Tạo “đường băng” để Hải Dương “cất cánh”
(ĐCSVN) – Để hoàn thành những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, tỉnh Hải Dương đã và đang nỗ lực để tạo thế và lực mới, tạo nền tảng vững chắc, tạo “đường băng” để có thể “cất cánh” trong những năm tiếp theo.
(ĐCSVN) – Để hoàn thành những mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, tỉnh Hải Dương đã và đang nỗ lực để tạo thế và lực mới, tạo nền tảng vững chắc, tạo “đường băng” để có thể “cất cánh” trong những năm tiếp theo.
Đó là những chia sẻ của đồng chí Triệu Thế Hùng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương với phóng viên nhân dịp đầu Xuân mới.
PV: Thưa đồng chí, có nhận định cho rằng, năm 2021 là một năm đặc biệt tạo nên “ấn tượng Hải Dương”. Xin đồng chí phân tích rõ hơn về nhận định này?
Đ/c Triệu Thế Hùng: Đúng là năm 2021 có thể nói là một năm đặc biệt, tỉnh Hải Dương bước vào năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2026 với nhiều khó khăn thách thức do tác động tiêu cực, liên tục của các đợt dịch Covid-19. Đặc biệt, đợt dịch thứ 3 diễn ra vào dịp Tết nguyên đán là thách thức y tế lớn nhất từ trước tới nay thu hút sự quan tâm của Trung ương và Nhân dân cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm, các hoạt động kinh tế - xã hội hầu như “đóng băng”, toàn tỉnh dốc sức cho công tác chống dịch, kinh tế tăng trưởng âm trong quý I. Tuy nhiên, với tinh thần “vượt khó - tăng tốc”, các cấp ủy đảng, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, tỉnh đã đoàn kết, cố gắng vượt bậc để vượt qua khó khăn, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và và nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng. Kết thúc năm 2021, Hải Dương đã đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu phấn đấu của năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 8,6%, cao thứ 8/63 cả nước và thứ 4/11 trong vùng đồng bằng sông Hồng (sau Hải Phòng, Quảng Ninh và Hà Nam).
Quy mô nền kinh tế năm 2021 (theo giá hiện hành) ước đạt 149.090 tỷ đồng, đứng thứ 11/63 toàn quốc. Tổng thu ngân sách toàn tỉnh đạt 20.812 tỷ đồng, vượt 60% so với dự toán giao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 77 triệu đồng, đứng thứ 16/63 trong toàn quốc.
Lĩnh vực văn hóa, xã hội được duy trì tốt, giáo dục và đào tạo thu được kết quả nổi bật; công tác quốc phòng, quân sự địa phương được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Dù chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19, trong quý I, lần đầu tiên công nghiệp tăng trưởng âm trong hơn 20 năm qua; nhưng các quý còn lại trong năm sản xuất công nghiệp nhanh chóng phục hồi và đều tăng trưởng trên 20%.
Đặc biệt, trong năm qua, Hải Dương đã thành lập mới 4 khu công nghiệp, mở rộng thêm được 1 khu công nghiệp và hiện nay đang giải phóng mặt bằng và thi công hạ tầng để tạo ra bất động sản công nghiệp để thu hút vốn đầu tư với tổng diện tích là 1.170 ha. Đây là điều rất quý bởi hiện nay hạ tầng về công nghiệp cho thuê đang rất thiếu ở khu vực đồng bằng sông Hồng. Có được diện tích này chính là động lực tăng trưởng cho năm 2022.
Năm 2021, Hải Dương đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Toàn bộ 178 xã trong tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 12 huyện, thị xã, thành phố hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp huyện. Tỉnh cũng đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và 43 xã đã về đích nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, tỉnh Hải Dương đã thực hiện tốt các nhiệm vụ quan trọng như, tổ chức thành công Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới toàn tỉnh; cơ bản hoàn thành nhiệm vụ lập “Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; Tập trung xây dựng chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII...
Có thể khẳng định rằng, kết quả đạt được trong năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, tạo cơ sở vững chắc để Hải Dương tiếp tục phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2021-2025 đã đề ra. Thành quả trong gian khó đã tạo niềm tin, động lực và khí thế mới để chúng tôi bước vào năm 2022 với những mục tiêu mới.
