Chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã "hồi hương"
(ĐCSVN) - Tại buổi lễ đón bằng Công nhận Di sản Tư liệu của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng Cung Huế”, công bố hoàn thành Dự án “Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Điện Thái Hòa”, và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”, chiếc áo Nhật Bình - Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã được "hồi hương", gây sự chú ý của các đại biểu và đông đảo du khách.
Một chiếc áo Nhật Bình từng là lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã trở về quê hương. Chiếc áo này gắn liền với thời gian bà và các con sống tại lâu đài tại Cannes, Pháp.
Lễ phục của Hoàng hậu Nam Phương đã được "hồi hương", gây sự chú ý của các đại biểu và đông đảo du khách. |
Chiếc áo từng thuộc bộ sưu tập Linda Wrigglesworth - đứng đầu là bà Linda, một người phụ nữ yêu thích trang phục dệt may cổ- được thành lập vào năm 1978 và sau đó trở thành bộ sưu tập tư nhân sau khi Công ty TNHH Linda Wrigglesworth Limited được bán vào năm 2008. Khi so sánh các hình ảnh tư liệu về gia đình vua Bảo Đại và hoàng hậu Nam Phương, hình ảnh Hoàng hậu vào năm 1949 bên các hoàng tử và công chúa cùng hình ảnh một bức tranh sơn dầu cỡ lớn cho thấy bà đang khoác trên mình chiếc áo lễ phục Nhật Bình, đầu đội khăn vàng đóng sẵn màu vàng, mang đôi hài cùng chiếc quần chít ba bằng lụa satin trắng. Chính là chiếc áo Nhật Bình đã được đưa về nước ta như đã đề cập.
Tháng 10 năm nay, một nhà hảo tâm Phan Thúy Khanh và con trai Trần Phan Anh (Hà Nội), người gốc Huế, mua và hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Nhà hảo tâm Phan Thúy Khanh và con trai Trần Phan Anh (Hà Nội), người gốc Huế (Bên phải) mua và hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. |
Ngắm nhìn chiếc áo Nhật Bình được treo trong Điện Thái Hòa trong sự kiện "hồi hương", có lẽ nhiều người cảm nhận như chạm đến hồn vía của người xưa, như được đọc lại những trang sách lịch sử từng nhạt phai trong ký ức.
Bao nhiêu năm ở xứ người, nhưng Hoàng hậu Nam Phương vẫn giữ gìn chiếc áo Nhật Bình, không phải vì bà nuối tiếc thời hoàng kim quá vãng, mà là giữ gìn một chiếc áo dài đậm sắc Việt Nam.
Ông Trần Phan Anh, người hiến tặng chiếc áo chia sẻ: "Mua được chiếc áo Nhật Bình của Hoàng hậu Nam Phương để hiến tặng cho Huế là niềm vui và hạnh phúc của gia đình tôi. Được đóng góp một phần nhỏ bé trong việc sưu tập, lưu giữ các cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa với tôi là điều may mắn".
Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế - Hoàng Việt Trung cho biết: Thêm một chiếc áo Nhật Bình của Nam Phương Hoàng hậu, Trung tâm có thêm hiện vật cùng với thông tin về lịch sử và văn hóa triều Nguyễn liên quan, để phục vụ cho công tác nghiên cứu, giáo dục lịch sử, đồng thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu và thưởng lãm văn hóa của du khách. Việt Nam có bề dày lịch sử, có truyền thống văn hóa, nhưng trải qua biết bao thăng trầm, nhiều cổ vật giá trị đã lưu lạc ở chân trời góc bể. Những cá nhân, tổ chức tìm mua, sưu tầm các cổ vật mang về hiến tặng. Các cổ vật đó, ngoài giá trị vật chất, còn có giá trị tinh thần, đó là thông điệp về lòng yêu nước…/.