Liên hợp quốc kêu gọi tăng nguồn tài trợ cho thích ứng với biến đổi khí hậu
(ĐCSVN) – Các nước trên thế giới cần tăng cường vai trò để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. Tình trạng khẩn cấp về khí hậu ngày càng diễn biến nghiêm trọng, đòi hỏi chúng ta hành động khẩn cấp để tăng cường cơ chế ứng phó cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ở Nam bán cầu.
Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: UNICEF |
Đây là lời kêu gọi được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) đưa ra trong Báo cáo về khoảng cách thích ứng của UNEP năm 2024, công bố ngày 7/11.
Báo cáo của UNEP cảnh báo rằng các thảm họa liên quan đến khí hậu đang đẩy hành tinh đến “bờ vực thẳm”. Trong bối cảnh đó, việc tăng cường tài trợ cho hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu là điều cần thiết để đảm bảo một tương lai kiên cường và xanh hơn cho các cộng đồng.
Báo cáo của UNEP được công bố trước thềm Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 29 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 29), dự kiến sẽ được tổ chức tại Baku, Azerbaijan trong các ngày từ 11-22/11. COP29 là dịp để các phái đoàn từ khắp nơi trên thế giới cùng các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc đánh giá tiến độ và thảo luận về những cách tốt nhất để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. |
Theo nhận định của Giám đốc điều hành UNEP - ông Inger Andersen, những thất bại trong việc tăng cường các biện pháp thích ứng đã làm suy yếu các phản ứng đối với các cú sốc khí hậu, gây tổn hại đến sinh kế của những nhóm dân số nghèo và dễ bị tổn thương.
Trong đó, nguồn tài chính dành cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu bao gồm xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống lũ lụt, ứng phó trước tình trạng nước biển dâng, trồng cây trong khu vực đô thị giúp giảm nhiệt độ và chống lại hiện tượng đảo nhiệt và đảm bảo cơ sở hạ tầng có thể chống chọi với bão lớn.
“Biến đổi khí hậu đang tàn phá các cộng đồng trên khắp thế giới, đặc biệt là những cộng đồng nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất. Những cơn bão dữ dội đang san phẳng nhà cửa, các đám cháy đang xóa sổ rừng, trong khi sự xói mòn đất đai và hạn hán đang làm suy thoái cảnh quan… Con người, sinh kế của họ và thiên nhiên mà họ phụ thuộc đang thực sự bị đe dọa bởi hậu quả của biến đổi khí hậu. Nếu không hành động, đây sẽ là kịch bảo dự báo trước về tương lai của chúng ta” – ông Andersen cảnh báo.
Theo báo cáo của UNEP, dòng tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu đổ vào các nước đang phát triển đã tăng từ 22 tỷ USD vào năm 2021 lên 28 tỷ USD vào năm 2022. UNEP nhấn mạnh rằng nếu không hành động ngay lập tức, nhiệt độ thế giới có thể sớm vượt quá 1,5°C và thậm chí có thể đạt mức tăng thảm khốc là 2,6-3,1°C so với mức tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ này.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc được tổ chức tại Glasgow, Scotland vào năm 2021, các quốc gia phát triển đã đồng ý tăng gấp đôi nguồn tài chính thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đối tác đang phát triển lên ít nhất 38 tỷ USD vào năm 2025.
Báo cáo UNEP cho biết các nước đang phát triển đang phải vật lộn với không gian tài chính thu hẹp, gánh nặng nợ nần và lạm phát gia tăng. Những yếu tố đó đã hạn chế khả năng của các nước này trong việc đảm bảo đủ nguồn quỹ để thích ứng với cuộc khủng hoảng khí hậu.
"Khi tác động của khí hậu tăng lên cùng với ấm dần lên của trái đất, cả chi phí giảm thiểu rủi ro thông qua thích ứng và khả năng rủi ro còn lại biểu hiện dưới dạng tổn thất và thiệt hại cũng sẽ tăng theo" - báo cáo chỉ rõ.
Báo cáo của UNEP ghi nhận 171 quốc gia đã triển khai chính sách, chiến lược hoặc kế hoạch để ứng phó và giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây ra, dù ở mức độ triển khai và hiệu quả khác nhau. Trong khi đó, có tới 16 trong số 26 quốc gia dễ bị tổn thương hoặc bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Nam bánh cầu lại chưa triển khai bất kỳ chính sách nào như vậy.
Để “mở khóa” các khoản hỗ trợ tài chính cho thích ứng với biến đổi khí hậu, báo cáo của UNEP kêu gọi các nước áp dụng chính sách ưu đãi về tài chính và quy định, giảm rủi ro cho các khoản đầu tư của khu vực tư nhân; đồng thời khám phá các công cụ tài chính sáng tạo như trợ cấp dựa trên hiệu suất, tín dụng và trái phiếu phục hồi, hoán đổi nợ để thích ứng và thanh toán cho các dịch vụ bổ trợ hệ sinh thái./.