PV: Xin được chúc mừng tỉnh Hải Dương đã đạt được những kết quả ấn tượng năm 2021, đặc biệt là nửa cuối năm 2021. Tuy nhiên, thưa đồng chí, Hải Dương cũng đã sớm nhận rõ những “điểm nghẽn” trong việc phát triển kinh tế - xã hội trong năm qua, đồng chí có thể chia sẻ về điều này?
Đ/c Triệu Thế Hùng: Chúng tôi nhận định rằng, cùng với những khó khăn do tác động trực tiếp không nhỏ do đại dịch COVID-19 đem tới, thì những hạn chế, những “điểm nghẽn” liên quan tới nguyên nhân chủ quan là điều cần tập trung khơi thông để phát triển. Trong năm qua, thu hút đầu tư FDI chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lượng doanh nghiệp dừng sản xuất, phá sản còn nhiều; chỉ tiêu thành lập doanh nghiệp mới chưa đạt yêu cầu; giá trị xây dựng giảm; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội năm 2021 (giảm 3,3% so với 2020). Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư có chuyển biến nhưng chưa mạnh mẽ, vẫn còn một số điểm nghẽn. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của một số dự án còn vướng mắc, chưa được giải quyết dứt điểm, làm chậm tiến độ thực hiện đầu tư dự án; Tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công còn chậm…
PV: Năm 2022, Hải Dương chọn chủ đề là “Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá”. Vế đầu tiên là vấn đề chung của cả nước, còn vế sau, vì sao Hải Dương chọn là “tăng trưởng bứt phá”, thưa đồng chí?
Đ/c Triệu Thế Hùng: Từ những phân tích của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và qua thảo luận tại kỳ họp cuối năm HĐND, chúng tôi đã thống nhất chọn chủ đề trên. Năm 2022 dự báo tiếp tục sẽ có những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, việc xuất hiện biến chủng mới tiếp tục là một lời cảnh báo trên toàn cầu trong phòng chống Covid - 19. Tuy nhiên, với những kết quả đáng phấn khởi đã đạt được của năm 2021, chúng tôi tự tin bước vào năm 2022 với quyết tâm chính trị cao và khát vọng phát triển vươn lên mạnh mẽ.
Cơ sở để chúng tôi đặt ra mục tiêu đó như trên cũng đã phân tích, bởi vì năm 2021 là năm chúng tôi vừa chống dịch, vừa thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống nhân dân nhưng cũng là năm tạo nền tảng cho 4 năm, cho 10 năm. Đặc biệt năm 2022, có sự phát triển mạnh mẽ hơn vì chúng tôi đã hoàn thiện xong quy hoạch. Muốn phát triển được phải có quy hoạch, quy hoạch chính là “đường băng” để có thể “cất cánh”.
Cũng trong năm 2021, tỉnh đã có sự chuẩn bị đầu tư, các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài. Ngân sách nhà nước đang chuẩn bị tích cực ở năm 2021 và sẽ được giải ngân, khởi công vào năm 2022. Cuối năm 2021 sẽ có hàng loạt công trình được triển khai với tổng số vốn hàng nghìn tỷ đồng.
PV: Như đồng chí vừa nói, năm 2022, tỉnh Hải Dương đặt ra nhiều mục tiêu khá cao, đòi hỏi sự chuẩn bị chủ động, quyết liệt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành và sự nỗ lực của tất cả các cấp, các ngành, tỉnh đã có những giải pháp nào để hoàn thành các mục tiêu đề ra?
Đ/c Triệu Thế Hùng: Chúng tôi có quan điểm rằng: “Tư tưởng thông thì không ngại việc”, để hoàn thành các mục tiêu đề ra phải tạo được sự thống nhất, đồng lòng trong tư tưởng, ý chí thì mới có hành động quyết liệt. Phát triển không chỉ là mục tiêu mà đó là khát vọng. Trong năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, đã khơi dậy khát vọng phát triển mạnh mẽ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là yếu tố rất quan trọng để tạo động lực thực hiện các mục tiêu trong những năm tới.
