Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Thái Bình: Tăng cường hiệu quả công tác y tế dự phòng

Thứ Năm, 22/12/2016 14:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Y tế dự phòng luôn được xác định là khâu trọng tâm trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân. Từ ngày thành lập năm 1946 đến nay, hệ thống y tế dự phòng đã không ngừng phát triển tại tất cả các xã, thị trấn trong toàn tỉnh, đưa Thái Bình trở thành một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về công tác y tế dự phòng (YTDP).


Ảnh minh họa (Ảnh: Đ.T)
Nhìn lại lịch sử về dịch bệnh nhiều năm qua đã cho thấy, từ dịch đậu mùa những năm 1970, cho đến đại dịch cúm A/H1N1, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng,... dù tình hình dịch trong cả nước có diễn biến phức tạp đến đâu, thì Thái Bình luôn là một trong những tỉnh đi đầu về phòng dịch và hạn chế thấp nhất số mắc, tử vong do dịch. Đặc biệt năm 2014, dịch sởi lan rộng ở nhiều tỉnh thành, song Thái Bình đã khoanh vùng dập dịch thành công, không để xảy ra trường hợp bệnh nhân tử vong, đồng thời luôn chủ động sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh mới, phức tạp. Gần đây nhất, ngành y tế dự phòng đang tăng cường các biện pháp xử lý triệt để nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết và Zika. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh chưa có trường hợp nào nhiễm virus Zika, chưa có địa phương nào để bùng phát dịch sốt xuất huyết.

 Thạc sĩ – Bác sĩ Đặng Thị Trang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin, Trung tâm Y tế Dự phòng Thái Bình cho biết: Đối với các bệnh do véc tơ truyền như Zika, sốt xuất huyết, viêm não nhật bản, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ bổ sung kiến thức cho cán bộ y tế để hướng dẫn các hộ dân, các cộng tác viên truyền thông tốt cách phòng chống các căn bệnh này, đảm bảo điều kiện VSMT.. giải quyết hết các ổ bọ gậy nguồn, giám sát xử lý tốt về véctơ để không có dịch bệnh xảy ra trong thời gian tới.

Để đảm bảo dịch bệnh không xảy ra trên địa bàn tỉnh, trung tâm y tế dự phòng còn làm tốt công tác tiêm chủng. Từ năm 1985, Thái Bình đã được chọn là tỉnh làm điểm về tiêm chủng mở rộng. Từ đó đến nay, ngành y tế luôn xác định tiêm chủng là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Tỉnh cũng chọn ngày 25 hàng tháng là ngày tiêm chủng mở rộng - “Ngày hội của trẻ thơ” và là “Ngày sức khỏe toàn dân”. Hơn 10 năm gần đây, tỷ lệ tiêm đủ mũi các loại vắc xin luôn đạt trên 95% và đồng đều ở quy mô huyện, xã. Công tác an toàn tiêm chủng được tăng cường, hạn chế tối đa các phản ứng sau tiêm.

Thạc sĩ – Bác sĩ Đặng Thị Trang, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin, Trung tâm Y tế Dự phòng Thái Bình cho biết thêm: Trong các buổi tiêm chủng thường xuyên, Trung tâm YTDP và Sở Y tế có các đoàn giám sát hỗ trợ các điểm tiêm để khắc phục các tồn tại và tăng tỷ lệ từng mũi tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra các hệ thống giám sát ở cả cộng đồng và BV đều được đảm bảo và duy trì chặt chẽ theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Song song với phòng chống dịch, Thái Bình cũng là tỉnh tiêu biểu trong thực hiện phòng chống bệnh không lây nhiễm. Hoạt động khám sàng lọc được thực hiện ở tất cả các tuyến với hàng chục ngàn người tham gia. Bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm được quản lý, điều trị tốt, giảm các biến chứng của bệnh. Hệ thống bệnh viện và trung tâm y tế cũng tăng cường công tác truyền thông thay đổi nhận thức của người dân về nguyên nhân gây bệnh, các kiến thức cơ bản, dấu hiệu phát hiện bệnh sớm. Qua đó, giúp người dân chủ động phòng bệnh bằng cách kiểm soát và hạn chế những yếu tố nguy cơ liên quan đến hành vi như hút thuốc lá, dinh dưỡng không hợp lý, lạm dụng bia rượu.

