3 chiêu thức lừa đảo phổ biến trên mạng xã hội
(ĐCSVN) - Mạo danh đơn vị tổ chức sự kiện, cuộc thi; Mạo danh Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lừa người muốn đi nước ngoài làm việc; Giả vờ cung cấp dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội để chiếm đoạt tài sản là 3 chiêu thức phổ biến vừa được Cục An toàn Thông tin (Bộ TT&TT) cảnh báo.
Theo Cục An toàn Thông tin, các hình thức lừa đảo trực tuyến vẫn đang liên tục gia tăng, và mục tiêu cuối cùng vẫn là chiếm đoạt tài sản.
Lừa đảo mạo danh các đơn vị tổ chức sự kiện, cuộc thi
Lợi dụng hàng loạt sự kiện, hoạt động diễn ra vào các tháng cuối năm, gần đây, nhiều đối tượng đã sao chép hình ảnh, nội dung, video… trên website chính thống của sự kiện, cuộc thi và đăng tải trên fanpage giả mạo để tạo lòng tin. Tiếp đó, dẫn dụ người có nhu cầu tham gia sự kiện, chương trình chuyển sang dùng Telegram để đăng ký, xét duyệt hồ sơ.
Trong quá trình này, để hoàn tất thủ tục xét duyệt hồ sơ, đối tượng lừa đảo yêu cầu người đăng ký thực hiện nhiệm vụ đánh giá và mua trang phục bằng hình thức chuyển tiền vào tài khoản do chúng cung cấp.
Sau khi người dân chốt nhiều đơn hàng với số tiền lớn hơn, đối tượng đưa ra nhiều lý do như cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi… để từ chối trả tiền gốc.
Kẻ lừa đảo còn yêu cầu nạn nhân chuyển khoản thêm tiền để xác minh đơn hàng, bảo lưu tài khoản. Đến khi nạn nhân hết tiền để chuyển hoặc phát hiện bị lừa, đối tượng sẽ chặn liên lạc.
Cục An toàn Thông tin khuyến nghị người dân cảnh giác khi tiếp nhận thông tin về các sự kiện, cuộc thi qua mạng xã hội; xác minh rõ danh tính của đơn vị tổ chức trước khi tham gia; không làm theo hướng dẫn của đối tượng; không cung cấp thông tin cá nhân; và tuyệt đối không truy cập vào các đường dẫn lạ, không tải về ứng dụng không rõ nguồn gốc.
Mạo danh Bộ LĐ-TB&XH để lừa người muốn đi nước ngoài làm việc
Một số đối tượng mạo danh Bộ LĐ-TB&XH và Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ này để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những người muốn đi nước ngoài làm việc.
Cụ thể, chúng lập fanpage có tên “Trung tâm tư vấn việc làm ngoài nước - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội”, “Tư vấn XKLĐ - Asian”, mạo danh là trang thông tin của Bộ LĐ-TB&XH.
Để tạo dựng lòng tin, đối tượng còn giả mạo chữ ký của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, đăng tải nội dung kèm hình ảnh lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH làm việc với đối tác nước ngoài trên fanpage, website giả mạo.
Do đó, Cục An toàn Thông tin khuyến cáo người dân cần cẩn trọng trước các tổ chức chào mời trên mạng xã hội; chủ động tìm hiểu, đối chiếu thông tin về đơn vị quảng cáo trên mạng với danh sách doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, được đăng tải trên trang dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ LĐ-TB&XH. Đồng thời, rà soát kỹ nội dung trên hợp đồng dịch vụ giữa các bên trước khi ký kết.
Cảnh giác với dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội
Dù không mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy trước quảng cáo dịch vụ đọc trộm tin nhắn, giám sát tài khoản mạng xã hội.
Các đối tượng liên hệ, cung cấp cho người có nhu cầu thông tin về các gói dịch vụ đọc trộm tin nhắn, theo dõi tài khoản mạng xã hội của người khác, cùng số tài khoản để chuyển phí dịch vụ. Sau khi nạn nhân chuyển trước phí dịch vụ, đối tượng sẽ chặn liên lạc.
Cục An toàn Thông tin nhấn mạnh người dân không nên tin tưởng sản phẩm, dịch vụ không rõ nguồn gốc trên mạng, cũng như phải biết rằng đọc trộm tin nhắn là hành vi vi phạm pháp luật và đạo đức xã hội, xâm phạm quyền riêng tư.
Người dùng cũng không nên tải ứng dụng từ nguồn không chính thống; cần sử dụng phần mềm bảo mật để quét, phát hiện các phần mềm độc hại có thể đang theo dõi thiết bị; thường xuyên thay đổi mật khẩu email, tài khoản mạng xã hội và sử dụng xác thực 2 yếu tố để tăng cường bảo mật./.