Năm 2022, chúng tôi phấn đấu đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu chủ yếu, trong đó phấn đấu tổng giá trị sản phẩm trong tỉnh tăng từ 10% trở lên. Đây là mức phấn đấu tăng trưởng 2 con số, vượt trội, đòi hỏi cả hệ thống chính trị phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, cách làm quyết liệt, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh, chúng tôi xác định tập trung thực hiện tốt 10 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, chủ động kiểm soát, thích ứng linh hoạt, an toàn với đại dịch Covid-19 nhất là với chủng với biến chủng mới; thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh Covid-19 và đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội;
Hai là, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2050, đồng thời tiếp tục điều chỉnh quy hoạch các vùng huyện, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai cho phù hợp với quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, tập trung chỉ đạo và huy động tối đa các nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, đề án, các công trình, dự án trọng điểm thực hiện nghị quyết thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nhất là các dự án đầu tư phát triển hạ tầng về giao thông, khởi công xây dựng các tuyến đường kết nối liên vùng trong tỉnh và ngoài tỉnh nhằm mở rộng không gian phát triển mới.
Bốn là, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư FDI; tổ chức đa dạng các hình thức xúc tiến đầu tư từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó đặc biệt chú trọng thu hút các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Âu...
Năm 2022, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo mở một chiến dịch thu hút mạnh mẽ FDI thông qua xúc tiến đầu tư để nhanh chóng lấp đầy khu công nghiệp với diện tích khoảng 1.170 ha và 20 cụm công nghiệp với diện tích 1.244 ha, tổng diện tích khoảng 2.414 ha. UBND tỉnh cùng với các địa phương tập trung cao độ tháo gỡ khó khăn đẩy mạnh triển khai hạ tầng của 6 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp và tiếp tục hoàn thiện thủ tục đầu tư các khu, cụm công nghiệp mới. Tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn của các công ty, tập đoàn kinh tế lớn nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.
Giai đoạn 2021 -2030, sẽ có 15 khu công nghiệp được quy hoạch với tổng diện tích 10.000 ha. Đặc biệt trong đó, Hải Dương quy hoạch vùng công nghiệp động lực tại hai huyện Bình Giang và Thanh Miện với diện tích trên 6.000 ha; đây là vùng công nghiệp có nhiều khả năng được chấp thuận là khu kinh tế vì có vị trí thuận lợi thu hút đầu tư FDI, nằm ngay nút giao kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5A, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 25 phút và cảng Hải Phòng khoảng 60 phút di chuyển. Chúng tôi xác định đây sẽ là vùng tạo động lực phát triển cho cả vùng và khu vực.
Năm là, tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Thực hiện tốt phương châm "đồng hành với doanh nghiệp, coi sự phát triển của doanh nghiệp là sự phát triển của tỉnh"; định kỳ ít nhất 6 tháng 1 lần cấp tỉnh, cấp huyện gặp gỡ, tổ chức đối thoại, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi và phát triển. Rà soát, rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục đầu tư, kinh doanh; siết chặt kỷ cương, kỷ luật công vụ của cán bộ, công chức trong việc giải quyết các thủ tục liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp.
Sáu là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các công trình, dự án trên địa bàn; xác định năm 2022 là năm giải phóng mặt bằng của chính quyền các cấp trong tỉnh; trước mắt cần đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng các khu, cụm công nghiệp, các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm; chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc giải phóng mặt bằng.
Bảy là, tập trung thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư. Tập trung nguồn lực cho Quỹ phát triển đất của tỉnh để thực hiện nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất “sạch” đấu giá quyền sử dụng đất, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Huy động tối đa các nguồn vốn cho đầu tư phát triển, phấn đấu tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 35% trở lên so với tổng giá trị sản phẩm trong tỉnh, trong đó đẩy mạnh xã hội hóa thu hút đầu tư cho y tế, giáo dục. Khẩn trương triển khai các dự án đầu tư công, tập trung vào các công trình trọng điểm hạn chế tối đa các công trình nhỏ lẻ, phân tán. Tăng cường quản lý nhà nước sau đầu tư, kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai, để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tám là, triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/TU về chuyển đổi số; tập trung ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng chính quyền số, đẩy mạnh cải cách hành chính, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số. Trong đó, chú trọng ứng dụng chuyển đổi số cho việc xúc tiến thương mại điện tử kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý đất đai, khoáng sản.
