Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

“Tha người trái pháp luật" bị xử lý thế nào?

Thứ Năm, 27/01/2022 21:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội vừa họp kỳ thứ 19, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Khai trừ đảng đối với 4 đảng viên liên quan đến vụ án hình sự "Không truy cứu trách nhiệm hình sự của người có tội" xảy ra tại Công an quận Tây Hồ.

Danh sách gồm ông Phùng Anh Lê, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Công an thành phố Hà Nội; nguyên Trưởng Công an quận, nguyên thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Tây Hồ.

 Ông Phùng Anh Lê khi còn tại chức (Ảnh: Trọng Phú)

Ông Nguyễn Đức Châu, đảng viên Chi bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, nguyên đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Tây Hồ.

Ông Vũ Công Ngọc, nguyên Phó Bí thư Chi bộ Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, nguyên Phó đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an quận Tây Hồ.

Ông Lê Đình Trung, đảng viên Chi bộ Công an, Đảng bộ xã Đồng Quang, nguyên Phó trưởng Công an xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai; nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, Công an quận Tây Hồ.

Trước đó, Cơ quan điều tra VKSND tối cao đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố 4 bị can nói trên về tội "Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù".

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, luật sư Nguyễn Văn Kỹ, Đoàn luật sư tỉnh Bắc Ninh cho biết, theo quy định của pháp luật, tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn (trong cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án hình sự) lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình hoặc vượt ra người phạm vi quyền hạn của mình trả tự do cho người đang bị giam, giữ không đúng với quy định của pháp luật.

Theo Điều 378 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, người phạm tội sẽ đối diện với ba khung hình phạt tuỳ theo mức độ nguy hiểm của hành vi.

Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lạm quyền tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Người được tha trái pháp luật bỏ trốn hoặc có hành vi cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

c) Người được tha trái pháp luật trả thù người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng;

d) Tha trái pháp luật từ 02 người đến 05 người.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Tha trái pháp luật 06 người trở lên;

b) Người được tha trái pháp luật thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài ra, còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Kỹ cũng nhấn mạnh Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã chỉ rõ “lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn” là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống rất nghiêm trọng của một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị, đặc biệt trong lực lượng vũ trang.

Do vậy, đấu tranh loại bỏ nó là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN