Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thế giới vừa trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử

Thứ Tư, 24/07/2024 11:27 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 23/7, Cơ quan Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) cho biết thế giới đã trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử vào ngày 21/7 vừa qua, với nhiệt độ trung bình hàng ngày trên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục mới.

Màn hình hiển thị nhiệt độ ngoài trời 43 độ C tại một công viên ở Bucharest, Romania. (Ảnh: Xinhua)

Theo báo cáo từ C3S, mức nhiệt ghi nhận được vào hôm 21/7 là 17,09 độ C - cao hơn một chút so với kỷ lục trước đó là 17,08 độ C được thiết lập vào ngày 6/7/2023. Đây là mức nhiệt trung bình toàn cầu cao nhất ghi nhận được kể từ ít nhất là năm 1940.

Trước khi kỷ lục mới về nhiệt độ được thiết lập vào tháng 7/2023, kỷ lục nhiệt độ trung bình hàng ngày trên toàn cầu được ghi nhận vào ngày 13/8/2016, ở mức 16,8 độ C. Theo C3S, trong 13 tháng qua, thế giới đã trải qua 57 ngày “nóng” vượt kỷ lục của năm 2016.

Giám đốc C3S - ông Carlo Buontempo đã mô tả sự khác biệt giữa nhiệt độ trong 13 tháng qua và các kỷ lục trước đó là "thực sự đáng kinh ngạc". Nhà lãnh đạo C3S cảnh báo, do hậu quả của việc phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính ngày càng tăng trong khí quyển, chúng ta chắc chắn sẽ chứng kiến những kỷ lục mới bị phá vỡ trong vài tháng tới, trong vài năm tới.

Bên cạnh việc khẳng định 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử, báo cáo do C3S công bố ngày 22/7 còn nhận định về khả năng năm 2024 sẽ phá vỡ nền nhiệt của năm trước đó, dù hiện vẫn còn quá sớm để dự đoán một cách chắc chắn. Một số nhà khoa học cũng chia sẻ nhận định này và cho rằng năm 2024 có thể vượt qua năm 2023 để trở thành năm nóng nhất trong lịch sử do biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết tự nhiên El Nino – kết thúc vào tháng 4 vừa qua đã đẩy nền nhiệt trong năm 2024 lên cao hơn bao giờ hết.

Trong tháng qua, một đợt nắng nóng dữ dội đã quét qua nhiều khu vực rộng lớn thuộc Mỹ, châu Âu và châu Á, làm gia tăng nguy cơ gây ra các vụ hỏa hoạn và tác động nghiêm trọng đến sức khỏe con người.

Năm ngoái, thế giới đã trải qua bốn ngày liên tiếp phá kỷ lục về nền nhiệt (trong các ngày từ 3-6/7), được cho là có nguyên nhân từ hiện tượng biến đổi khí hậu và đốt nhiên liệu hóa thạch, gây ra nắng nóng cực độ trên khắp Bắc bán cầu. Trước thực tế đáng quan ngại nói trên, các nhà khoa học và những người ủng hộ môi trường từ lâu đã kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới và các nước giàu loại bỏ và chấm dứt sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch để ngăn chặn những tác động thảm khốc của biến đổi khí hậu, bao gồm cả những đợt nắng nóng gia tăng./.

T.Lan (Theo Xinhua, Reuters, cbc.ca)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN