Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
 
 

LTS: Thể chế là một trong ba khâu đột phá chiến lược, được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong những năm qua, công tác lập pháp đã có những tiến bộ cả về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống và tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch. Hệ thống pháp luật đã thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, quy định mới của Hiến pháp, bám sát yêu cầu cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ cho việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước từ trung ương tới cơ sở. Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, thì hoạt động lập pháp cần phải có những đổi mới mang tính bứt phá, ở tầm cao mới, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước.

(ĐCSVN) - Các quan điểm của Đảng cho thấy hoạt động lập pháp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Đột phá về tư duy lập pháp có ý nghĩa then chốt để tháo gỡ vướng mắc về mặt pháp luật; khơi thông, huy động mạnh mẽ nguồn lực cho phát triển, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.

 

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo của Đảng, Đảng ta rất quan tâm đến hoạt động lập pháp, bởi đây là “khởi nguồn” của nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ cho phát triển đất nước, đặc biệt là nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. 

Tại Đại hội IX, Đảng ta chỉ rõ “Nâng cao hiệu quả trong hoạt động lập pháp và hiệu lực trong giám sát của Quốc hội” và đến Đại hội X, Đảng ta nhấn mạnh “Tăng cường hiệu lực và hiệu quả các hoạt động lập pháp”. Đáng chú ý, tại Đại hội này, Đảng ta xác định “Xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp...” , đây được xem là một bước tiến quan trọng trong tư duy lập pháp ở Việt Nam, mở ra việc hình thành cơ chế bảo vệ Hiến pháp và kiểm soát quyền lập pháp ở Việt Nam.

Để đến Đại hội XII, Đảng ta tiếp tục xác định: “Hoàn thiện cơ chế để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan dân cử, nhất là hoạt động lập pháp của Quốc hội”, qua đó xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Hội nghị lần thứ 10, khóa XIII của Đảng đã thống nhất cao về nhận thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Đến Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ là tiếp tục xây dựng, hoàn thiện chiến lược xây dựng pháp luật đồng bộ với tổ chức thi hành pháp luật. Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển bền vững về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường..., tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc; khơi dậy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Để thực hiện được yêu cầu này, Đại hội XIII của Đảng chỉ đạo: “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp” . 

Trên cơ sở đó, ngày 09/11/2022, Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới và trong Nghị quyết này có rất nhiều tư tưởng mới về đổi mới xây dựng pháp luật. Đây là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Bên cạnh các mục tiêu chủ yếu, Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng nêu rõ tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững. Trong đó, nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế”.

 Trong Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhân dân được xác định là người làm chủ theo quy định pháp luật và vận hành theo nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng"

Trong bài viết “Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: Pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Để thực hiện tốt công tác này cần có cơ chế kiểm soát hiệu quả việc thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng thành pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phải có quy trình xây dựng pháp luật chặt chẽ, khoa học, dân chủ để chính sách, pháp luật thể hiện được đầy đủ ý chí, nguyện vọng của nhân dân, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, khuyến khích đổi mới sáng tạo, thu hút mọi nguồn lực cho sự phát triển; nhưng cũng phải linh hoạt để kịp thời phản ứng chính sách, có giải pháp xử lý kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh làm chậm sự phát triển theo nguyên tắc bảo vệ, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc là trước hết và trên hết.  Là cơ quan thực hiện quyền lập pháp, Quốc hội cần đóng vai trò chủ đạo, có các giải pháp bảo đảm hệ thống pháp luật được ban hành đáp ứng được các yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần phát huy vai trò là cơ quan có thẩm quyền giải thích pháp luật để những vướng mắc trong thực thi các đạo luật được xử lý kịp thời, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. 

Các quan điểm của Đảng cho thấy hoạt động lập pháp có vị trí, vai trò rất quan trọng trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam. Ở đây, vai trò của Quốc hội không chỉ là cơ quan lập pháp, mà còn có chức năng quan trọng trong việc thể chế các định hướng, chủ trương lãnh đạo về chính trị của Đảng, tạo nền tảng pháp lý cho hoạt động bộ máy Nhà nước, và góp phần vào sự ổn định, phát triển của đất nước.

 

Thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới thực chất và hiệu quả hơn. Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, Quốc hội đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động trong các lĩnh vực lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Theo đó, Quốc hội rất chú trọng thay đổi cách thức xây dựng pháp luật để phản ứng kịp thời trước những vấn đề mới phát sinh mà pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh, không chờ sơ kết, tổng kết để sửa đổi một cách toàn diện; tập trung vào những vấn đề trọng tâm, cấp bách, có tính chất đột phá, tạo động lực phát triển; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế - xã hội, khuyến khích đổi mới sáng tạo. Tinh thần làm việc không có ngày nghỉ, không lễ, tết, không ngại ‘thâu đêm sáng đèn” vì quốc kế dân sinh đã và đang trở thành phương châm xuyên suốt của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.

Tinh thần làm việc không có ngày nghỉ, không lễ, tết, không ngại ‘thâu đêm sáng đèn” vì quốc kế dân sinh đã và đang trở thành phương châm xuyên suốt của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.
 

Việc ban hành số lượng luật lớn nhưng vẫn đảm bảo tinh thần cẩn trọng, kỹ lưỡng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đã thể hiện tinh thần nhập cuộc mạnh mẽ, tích cực của Quốc hội trong xây dựng pháp luật. Đây là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Về lập pháp, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Quốc hội đã thông qua 43 luật, hơn 60 Nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã ban hành 45 Nghị quyết và 3 pháp lệnh.

Đáng chú ý, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV cũng là kỳ họp có nhiều nội dung nhất, nhiều vấn đề lớn, nhiều dự án luật và dự án lớn với phương pháp tiếp cận làm việc mới và số lượng đề án nhiều nhất từ trước đến nay (Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, 3 nghị quyết; cho ý kiến 13 dự án Luật) nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, chính sách, khơi thông nguồn lực, khắc phục các điểm nghẽn, tất cả vì sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và bảo đảm đời sống của nhân dân.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu các cơ quan tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp.

Tại cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, Ủy ban Đối ngoại; lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp về kết quả hoạt động của các cơ quan từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV, chiều ngày 01/8, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các cơ quan tiếp tục đổi mới căn bản, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động lập pháp, bảo đảm quản trị quốc gia bằng Hiến pháp và pháp luật, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; quán triệt thực hiện Quy định 178-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Với tư cách người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn có thư gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, phát biểu tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã chỉ rõ, trong tổ chức hoạt động của Quốc hội vẫn còn có những tồn tại hạn chế cần sớm được khắc phục. Trong ba "điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực thì thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn".

Toàn cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.

Cùng với đó, chất lượng xây dựng, hoàn thiện pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; một số luật mới ban hành đã phải sửa đổi; các quy định chưa thực sự đồng bộ, còn chồng chéo; nhiều quy định còn khó khăn, cản trở việc thực thi, gây thất thoát lãng phí các nguồn lực; chưa tạo môi trường thực sự thuận lợi để thu hút các nguồn lực của các nhà đầu tư trong và nước ngoài. Tổ chức thực thi pháp luật, chính sách vẫn là khâu yếu; phân cấp, phân quyền chưa triệt để, chưa rõ trách nhiệm…

Tại kỳ họp này của Quốc hội, có lẽ một cụm từ được nhắc đến rất nhiều từ phiên khai mạc cho đến các phiên thảo luận, đó là cụm từ "thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn". Trong đó, có thể kể đến những thủ tục hành chính không cần thiết, rườm rà trong kinh doanh là nút thắt, sức cản lớn đối với người dân và doanh nghiệp, làm lãng phí thời gian, các nguồn lực xã hội và cơ hội đầu tư của doanh nghiệp...

Người đứng đầu Đảng đã yêu cầu, những tồn tại, hạn chế kéo dài đã nhiều năm cần khẩn trương khắc phục, không để cản trở phát triển, gây lãng phí, lỡ thời cơ phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới. Đây là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nhưng trọng trách rất lớn đặt lên vai của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và của Chính phủ.

 

Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị Quốc hội tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tổ chức và hoạt động theo tinh thần Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Trong đó, cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển, tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy không quản được thì cấm. Các quy định của pháp luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Luật chỉ quy định những vấn đề khung, những vấn đề có tính nguyên tắc, không cần quá dài. Những vấn đề thực tiễn biến động thường xuyên thì giao cho Chính phủ, địa phương quy định để đảm bảo linh hoạt trong điều hành. Tuyệt đối không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư. Đổi mới quy trình xây dựng tổ chức thực hiện pháp luật, bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không nóng vội nhưng không cầu toàn để mất thời cơ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể.

 

Đi cùng với đó, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu thường xuyên đánh giá hiệu quả chất lượng chính sách sau ban hành để kịp thời điều chỉnh bất cập, mâu thuẫn, giảm nhiều thất thoát, lãng phí nguồn lực, chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những điểm nghẽn có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm. Tập trung kiểm soát quyền lực trong xây dựng pháp luật, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm…

Một lần nữa, vai trò quan trọng của thể chế trong phát triển được người đứng đầu của Đảng khẳng định, thể hiện sự quyết tâm to lớn của Đảng trong việc hoạch định các đường lối chính sách khơi thông nguồn lực phát triển mà còn hướng về người dân, lấy người dân làm trung tâm, động lực của phát triển. 

Các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận tại Hội trường. 

Thực tế cho thấy, thời gian qua một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng tính khả thi không cao. Thực tiễn nóng bỏng của đất nước đang đặt ra những vấn đề cấp bách cần giải quyết, nhân dân đang mong chờ và kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, Nhà nước, của Quốc hội.

Để sớm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu chiến lược mà Đảng đã đề ra, đòi hỏi sự đột phá trong hoạt động lập pháp, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển. Đây là những thách thức không nhỏ nhưng cũng là cơ hội lớn để Quốc hội tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò, xứng đáng với niềm tin của cử tri, nhân dân cả nước và đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.

 

Nội dung: Nhóm phóng viên Ảnh: Nhóm phóng viên và nguồn Văn phòng Quốc hội
02/11/2024 15:46
zalo-icon
viber-icon

Ý KIẾN BÌNH LUẬN