Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Nậm Pồ (Điên Biên): Sáng tạo trong tuyên truyền bình đẳng giới

Thứ Năm, 21/12/2023 16:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Từ nhiều năm qua, công tác truyền thông chính sách về bình đẳng giới đến cộng đồng và hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số được Hội phụ nữ huyện Nậm Pồ (Điện Biên) triển khai thực hiện hiệu quả. Qua đó, đã giúp chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số có cơ hội tiếp cận chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; tiếp cận mô hình kinh tế thoát nghèo, cải thiện đời sống gia đình; đmạnh dạn, tự tin khẳng định mình cũng như tích cực đóng góp công sức, trí tuệ trong việc phát triển kinh tế, giải quyết việc làm.

leftcenterrightdel
Một buổi đối thoại chính sách với hội viên phụ nữ do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Nậm Pồ tổ chức.

Bà Lầu Thị Liên, Chủ tịch Hội LHPN huyện Nậm Pồ cho biết: Nậm Pồ là huyện nghèo, là huyện vùng cao, miền núi, biên giới của tỉnh Điện Biên với 15 xã; kinh tế phát triển còn chậm, trình độ dân trí không đồng đều, nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế. Với địa hình đồi núi cao, nhiều nơi còn thiếu nước, cùng với khí hậu khắc nghiệt, ở Nậm Pồ tồn tại nhiều phong tục, tập quán lạc hậu, nên đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn. Điều kiện của phụ nữ, trẻ em gái tại các khu vực vùng sâu, vùng xa thiếu thốn, vì vậy vấn đề bình đẳng giới đối với phụ nữ và trẻ em, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” vẫn còn tồn tại ở một bộ phận nhân dân. Những năm gần đây, Hội LHPN huyện đã chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể của huyện và các địa phương triển khai nhiều hoạt động trong việc nâng cao đời sống và chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em, nâng cao nhận thức, thay đổi định kiến và nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho cộng đồng tại những nơi còn khó khăn. Huyện đã thành lập được 5 câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, 20 “Địa chỉ tin cậy”, đã thu hút hàng trăm thành viên tham gia.

Thời gian qua, Hội LHPN huyện Nậm Pồ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai các lớp tập huấn truyền thông về bình đẳng giới, trong đó, các lớp tập huấn chú trọng triển khai các hoạt động truyền thông thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng, nhân rộng các nhóm truyền thông cộng đồng, các tổ tiết kiệm và vay vốn; từ đó tạo quyền năng kinh tế, tiếng nói và sự tham gia của phụ nữ đối với các vấn đề tác động trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Đặc biệt, quá trình tuyên truyền về bình đẳng giới, các hoạt động phổ biến, trang bị kiến thức về bình đẳng giới được tập trung chú trọng cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; cụ thể về về nội dung vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm góp phần xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em; xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ...

Hội viên phụ nữ tham gia buổi đối thoại chính sách nâng cao quyền năng của phụ nữ trong cộng đồng.

Theo Chủ tịch Hội LHPN huyện Nậm Pồ, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của các cấp và Hội Phụ nữ tỉnh Điện Biên, Hội LHPN huyện Nậm Pồ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, xây dựng kế hoạch thực hiện công tác bình đẳng giới và công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ theo giai đoạn và hằng năm với các mục tiêu, hoạt động cụ thể.

Để công tác tuyên truyền về bình đẳng giới (trong đó có lĩnh vực bình đẳng giới trong gia đình ở các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn) đạt hiệu quả, Hội LHPN huyện Nậm Pồ đã chủ động kết nối để chuyển tải, chiếu phát các phóng sự, xây dựng các tiểu phẩm và tổ chức đón tổ chức của tỉnh về địa phương để tuyên truyền về bình đẳng giới tại các buổi họp thôn, xóm và trong các chương trình của Hội Phụ nữ các xã tổ chức. Các hoạt động về bình đẳng giới ở địa phương được huyện tổ chức lồng ghép với các hoạt động Hội phụ nữ, đặc biệt trong các cuộc họp thôn, xóm, hoạt động của hội, nhất là hoạt động tuyên truyền trong các tổ hợp tác, tổ liên kết phát triển kinh tế.

Tiêu biểu như tại xã Nà Bủng, hội viên phụ nữ dân tộc Mông đã thành lập mô hình "Thêu may trang phục Dân tộc Mông". Mô hình này, chị em phụ nữ vừa hỗ trợ sản xuất các sản phẩm để tạo nguồn hàng xuất khẩu, đồng thời mô hình tập trung các phụ nữ cùng tham gia giữ gìn nét văn hóa của người phụ nữ Mông, đồng thời hàng tháng chị em phụ nữ ở tổ hợp tác thường xuyên tổ chức các buổi họp vừa rút kinh nghiệm, vừa trao đổi chia sẻ về phát triển kinh tế. Thông qua các hoạt động này, LHPN huyện Nậm Pồ và xã Nà Bủng tổ chức các hoạt động hỗ trợ mô hình phát triển, đồng thời tổ chức các hoạt động tuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới cho chị em phụ nữ nơi đây.

Chia sẻ về mô hình "Thêu may trang phục Dân tộc Mông" tại xã Nà Bủng, Phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Nậm Pồ Trần Thị Yến cho biết: Mô hình này được Hội phụ nữ huyện đã trao vốn từ quỹ “Vì đồng bào” số tiền 100 triệu đồng để chị em phụ nữ tại xã Nà Bủng giúp nhau sản xuất. Mô hình này không chỉ giúp chị em phụ nữ biết thêu thùa mà còn giúp chị em làm ra sản phẩm và bán lấy tiền từ đó có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Chị em có thể tranh thủ những lúc nhàn rỗi để may vá nên thuận tiện cho chị em vừa làm vừa chăm lo cho gia đình. Đặc biệt, mô hình này là sợi dây liên kết các chị em và thông qua hoạt động của tổ liên kết, hội phụ nữ đã lồng ghép và tổ chức nhiều hoạt động bình đẳng giới, từ đó phát huy được vai trò, thế mạnh của mình trong cộng đồng.

Hội viên phụ nữ của huyện Nậm Pồ tham gia sinh hoạt và đóng góp ý kiến xây dựng địa phương,phát huy được vai trò, thế mạnh của mình trong cộng đồng. 

Cùng các với các hoạt động tuyên truyền bình đẳng giới, thời gian qua, Hội LHPN huyện Nậm Pồ chủ động biên soạn và phát hành hơn 4.000 tài liệu, cùng các tờ rơi tuyên truyền về pháp luật về hôn nhân và gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới. Cùng với đó, tổ chức hàng trăm buổi truyền thông nói chuyện chuyên đề trực tiếp tại cộng đồng về pháp luật bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ; tập huấn cho nhiều giáo viên giáo viên dạy môn Giáo dục công dân về bồi dưỡng kiến thức pháp luật, trong đó có chuyên đề bình đẳng giới. Trong các trường học, tổ chức nhiều sinh hoạt ngoại khóa về bình đẳng giới…

Cô giáo Vừ Thị Kía, giáo viên trường Mầm non xã Vàng Đán (Nậm Pồ, Điện Biên) chia sẻ, cùng với công việc của mình chăm lo, nuôi dạy các em học sinh ở điểm trường, được chính quyền địa phương và Hội Phụ nữ của Trường mời tham gia các buổi tập huấn, tuyên truyền các chính sách về bình đẳng giới và bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái. Thông qua các buổi lớp học, các thầy cô giáo nâng cao nhận thức hơn trong việc thực hiện bình đẳng giới trong cuộc sống, cùng với đó có thêm hiểu, kiến thức chia sẻ, tham gia hỗ trợ các hội viên phụ nữ cũng như các bậc phụ huynh của các em trong thôn, bản của điểm trường, từng bước nâng cao nhận thức, thực hiện bình đẳng giới, từ đó nâng cao và phát huy vị thế của phụ nữ trong cộng đồng và bảo vệ trẻ em gái có điều kiện tốt hơn phát triển.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, trong gian tới các cấp Hội LHPN huyện Nậm Pồ tiếp tục đầu tư các nguồn lực và đẩy mạnh hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đồng thời lan tỏa các mô hình tiết kiệm, các phong trào hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế nhằm tạo động lực để hội viên, phụ nữ vùng biên giới Nậm Pồ từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Cùng với đó, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể các cấp thực hiện tốt công tác truyền thông về bình đẳng giới. Đẩy mạnh triển khai xây dựng các mô hình, hoạt động đa dạng, cụ thể, phù hợp với thực tế của từng thôn, bản, xã, thị trấn. Đề ra những giải pháp căn cơ, nguyên nhân và giải quyết tận gốc rễ vấn đề bình đẳng giới ở địa phương, triển khai mạnh mẽ kêu gọi mỗi người, mỗi gia đình và cộng đồng tiếp tục kiên trì đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình, xóa bỏ bất bình đẳng giới bằng những hành động thiết thực, cụ thể để cuộc sống của mọi người được hạnh phúc hơn trong sự tôn trọng, thương yêu, bình đẳng cũng như nâng cao hiểu biết và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bình đẳng giới./.

bài và ảnh: Song Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN