Tập huấn vận hành mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”
(ĐCSVN) - Mô hình Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ em, giáo viên, cán bộ địa phương trong thực thi quyền và bổn phận của trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột, buôn bán, bắt cóc và tảo hôn…
Đồng chí Lý Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lục Ngạn phát biểu tại buổi tập huấn. (Ảnh: Quang Huấn) |
80 đại biểu gồm dẫn trình viên, Ban chủ nhiệm và thành viên câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" (CLB) tại các trường trên địa bàn một số xã của huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) vừa tham gia lớp tập huấn hướng dẫn vận hành CLB, do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tổ chức trong các ngày 29-30/8.
Tại lớp tập huấn, các học viên đã được báo cáo viên giới thiệu về nội dung hoạt động của CLB; quy trình thành lập và vận hành, hoạt động CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại trường học và cộng đồng; phương pháp và kỹ năng tổ chức sinh hoạt CLB; được hướng dẫn thực hành tổ chức sinh hoạt CLB...
Được biết, trước đó, Hội LHPN huyện Lục Ngạn đã phối hợp khảo sát và hướng dẫn thành lập 11 CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các Trường THCS gồm: Phú Nhuận, Đèo Gia, Sa Lý, Phong Minh, Phong Vân, Sơn Hải, Hộ Đáp, Cấm Sơn, Tân Sơn, Tân Lập và Tân Hoa. Mỗi CLB có từ 20 - 25 thành viên là giáo viên, chi hội trưởng phụ nữ, bí thư chi đoàn thôn và học sinh tham gia.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2023, mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” được triển khai nhằm thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới, giải quyết các vấn đề cấp thiết đối trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần nâng cao nhận thức, thái độ và hành vi của trẻ em, giáo viên, cán bộ địa phương trong thực thi quyền và bổn phận của trẻ em, bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức bạo lực, xâm hại, bóc lột, buôn bán, bắt cóc và tảo hôn…
Đồng thời, giúp các thành viên trong CLB nắm bắt được các kiến thức, kỹ năng sống nhằm nâng cao chất lượng vận hành mô hình tại cơ sở. Từ đó cùng chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng trong các buổi sinh hoạt thôn, góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thành viên CLB là những hạt nhân tiên phong trong thực hiện thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, hủ tục trong đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương./.