Thái Bình: Chủ động triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử
(ĐCSVN) - Nhằm tin học hóa hồ sơ bệnh án, lưu trữ thông tin toàn diện về sức khỏe và hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người dân, mới đây, Sở Y tế Thái Bình đã ban hành Kế hoạch triển khai phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tại tỉnh Thái Bình.
Ảnh minh họa (Ảnh: Đỗ Thoa)
Theo Sở Y tế Thái Bình, y tế cơ sở đóng vai trò quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân tại địa phương. Trong đó, trạm y tế xã (TYTX) là nơi gần dân, giám sát, phát hiện sớm dịch bệnh, cấp cứu chữa bệnh ban đầu sớm kịp thời cho người dân. Đồng thời là tuyến trước, tuyến đầu trong việc khám chữa bệnh tại địa phương. TYTX hoạt động tốt sẽ làm giảm áp lực quá tải bệnh nhân cho tuyến truyên, giảm bớt chi phí điều trị cho bệnh nhân do khi chuyển lên tuyến trên sẽ tốn kém về chi phí đi lại, ăn ở của bệnh nhân và người theo chăm sóc người bệnh.
Trong những năm qua, mạng lưới y tế cơ sở (bao gồm: Y tế thôn bản, trạm y tế xã, bệnh viện, Trung tâm Y tế huyện) từng bước được củng cố, hoàn thiện và phát triển, phương thức hoạt động đã có đổi mới. Cụ thể, chú trọng vào công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, công tác phòng chống dịch bệnh, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi. Chất lượng dịch vụ y tế tuyến cơ sở ngày càng tăng, một số nơi quản lý được một số bệnh mạn tính ở cộng đồng,…
Nhờ đó, số người đến khám và điều trị tại y tế cơ sở, nhất là các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế đã tăng lên rõ rệt. Trong đó, đã có 80% số xã có đủ điều kiện khám chữa bệnh tại TYTX, khoảng 41% người có thẻ BHYT đã đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu tại TYTX. Nhiều dịch bệnh nguy hiểm được phát hiện và đẩy lùi nhờ vào các hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở.Y tế cơ sở đã góp phần quan trọng trong việc bảo vệ nâng cao sức khỏe nhân dân trong thời gian vừa qua.
Hiện nay, phần lớn các TYTX đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác thu thập, lưu trữ, phân tích, báo cáo và quản lý thông tin. Đã sử dụng máy tính kết nối với tuyến trên trong công tác quản lý, thống kê báo cáo. Tuy vậy, hệ thống thông tin tại tuyến này vẫn còn nhiều hạn chế và không đủ khả năng giúp quản lý sức khỏe và theo dõi, điều trị với các nhóm đối tượng nguy cơ, bệnh nhân cần được theo dõi quản lý tại các tuyến và tại cộng đồng, gia đình.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các TYTX có trách nhiệm lập hồ sơ sức khỏe và tổ chức theo dõi quản lý sức khỏe đến từng người dân, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử tại TYTX, tiếp nhận các thông tin về sức khỏe, tình trạng bệnh; kết quả chiếu, chụp, chẩn đoán, xét nghiệm của người đã đi khám bệnh, chữa bệnh tại tuyến trên để cập nhật các thông tin, chỉ số sức khỏe của người dân vào số sức khỏe điện tử tại TYTX.
Để đáp ứng nội dung này, Sở Y tế Thái Bình xây dựng kế hoạch tập huấn sử dụng phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử triển khai tại tất cả các đơn vị y tế thuộc tỉnh Thái Bình.
Mục tiêu nhằm tin học hóa hồ sơ bệnh án, lưu trữ thông tin toàn diện về sức khỏe và hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của người dân, chia sẻ thông tin cơ bản về sức khỏe, tiền sử bệnh của người dân khi có yêu cầu khám, chữa bệnh với các hệ thống y tế trên quy mô toàn quốc. Qua đó để theo dõi, kiểm tra hoạt động đăng ký khám bệnh và dịch vụ, tiết kiệm thời gian quản lý thống kê, hoạch định chính sách nhằm hướng tới sự hài lòng của người dân.
Bên cạnh đó, hướng đến 100% các đơn vị được cài đặt phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe điện tử. Học viên sau tham gia các khóa học tập huấn nắm vững các nội dung về quản trị hệ thống, nhập dữ liệu, chức năng quản lý, hệ thống các danh mục của các phần mềm để tham gia hỗ trợ triển khai tập huấn phần mềm trong thời gian tới, phục vụ công tác thực hiện tại đơn vị.
Cụ thể, tập trung triển khai tập huấn cho các cán bộ phụ trách công nghệ thông tin của Sở Y tế, các bệnh viện công lập, ngoài công lập, các phòng khám có thanh toán bảo hiểm y tế trong tỉnh, cán bộ thành thạo về máy vi tính tại Trung tâm y tế huyện, thành phố, các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Căn cứ vào tài liệu hướng dẫn sử dụng phần mềm, hướng dẫn trực tiếp học viên thực hành sử dụng phần mềm, nhập dữ liệu hệ thống và khai thác các chức năng của phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử trên máy tính.
Bên cạnh đó, các học viên của Bệnh viên đa khoa tỉnh, bệnh viện đa khoa huyện, thành phố và Trung tâm y tế huyện, thành phố sau tập huấn được coi là giảng viên TOT (giảng viên nguồn) có trách nhiệm hỗ trợ cho cán bộ các đơn vị y tế tuyến dưới.
Nhằm tổ chức thực hiện, Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) bố trí giảng viên hướng dẫn cho các lớp tập huấn, tổ chức giám sát, đánh giá việc tổ chức thực hiện và hiệu quả triển khai.
Sở Y tế Thái Bình xây dựng kế hoạch chi tiết, phối hợp với Cục Công nghệ thông tin tổ chức các lớp tập huấn triển khai đến các đơn vị trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc tổ chức triển khai tại các đơn vị.
Các đơn vị y tế bố trí máy tính, đường truyền internet để kết nối phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử tại đơn vị. Bố trí đầy đủ cán bộ tham dự tập huấn tại tỉnh, đảm bảo chất lượng cán bộ tham gia tập huấn có thể tiếp nhận và sử dụng hiệu quả phần mềm./.