Quan sát các lớp học trực tuyến của Trường Việt ngữ Cây Tre, tôi nhận thấy không khí lớp học diễn ra khá sôi sổi, các em rất hào hứng với việc luyện nói, luyện viết tiếng Việt. Những nét chữ trở nên tròn trịa hơn, những câu từ được phát âm rõ ràng hơn, truyền cảm hơn, những câu chuyện về lịch sử, văn hoá của Việt Nam được các em nhỏ người Việt sinh sống tại Nhật Bản biết đến nhiều hơn… Đó là niềm vui lớn của các giáo viên đang dạy tình nguyện tại Trường Việt ngữ Cây Tre (Osaka, Nhật Bản).
Hơn 100 em học sinh trong độ tuổi từ 5 đến 14 đã đăng ký tham gia các lớp học tiếng Việt tại Trường Việt ngữ Cây Tre. |
Trường Việt ngữ Cây Tre là ngôi trường hoạt động dưới sự bảo trợ của Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; do Hội Phụ nữ Việt Nam vùng Kansai, Hội Liên lạc với người Việt Nam ở nước ngoài, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp tổ chức.
Hơn 100 em học sinh trong độ tuổi từ 5 đến 14 đã đăng ký tham gia các lớp học tiếng Việt do trường tổ chức. Duy trì theo hai hình thức học trực tiếp (khoảng 30 em) và học trực tuyến (khoảng 70 em), các lớp học tiếng Việt là hoạt động thiết thực và ý nghĩa nhằm hưởng ứng Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” giai đoạn 2023 - 2030.
Chia sẻ về Trường Việt ngữ Cây Tre, bà Lê Thương - Hiệu trưởng Nhà trường cho biết: “Trường học tiếng Việt là một dự án giáo dục mà chúng tôi ấp ủ từ rất lâu. Ngoài việc đào tạo tiếng Việt thì chúng tôi còn tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa hướng về cội nguồn, khơi gợi tình yêu quê hương, đất nước thông qua hình ảnh ngôi trường làng có cây tre - một hình ảnh rất quen thuộc của mỗi làng quê Việt Nam. Cá nhân tôi xuất thân từ nông thôn nên tôi rất mong muốn thông qua hình ảnh cây tre để giáo dục lòng yêu nước, ý thức cội nguồn. Chúng tôi tạo ra một môi trường cho các gia đình Việt Nam giao lưu, không chỉ về ngôn ngữ mà còn về văn hóa, về kinh nghiệm sống của người Việt Nam khi sống ở nước ngoài”.
Để đảm bảo việc học cho các em tại các trường học ở nước sở tại, Trường Việt ngữ Cây Tre duy trì các lớp học tiếng Việt theo hai hình thức: Học trực tiếp (khoảng 30 em) và học trực tuyến (khoảng 70 em). |
Theo bà Lê Thương, các lớp học tiếng Việt tại trường được tổ chức miễn phí, được gây dựng từ tâm huyết của đội ngũ giáo viên cũng như những người sáng lập chương trình với hy vọng sẽ là cầu nối hữu nghị giữa hai nước Việt Nam- Nhật Bản. Trường đã xây dựng các khóa học tiếng Việt đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng người học như: Tiếng Việt sơ cấp; Tiếng Việt giao tiếp; Tiếng Việt thực hành; Tiếng Việt cho người đi làm... các Hội thi tiếng Việt cũng góp phần lan tỏa phong trào và tinh thần học sôi nổi đến thế hệ trẻ.
Tại các lớp học, các em được học cách đọc, viết và sử dụng tiếng Việt |
Phát biểu nhân dịp khai giảng lớp học "Tiếng Việt yêu thương" cho trẻ em người Việt Nam thế hệ thứ 2, thứ 3 tại khu vực Kansai (Nhật Bản), ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao khẳng định: “Lớp học Tiếng Việt yêu thương sẽ tạo môi trường học tập sinh động, hiệu quả và tràn đầy tình yêu thương, góp phần nuôi dưỡng trong các cháu văn hóa cội nguồn của tổ tiên. Điều đó sẽ giữ cho tâm hồn Việt Nam được trường tồn ở bất cứ nơi nào có người Việt sinh sống”.
Với sự tham gia của 14 giáo viên tình nguyện, các lớp học của Trường Việt ngữ Cây Tre được tổ chức trực tiếp mỗi thứ bảy hàng tuần. Giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn là người truyền đạt những kiến thức về lịch sử, văn hoá của Việt Nam đến các em nhỏ người Việt đang học tập, sinh sống tại Nhật. Bên cạnh đó, trường cũng mở rộng các lớp học trực tuyến để tạo cơ hội cho nhiều em học sinh từ các tỉnh, thành khác nhau tại Nhật dễ dàng tiếp cận với giáo dục tiếng Việt.
Giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn là người truyền đạt những kiến thức về lịch sử, văn hoá của Việt Nam đến các em nhỏ người Việt đang học tập, sinh sống tại Nhật. |
Cô Thu Công - một giáo viên tình nguyện dạy tiếng Việt tại Trường Việt ngữ Cây Tre chia sẻ: “Tôi có hai có con nhỏ, một bé 5 tuổi và một bé 8 tuổi - hai bạn đang theo học tại các trường mẫu giáo và tiểu học ở Nhật. Ngoài thời gian học tập tại các trường sở tại, tôi mong muốn cho con được tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Việt. Giữ gìn ngôn ngữ tiếng Mẹ đẻ luôn là điều đau đáu trong lòng những người xa quê như chúng tôi. Đây cũng chính là lý do khiến tôi tham gia dạy tiếng Việt tại Trường Việt ngữ Cây Tre”.
