Tập trung đào tạo nhân lực y tế cơ sở nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
(ĐCSVN) - Theo Bộ Y tế, hiện nay, còn rất nhiều bệnh nhân vượt tuyến lên bệnh viện Trung ương điều trị không cần thiết vì bệnh hoàn toàn có thể điều trị ở tuyến dưới.
Tuyến cơ sở về cơ bản đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh
Theo thống kê, có đến 35,4% bệnh nhân đến khám chữa bệnh (KCB) ở tuyến trung ương có thể điều trị được ở tuyến tỉnh, huyện và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện. 41,5% bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.
Tuy đã đạt được nhiều kết quả góp phần vào việc nâng cao sức khoẻ người dân nhưng y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ rõ những hạn chế của y tế tuyến cơ sở, trong đó nhấn mạnh, y tế cơ sở vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, chất lượng hiệu quả hoạt động chưa cao. Chưa làm tốt công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu, nhiều người dân chưa quan tâm đến dự phòng, nâng cao sức khỏe, chỉ đến khi có bệnh mới chịu đi chữa. Số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, danh mục thuốc còn ít…
Để triển khai đổi mới hoạt động của trạm y tế (TYT) xã, Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố đại diện cho các vùng để triển khai mô hình điểm. Qua khảo sát, Bộ Y tế cho biết, hiện nay chỉ có 3 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP HCM, Yên Bái có đầy đủ bác sĩ tại các trạm y tế. Hiện còn 8/26 trạm y tế chưa có bác sĩ làm việc tại trạm tế; 9/26 chưa có y sĩ y học cổ truyền, 7/26 chưa có dược sĩ; cơ cấu chưa phù hợp, có vị trí thừa, có vị trí thiếu.
Theo Bộ trưởng, mô hình TYT theo nguyên lý y học gia đình được chú trọng phát triển tại nhiều quốc gia trên thế giới như Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ… và được người dân rất tin tưởng lựa chọn. Bởi thế, đối với các tỉnh có TYT mẫu, Bộ trưởng đặc biệt yêu cầu cần nâng cao chất lượng cán bộ y tế các bác sĩ, chuyên giao kỹ thuật của các bác sĩ tuyến huyện tuyến tỉnh. “TYT cần phòng và quản lý kiểm soát các bệnh không lây nhiễm như tim mạch, ung thư, tiểu đường,…; Tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị cho các phòng khám đạt yêu cầu và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe dự phòng… để người dân không cần lên tuyến trên vừa tốn kém, mất thời gian và lây chéo các bệnh. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường danh mục thuốc, danh mục kỹ thuật để TYT xã phường có thể chăm sóc sức khỏe dự phòng, khám chữa bệnh đỡ tốn kém, đỡ mất thời gian đặc biệt là những người cao tuổi, những bệnh thông thường”, Bộ trưởng nói.
Đặc biệt việc ký kết của các bệnh viện tuyến Trung ương với y tế cơ sở hỗ trợ TYT về nhân nhân lực, chuyển giao các gói chuyên môn, kỹ thuật phù hợp, hỗ trợ bố trí công năng phòng khám, phòng cấp cứu… đặc biệt là phác đồ.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của y tế cơ sở được coi là “người gác cổng” của hệ thống y tế chăm sóc sức khoẻ ban đầu, là nơi dễ tiếp cận với chi phí thấp, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên.
Dự kiến trong năm 2018 sẽ hoàn thành mô hình điểm 26 TYT điểm. Các tỉnh sẽ xây dựng lộ trình triển khai, phấn đấu trong 5 năm (2019-2023) xong hết cả đầu tư, nhân lực và hoạt động của TYT xã theo nguyên lý y học gia đình.
Tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nhân lực y tế cơ sở
Để xây dựng mô hình trạm y tế điểm, cần có cơ chế chính sách đào tạo bổ sung nguồn nhân lực, đặc biệt là đào tạo cán bộ y học cổ truyền, bổ sung kiến thức chuyên môn để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân. Bên cạnh đó, cần có cơ chế đào tạo quản lý, vị trí việc làm, bổ sung kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở.
Trước tình trạng này, Bộ Y tế phối hợp với Liên minh Châu Âu và Ngân hàng Thế giới mở rộng việc đào tạo nhân lực cho tuyến y tế cho các tỉnh khó khăn thông qua Dự án “Giáo dục và đào tạo nhân lực y tế phục vụ cải cách hệ thống y tế” (Dự án HPET). Tại đây, cán bộ y tế sẽ được đào tạo chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình để quản lý các bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng như huyết áp, tiểu đường và thực hiện lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân.
Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ- Đào tạo (Bộ Y tế)- Giám đốc Dự án HPET cho rằng, từ trước đến nay Bộ Y tế có nhiều dự án để đầu tư cho các trường đại học, cao đẳng, hệ thống y tế cơ sở. Tuy nhiên, đó là những đầu tư theo chiều dọc, tức đầu tư cho trang thiết bị, giảng dạy, labor, đầu tư giảng dạy giảng viên mà chưa có dự án nào đầu tư cho đổi mới đào tạo dựa trên năng lực.
Trong khi đó, theo ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên Minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam, hiện EU đang đồng hành cùng Bộ Y tế hỗ trợ xây dựng, xây mới 288 trạm y tế ở 36 tỉnh . Trong khuôn khổ dự án HPET, EU phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Bộ Y tế cung cấp đào tạo cho các đội chăm sóc sức khỏe ban đầu làm việc ở tuyến xã trên địa bàn 10 tỉnh nghèo nhất, cũng như hỗ trợ một phần thí điểm phát triển 26 xã mô hình điểm.
Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, nhằm tăng cường đào tạo nhân lực cho tuyến y tế cơ sở, Bộ Y tế sẽ thực hiện luân chuyển cán bộ. Theo đó, bác sĩ bệnh viện tuyến Trung ương về giúp năng lực chuyên môn cho bệnh viện tuyến tỉnh, bệnh viện tuyến tỉnh giúp cho tuyến huyện, tuyến huyện giúp cho trạm y tế xã.
Theo Bộ Y tế, với các trạm y tế chưa có bác sĩ thì sẽ cử bác sĩ luân phiên về làm việc khoảng 2-3 ngày/tuần/trạm; điều chuyển đi và đến một số y sĩ, điều dưỡng, dược sĩ trung học theo yêu cầu của các trạm... Tăng cường đào tạo nâng cao trình độ cho viên chức tại trạm...
Bộ Y tế cũng cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trung ương, BV tuyến cuối của TP.Hà Nội, TP HCM về hỗ trợ các trạm y tế xã, phường, thị trấn nhằm nâng cao chất lượng KCB giai đoạn 2018-2020 cho 4 tỉnh phía Bắc gồm huyện Bát Xát, Lào Cai; huyện Trấn Yên, Yên Bái; huyện Ba Vì, Đan Phượng, quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Hà Nội và huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.../.