến những sản phẩm dược liệu và gia vị tốt nhất.
Trong vòng một năm vận hành nhà máy, DATO không chỉ thành công trong việc xây dựng Nhà máy đạt tiêu chuẩn FDA và ISO 22000:2018 mà đã có được những đơn xuất khẩu đầu tiên từ gia vị sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, đặc biệt đã ứng dụng thành công mô hình trồng ớt đạt hữu cơ theo hướng sử dụng công nghệ sinh học đạt tiêu chuẩn xuất đi châu Âu. Đáng chú ý, nhà máy đã tập trung đầu tư trang bị công nghệ hiện đại để đảm bảo quá trình sản xuất đạt chất lượng, trong đó phải kể đến, hệ thống kho lạnh bảo quản nông sản sau thu hoạch rộng 300 m2, với dải nhiệt độ từ -18ºC đến -35ºC, có thể lưu trữ hơn 20 tấn nguyên liệu tươi mỗi ngày, giúp duy trì chất lượng tươi ngon của sản phẩm trong thời gian dài. Rồi cả hệ thống sấy lạnh - một công nghệ sử dụng không khí lạnh để làm khô sản phẩm, thường được ứng dụng trong việc bảo quản nông sản, dược liệu và thực phẩm. Hay hệ thống sấy nhiệt gián tiếp công xuất lớn, với diện tích 300 m2, có khả năng xử lý và bảo quản lên đến 50 tấn nguyên liệu khô mỗi ngày, đảm bảo giữ được hương vị và dược tính của sản phẩm. Còn phải kể đến hệ thống rửa hiện đại, có khả năng xử lý lên đến 10 tấn nguyên liệu mỗi ngày, đảm bảo gừng, nghệ luôn sạch sẽ, an toàn và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu châu Âu; hệ thống cô đặc chân không giúp tạo ra các sản phẩm chiết xuất từ gừng, nghệ, sâm dây Ngọc Linh, và chanh dây, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường trong và ngoài nước.
Có được kết quả sau 6 năm gây dựng công ty (2018 - 2024) và 1 năm đưa vào vận hành nhà máy (11/2023 - 11/2024), lãnh đạo DATO cho rằng, đó là sự đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp suốt thời gian qua của lãnh đạo các Sở, ban, ngành, các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh, các bạn bè, đối tác, và các dự án của phi Chính phủ, các tổ chức quốc tế uy tín như: Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), tổ chức Oxfam, Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Trung tâm hỗ trợ phát triển xanh (GreenHub), Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB HUB), Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF Việt Nam), Ủy ban Kinh tế Xã hội châu Á Thái Bình Dương (ESCAP), quỹ Rabo Foundation, quỹ Liên Hợp Quốc (UN Foundation)... cùng với các đối tác kinh doanh đã đồng hành, giúp DATO tiếp thêm động lực, trưởng thành hơn, tự tin vươn ra thế giới một ngày không xa và đạt được kết quả như ngày hôm nay. Đặc biệt, kết quả đó còn có được nhờ vào đội ngũ nhân viên của DATO, những người đã làm việc chăm chỉ và đồng lòng để đưa DATO ngày càng phát triển, khẳng định vị thế tại địa phương.
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện lãnh đạo huyện Đăk Tô nhận định, công ty TNHH Thảo dược Tây Nguyên đã và đang triển khai các hoạt động sản xuất – kinh doanh góp phần phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Theo vị lãnh đạo này, với lợi thế về nguồn lực lao động dồi dào, khí hậu, đất đai rất phù hợp để phát triển một cây ngắn ngày dùng làm gia vị (gừng, ớt, nghệ, sả) và sâm – một loài dược liệu có giá trị, tiềm năng trong chế biến các sản phẩm từ dược liệu và gia vị, việc xây dựng nhà máy chế biến gia vị và dược liệu là dự án phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư của huyện trong giai đoạn 2020 – 2025, phù hợp với định hướng xây dựng tỉnh Kon Tum trở thành vùng trọng điểm về dược liệu của Quốc gia. Việc khánh thành, đưa Nhà máy chế biến gia vị và dược liệu đi vào hoạt động là minh chứng rõ nét cho việc đưa chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước vào cuộc sống; được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích lớn, giải quyết những vấn đề thách thức, bất cập trong quá trình phát triển nông nghiệp của huyện, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, tạo thêm việc làm và thu nhập cho lao động tại chỗ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện cho người dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã kết nối sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp.
Lãnh đạo huyện Đăk Tô cũng ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Công ty trong việc phát triển ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp từ quản lý vùng nguyên liệu đến gia công chế biến và phân phối sản phẩm ra thị trường. “Đây là một trong những đơn vị tiên phong của huyện trong việc ứng dụng giải pháp nông nghiệp thông minh vào hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm từ nông nghiệp. Hy vọng rằng trong tương lai đây sẽ là nơi sản xuất các sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn chất lượng cao hàng đầu tại địa phương”- vị lãnh đạo khẳng định đồng thời cũng bày tỏ tin tưởng, Nhà máy chế biến gia vị và dược liệu sẽ là mô hình phát triển mới của huyện, tận dụng thế mạnh của địa phương, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững. Nhà máy đi vào hoạt động sẽ tạo ra các sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, góp phần phục vụ nhu cầu của người dân trong trong hiện tại và tương lai; đồng thời, mở ra nhiều cơ hội việc làm và đặc biệt truyền cảm hứng, niềm tin cho các nhà đầu tư, các ngành, các cấp tiếp tục đồng hành triển khai thành công các dự án đầu tư trên địa bàn huyện.
Lãnh đạo huyện cam kết, với phương châm "Doanh nghiệp thành công, địa phương phát triển”, huyện Đăk Tô tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tiếp tục đề cao trách nhiệm, với tinh thần “việc làm của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng chính là việc làm của mình", luôn tạo điều kiện tốt nhất cho Công ty, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với Công ty để Công ty nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, hoạt động ổn định và bền vững.