Lễ khai giảng lớp tiếng Việt miễn phí cho trẻ em năm học 2024 - 2025, tại Trung tâm Văn hóa Thành phố Higashi Osaka. |
Theo cô Thu Công, cùng với nhiều thuận lợi là sự quan tâm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, việc dạy và học tiếng Việt của cô và trò cũng gặp không ít khó khăn. Các giáo viên tham gia giảng dạy đều là các tình nguyện viên, chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, trong khi chưa có giáo trình giảng dạy chuyên biệt dành cho học sinh, trẻ em Việt Nam ở Nhật Bản. Hiện tại, các cô vẫn duy trì việc dạy tiếng Việt theo giáo trình của học sinh tiểu học ở Việt Nam nên gặp không ít khó khăn.
Chia sẻ thêm về những khó khăn trong quá trình giảng dạy tiếng Việt, cô Đinh Nhung – một giáo viên tình nguyện vừa dạy văn hoá và dạy múa hát cho các con cho biết: “Các con ở nhiều độ tuổi khác nhau, lại rải rác ở nhiều nơi nên việc tiếp nhận có sự khác nhau. Chúng tôi mong có các giáo trình và phương pháp giảng dạy phù hợp với từng độ tuổi. Bên cạnh đó, sự ủng hộ và quan tâm của phụ huynh cũng là một điều rất quan trọng để giúp việc dạy và học tiếng Việt đạt kết quả tốt”.
Cô và trò tại các lớp học tiếng Việt trong bộ đồng phục của trường. |
Là phụ huynh có con tham gia lớp học tiếng Việt của Trường Việt ngữ Cây Tre, anh Hoàng Văn Hoà (phụ huynh cháu Yuki) chia sẻ: “Con sinh ra tại Nhật, nếu không biết tiếng mẹ đẻ là một điều thiệt thòi lớn. Bởi vậy, thông qua lớp học tiếng Việt, tôi muốn con được biết về quê hương, về nơi bố mẹ sinh ra và con có thể giao tiếp được tiếng Việt”.
Cùng có chung suy nghĩ, anh Trần Hải Minh (phụ huynh của 2 bé đang học tại lớp tiếng Việt) cho biết: “Tôi rất trân trọng tấm lòng của các cô giáo tình nguyện viên. Các cô đã luôn hết lòng hỗ trợ và dạy bảo con tôi, thấy cháu có thể gọi được “Mẹ ơi”, “Bố ơi” và nói nhiều từ tiếng Việt khiến chúng tôi rất hạnh phúc. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là con có thể giao tiếp được với ông bà khi trở về quê hương”.
Là một người Nhật Bản nhưng có nhiều năm dành tâm huyết cho việc dạy tiếng Việt, Giáo sư Shimizu Masaaki - Trưởng Bộ môn Tiếng Việt, Đại học Osaka (Nhật Bản) cho biết: “Số lượng người Việt Nam hiện đang sinh sống tại Nhật Bản đã vượt quá 560.000 người và chúng tôi tin rằng việc biết ngôn ngữ của nhau là vô cùng quan trọng để phát triển hơn nữa giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam. Hơn nữa, để biết ngôn ngữ và văn hóa của nhau, tôi nghĩ điều quan trọng là bạn phải nhận thức đầy đủ về ngôn ngữ và văn hóa của quê hương mình. Để đạt được mục tiêu đó, chìa khóa cho sự trao đổi Nhật Bản - Việt Nam trong tương lai là trẻ em Việt Nam tại Nhật tiếp thu vững chắc ngôn ngữ mẹ đẻ. Tôi kỳ vọng Trường Việt ngữ Cây Tre sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực kết nối các hoạt động trao đổi Nhật Bản - Việt Nam trong tương lai”.
Nỗ lực của Trường Việt ngữ Cây Tre trong việc gìn giữ ngôn ngữ dân tộc là một trong những hoạt động cụ thể, cùng với các hoạt động như Cuộc thi “Tìm kiếm Sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài”, xây dựng Tủ sách tiếng Việt… góp phần hưởng ứng Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài” giai đoạn 2023 - 2030.
Không chỉ được học chữ, các em còn được giới thiệu nhiều điều về quê hương, đất nước |
Với cộng đồng hơn 6 triệu người Việt sinh sống, làm việc, học tập tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới, tiếng Việt chính là sợi dây kết nối họ với quê hương, nguồn cội. Việc giảng dạy tiếng Việt cho thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ở nước ngoài chính là “thắp lửa” tình yêu quê hương, đất nước trong các em. Để mai đây, khi trưởng thành là công dân toàn cầu, các thế hệ trẻ người Việt ở nước ngoài không quên đi nguồn cội. Họ chính là những sứ giả truyền bá nét đẹp tiếng Việt và văn hóa Việt đến cộng đồng quốc tế./.