Thanh Hóa: Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân
(ĐCSVN) - Trong khi nguồn ngân sách Nhà nước đầu tư cho hệ thống y tế công lập còn hạn hẹp, việc thực hiện xã hội hóa là cần thiết. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân…
Ảnh minh họa: L.H |
Những năm gần đây, công tác xã hội hoá y tế trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá phát triển nhanh chóng với số bệnh viện đa khoa tư nhân, cơ sở hành nghề y tư nhân ra đời ngày càng nhiều. Hiện nay, toàn tỉnh có 12 bệnh viện tư nhân, trên 1.000 phòng khám, trên 2.500 cơ sở dược (chưa kể tủ thuốc trạm y tế xã).
Từ việc đẩy mạnh y tế mà cơ sở vật chất, trang thiết bị cả bệnh viện công và bệnh viện tư được xây mới, nâng cấp theo hướng đồng bộ, hiện đại, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước và giảm tải cho hệ thống y tế công lập.
Ngoài hệ thống các bệnh viện, cơ sở hành nghề y tư nhân được thành lập từ nguồn xã hội hoá của các tổ chức, cá nhân, hệ thống y tế công lập những năm gần đây cũng phát triển mạnh từ nguồn vốn xã hội hoá thông qua các hình thức hỗ trợ hoặc góp vốn liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư để xây dựng, thành lập mới cơ sở khám chữa bệnh và mua sắm trang thiết bị hiện đại, tiên tiến phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Tiêu biểu như tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Công ty CP Thiết bị vật tư y tế Thanh Hóa đầu tư máy điều trị khối u bằng sóng siêu âm cao tần Hifu trị giá 25 tỷ đồng; đơn vị này và một đối tác khác cũng đầu tư hệ thống labo xét nghiệm Cobas 8000 thế hệ mới nhất hiện nay trị giá 21 tỷ đồng.
Ở tuyến cơ sở, Quảng Xương là một trong những đơn vị dẫn đầu của tỉnh trong huy động nguồn lực xã hội hoá phục vụ hoạt động khám chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh. Nhờ làm tốt công tác tham mưu, huy động các nguồn đầu tư, nhiều trạm y tế ở Quảng Xương được xây dựng cao tầng khang trang, bình quân mỗi trạm y tế trị giá hơn 3 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, 10 năm trở lại đây, sự tăng cường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của ngành Y tế Thái Nguyên đã tạo thuận lợi để nâng cao chất lượng chuyên môn, đáp ứng được nhu cầu khám chữa, bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.
Tuy nhiên, trước đòi hỏi ngày càng cao trong công tác khám, chữa bệnh, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước sẽ không đáp ứng được. Do đó, những năm qua, tỉnh đã chủ trương đa dạng hóa các hình thức chăm sóc sức khỏe để huy động thêm nhiều nguồn lực tham gia cung cấp dịch vụ y tế.
Đồng thời, khuyến khích các đơn vị y tế xã hội hóa như liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Nhờ đó, nhiều cơ sở y tế đã đẩy mạnh công tác xã hội hoá theo những hình thức phù hợp, hiệu quả như: Liên doanh, liên kết với các cá nhân, tổ chức; huy động vốn xã hội hoá thông qua vay vốn ngân hàng, vốn đóng góp cá nhân…
Từ việc liên doanh, liên kết, nhiều cơ sở khám chữa bệnh công lập đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị máy móc như máy chụp cắt lớp vi tính, máy chụp cộng hưởng từ, máy nội soi đường tiêu hóa, máy siêu âm 3D, 4D, máy tán sỏi laser…
Đơn cử như kỹ thuật ghép thận, can thiệp tim mạch, vi phẫu thuật, điều trị đột quỵ tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; hồi sức cấp cứu shock phản vệ, ngừng tuần hoàn, ngừng hô hấp tại Bệnh viện Gang Thép; phát triển kỹ thuật ngoại khoa, chất thương tại Bệnh viện C; Hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện A Thái Nguyên… Kéo theo đó, đời sống của đội ngũ cán bộ, công nhân viên ngành Y cũng được cải thiện.
Dịch COVID-19 được xem như một phép thử đối với năng lực của ngành Y tế Việt Nam. Với nỗ lực của các y, bác sĩ cùng với "vũ khí" ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), các bệnh nhân COVID-19 nặng đã được cứu sống.
Không thể phủ nhận, việc xã hội hóa đầu tư thiết bị y tế, thực tế giúp ngành y tế tận dụng được công nghệ cao, giúp các cơ sở y tế trong điều kiện nguồn vốn hạn chế có thể mở rộng hoạt động phục vụ người dân tại địa phương nói riêng và cả nước nói chung.
Thông qua việc vận hành, khai thác các máy móc hiện đại, các thầy thuốc được cọ xát thực tế, nâng cao tay nghề để phục vụ người dân. Người dân đỡ phải ra nước ngoài khám, chữa bệnh khi trong nước đã có đầy đủ máy móc, điều kiện, với chi phí hợp lý"
Mục đích của công tác xã hội hoá y tế nhằm huy động nguồn lực của toàn xã hội trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo điều kiện để mọi người dân, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại cơ sở, giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, đảm bảo sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Trên tinh thần đó, những kết quả bước đầu trong công tác xã hội hoá y tế đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo ngành y tế, giúp người bệnh được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật cao, song vấn đề hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, sự hài hòa giữa y tế công và tư; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ y tế và nhận thức của người dân... vẫn là những băn khoăn, trăn trở cần sớm được tháo gỡ...