Chín là, tiếp tục đổi mới các hoạt động giáo dục và đào tạo. Quan tâm xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Phát huy các giá trị văn hóa và chăm lo xây dựng con người xứ Đông - Hải Dương phát triển toàn diện. Chú trọng các giải pháp chuẩn bị nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh. Quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, cách mạng; phát triển đồng bộ các thiết chế văn hóa, thể thao. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trọng tâm là giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững. Nâng cao thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần và cải thiện chất lượng, môi trường sống của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn.
Mười là, tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác quốc phòng - an ninh; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện…
PV: Ngay trong những ngày trước Tết, Hải Dương đã liên tiếp có những tín hiệu tích cực từ công tác xúc tiến đầu tư, xin đồng chí cho biết rõ hơn về vấn đề này?
Đ/c Triệu Thế Hùng: Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc, Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cùng với các hoạt động chung, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cùng đoàn công tác cũng đã nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư cho tỉnh. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp, Việt Nam - Hàn Quốc tổ chức ký kết, trao 15 bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư giữa các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp hai nước. Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến Hải Dương, tỉnh Hải Dương đã ký, trao 4 bản ghi nhớ hợp tác với Công ty Daewoo D&C, Hiệp hội Năng lượng, Hiệp hội Smart City Hàn Quốc và Công ty Sein I&D. Các doanh nghiệp này mong muốn được đầu tư vào Hải Dương trong các lĩnh vực phát triển hạ tầng khu công nghiệp - đô thị, phát triển đô thị thông minh theo định hướng phát triển của tỉnh và tỉnh Hải Dương đã cam kết, sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, cùng các doanh nghiệp sớm triển khai các bản MOU đã ký.
Ngay sau chuyến đi này, ngày 3/12/2021, Công ty cổ phần Đại An ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác đầu tư với Công ty TNHH SEIN I&D Việt Nam (doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Hàn Quốc) để đầu tư Dự án Khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ Gia Lộc, diện tích 490 ha, với tổng vốn đầu tư 298 triệu USD.
Cùng trong thời điểm này, Công ty Daewoo E&C cũng đã nghiên cứu kỹ tiềm năng, cơ hội đầu tư tại Hải Dương. Sau khi tìm hiểu 6 khu công nghiệp (KCN) đang xây dựng, doanh nghiệp mong muốn tham gia phát triển KCN Gia Lộc theo hướng tích hợp KCN với đô thị. Nếu được tỉnh tạo điều kiện, công ty sẽ xây dựng tổ hợp công nghiệp, dịch vụ hàng không và thành phố quốc tế tại khu vực này.
Tiếp đó, ngày 10/1, UBND tỉnh và Công ty SMCity Hàn Quốc, Công ty TNHH Orgel Việt Nam đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư. Trong đó, Công ty SMCity Hàn Quốc và Công ty TNHH Orgel Việt Nam đang khảo sát vị trí đầu tư dự án khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ trên địa bàn huyện Tứ Kỳ với tổng diện tích hơn 300 ha, tiếp giáp địa bàn TP Hải Dương, ven sông Thái Bình.
Đây là những chuyển động tích cực, là niềm vui của tỉnh khi các doanh nghiệp có sự tin tưởng và chọn đầu tư mà Công ty cổ phần Đại An là doanh nghiệp tiên phong trong sự thay đổi này, góp phần cùng chính quyền tỉnh nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường hoạt động xúc tiến; từ đó gia tăng chất lượng dòng vốn. Với những tin vui đầu tiên này, chúng tôi hy vọng sẽ liên tiếp các tín hiệu vui khác trong năm 2022.
PV: Xin cảm ơn đồng chí đã trả lời phỏng vấn! Chúc tỉnh Hải Dương sớm hoàn thành các mục tiêu đề ra năm 2022!