Theo bác sĩ CKII Vũ Đình Triển, trưởng khoa phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm YTDP, chúng tôi cũng chú ý vào CLB sức khỏe ở các xã phường thị trấn. Đây là mô hình rất hiệu quả, tập trung những người bệnh, những người có yếu tố nguy cơ cao hoặc những ai đó quan tâm về bệnh để trao đổi những kiến thức, kinh nghiệm để điều trị và phòng bệnh.

Thời gian qua, ngành y tế cũng chủ động triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia. Công tác phòng, chống HIV/AIDS đã đạt được mục tiêu thiên niên kỷ, tỷ lệ nhiễm mới HIV giảm qua từng năm. Hoạt động điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone được triển khai tích cực tại tất cả các địa phương, đưa Thái Bình trở thành tỉnh tiêu biểu trong cả nước. Bên cạnh đó, Thái Bình cũng đã 3 lần dẫn đầu toàn quốc về phòng, chống bệnh phong. Trong 5 năm gần đây không phát hiện bệnh nhân phong mới. Đồng thời, để làm tốt công tác y tế dự phòng, các hoạt động vệ sinh môi trường, y tế trường học, sức khỏe nghề nghiệp, phỏng chống bệnh xã hội cũng được tăng cường. Tuổi thọ trung bình của người dân ngày càng được nâng cao. Mạng lưới y tế cơ sở toàn tỉnh được kiện toàn với 256 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2, nhiều trạm được đầu tư xây mới. Toàn tỉnh đạt tỷ lệ 8,8 bác sĩ/1 vạn dân và 100% thôn xóm có nhân viên y tế hoạt động. Thái Bình là 1 trong 3 tỉnh đầu tiên đạt chuẩn quốc gia về y tế dự phòng từ năm 2006.

 Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cho biết: Đầu tiên chúng ta phải nói ở Thái Bình là sự quan tâm rất mạnh mẽ của các cấp ủy chính quyền, đặc biệt là tỉnh ủy và UBND tỉnh. Thứ 2 là chúng ta có sự hợp tác rất tốt và tích cực của các ban ngành đoàn thể XH trong tỉnh. Thứ 3 là chúng ta tranh thủ các nguồn lực viện trợ của các tổ chức quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các viện đầu ngành TƯ, và đặc biệt là sự hợp tác của các tổ chức phi chính phủ.

Trong thời gian tới, ngành y tế đang tiếp tục đầu tư mũi nhọn để phát huy, nâng cao năng lực, thế mạnh cho các đơn vị y tế dự phòng, để y tế dự phòng không chỉ thực hiện nhiệm vụ bị động, mà còn chủ động cung cấp dịch vụ. Tập trung củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm y tế xã, thiết lập và phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Đồng thời, tăng cường phát triển dịch vụ y tế theo hướng ngày càng gần gũi hơn với người dân. Đẩy mạnh ứng dụng tin học để phát triển hệ thống quản lý thông tin y tế ngay từ tuyến xã. Ngành y tế cũng xác định việc phát triển y học dự phòng phải gắn liền với y học điều trị để tạo thành sức mạnh tổng hợp, phát huy tối đa điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị phục vụ hiệu quả cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” – đó chính là lý do ngành y tế luôn coi việc phát triển hệ thống y tế dự phòng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thành công của những chiến lược y tế dự phòng có thể cứu sống, kéo dài tuổi thọ và làm thay đổi cuộc sống của cả cộng đồng. Bên cạnh những cố gắng, nỗ lực của đội ngũ cán bộ ngành y và sự chung tay của các cấp các ngành trong tỉnh, rất cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của mỗi người dân, để công tác y tế dự phòng ngày càng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

 

Lê Tuyết

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN