Kiên Giang phát triển kinh tế dưới tán rừng phòng hộ
Rừng phòng hộ ven biển ở Kiên Giang đóng vai trò quan trọng trong phòng hộ, bảo vệ đê biển, chống sạt lở. Nhằm khuyến khích việc trồng và bảo vệ rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép người dân được nhận giao khoán đất rừng phòng hộ để trồng 70% diện tích cây rừng và khai thác 30% diện tích mặt nước để nuôi thủy sản và các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ. Qua đó, đã giúp cho nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ các mô hình sản xuất dưới tán rừng.
Huyện Hòn Đất có hơn 50km chiều dài bờ biển, chạy dọc theo bờ biển là những cánh rừng phòng hộ ven biển xanh bạt ngàn. Dưới sự chăm sóc của người dân, rừng phòng hộ tại đây ngày càng mở rộng, mỗi năm có thêm hàng chục hécta rừng được trồng mới. Những cây mắm, cây đước bám rễ chắc chắn dưới nước đã trở thành lá chắn vững chắc để bảo vệ bờ biển khỏi tình trạng sạt lở. Nhằm khuyến khích người dân trồng và bảo vệ rừng, Nhà nước đã cho phép người dân nhận giao khoán được phép khai thác 30% diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản. Chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp huyện tích cực hỗ trợ người dân giao khoán cả về vốn, kinh nghiệm sản xuất, triển khai nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản phù hợp với hệ sinh thái dưới tán rừng, giúp người dân từng bước nâng cao đời sống, vươn lên làm giàu chính đáng, tiếp tục đồng hành với Nhà nước trong việc giữ và bảo vệ rừng phòng hộ.
Ông Lâm Thanh Hòa - Giám đốc Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Lình Huỳnh cho biết: “Trước đây, các hộ nhận giao khoán đất rừng mưu sinh chủ yếu từ việc khai thác nguồn thủy sản tự nhiên, nhưng nhiều năm khai thác nguồn thủy sản dần cạn kiệt, khiến đời sống nhiều hộ dân gặp khó khăn. Từ khi người dân được cho phép khai thác 30% diện tích mặt nước để nuôi trồng thủy sản, bà con bắt đầu khai phá, đào ao làm vuông thả nuôi nhiều đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao như nuôi tôm xen cua, sò huyết, ba khía, cá bống mú... Với hệ sinh thái rừng ngập mặn, nguồn thức ăn tự nhiên phong phú, dồi dào giúp cá tôm lớn nhanh, người dân ít tốn chi phí đầu tư thức ăn nên lợi nhuận từ các mô hình nuôi trồng thủy sản dưới tán rừng cao hơn”.
Người dân cùng cán bộ thăm rừng phòng hộ |
Ông Trần Duy Khanh ở ấp Vàm Biển, xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) cho biết, khi mới nhận đất giao khoán đã nuôi trồng thủy sản nhưng không cho hiệu quả, gia đình ông đã cải tạo và phân khu để nuôi cá bóng mú, tôm. “Với hơn 2 ha mặt nước nuôi, tôi thả trung bình từ 2.000 - 5.000 con cá giống, thu hoạch khoảng 2 - 3 tấn cá/năm. Nhờ nguồn thức ăn chủ yếu từ tự nhiên nên lợi nhuận khá cao, khoảng 200 - 300 triệu đồng/năm”.
Gia đình ông Danh Trung ở xã Thổ Sơn, huyện Hòn Đất từng thuộc diện hộ Khmer nghèo nên ông được chính quyền địa phương giao khoán 3 ha đất rừng, vừa để chăm sóc, bảo vệ rừng, vừa để nuôi trồng thủy sản. Ông mua cua giống và tôm sú về thả vào vuông, đồng thời cải tạo nguồn nước, nguồn thức ăn tự nhiên. Nhờ đó, gia đình thu hoạch hơn 1 tấn tôm, cua, cá; lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm”.
Ông Dương Minh Tâm, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hòn Đất cho biết, các mô hình kinh tế dưới tán rừng phòng hộ trên địa bàn đã phát huy hiệu quả, giúp cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. “Để phát triển bền vững mô hình thủy sản dưới tán rừng, huyện sẽ tiếp tục đầu tư, triển khai các chương trình, dự án hỗ trợ người dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kết hợp với du lịch sinh thái dưới tán rừng”.
Nông dân xã Lình Huỳnh, huyện Hòn Đất thu hoạch tôm dưới vuông trong khu vực rừng phòng hộ |
Theo ông Lê Hữu Toàn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, đến nay, tỉnh đã giao khoán cho trên 1.900 hộ dân thực hiện trồng rừng và khai thác diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản. Ông Lê Hữu Toàn thông tin: “Thành công của các mô hình kinh tế dưới tán rừng là hướng đi đúng cho người dân trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, góp phần vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ven biển”.
"Để phát triển bền vững mô hình thủy sản dưới tán rừng, tỉnh tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết sản xuất tạo đầu ra ổn định; quan tâm đầu tư, triển khai những chương trình, dự án hỗ trợ người dân tham gia, tiếp cận các tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất và nuôi trồng thủy sản, kết hợp phát triển du lịch sinh thái dưới tán rừng. Cùng đó, ngành nông nghiệp tỉnh tăng cường chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt quan trắc môi trường, kiểm tra chất lượng nguồn nước, con giống đảm bảo cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản của người dân”, ông Toàn nhấn mạnh.