Tạo đột phá về chất lượng, hiệu quả trong công tác truyền thông về bình đẳng giới
(ĐCSVN) - Lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới. Trong đó, Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức truyền thông, phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc ít người.
Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 nhóm dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 53 nhóm dân tộc thiểu số.
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) chiếm gần ba phần tư diện tích tự nhiên của cả nước, là địa bàn cư trú chủ yếu của 53 dân tộc thiểu số (DTTS) với 14,12 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước.
Vùng DTTS&MN có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái; tuy nhiên vùng DTTS&MN vẫn là vùng khó khăn nhất với tỷ lệ hộ nghèo cao hơn nhiều lần so với bình quân chung cả nước.
Khoảng cách giới trong các nhóm DTTS và giữa các nhóm DTTS với dân tộc Kinh vẫn tồn tại dai dẳng trong hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội, đặc biệt về địa vị kinh tế, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản và tham gia các hoạt động chính trị-xã hội-đoàn thể.
Trong cộng đồng người DTTS, phụ nữ và trẻ em gái thường là những đối tượng thiệt thòi hơn về khả năng tiếp cận các cơ hội, các nguồn lực, do các chuẩn mực xã hội áp đặt vị trí thấp kém hơn cho họ, giới hạn họ ở các hoạt động sinh con và sản xuất hộ gia đình. Sự đan xen của nhiều hình thức phân biệt đối xử trên cơ sở giới tính và dân tộc có ảnh hưởng phổ biến nhất.
Trong bối cảnh Việt Nam cam kết thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc, với nguyên tắc “Không bỏ ai ở lại phía sau” thì những vấn đề DTTS và thúc đẩy bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ ở vùng DTTS&MN càng cần được quan tâm đặc biệt.
Bên cạnh việc xây dựng khung khổ pháp luật quốc gia về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ, bao gồm các chính sách thúc đẩy bình đẳng giới thì công tác truyền thông nâng cao nhận thức về bình đẳng giới có ý nghĩa quan trọng, cần thiết và cấp thiết.
Tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, giáo dục giới tính cho học sinh ở xã Nậm Xây, huyện Văn Bàn, tỉnh Yên Bái |
Về vấn đề này, tại Nghị quyết số 28/NQ-CP ngày 03/3/2021 về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030, Chính phủ đề ra 06 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu 06 trong lĩnh vực thông tin, truyền thông.
Trong mục tiêu 06 có 04 chỉ tiêu: (1). Phấn đấu đạt 60% vào năm 2025 và 80% vào năm 2030 dân số được tiếp cận kiến thức cơ bản về bình đẳng giới; (2). Từ năm 2025 trở đi, 100% tổ chức Đảng, chính quyền, cơ quan hành chính, ban, ngành, đoàn thể các cấp được phổ biến, cập nhật thông tin về bình đẳng giới và cam kết thực hiện bình đẳng giới; (3). Từ năm 2025 trở đi, 100% xã, phường, thị trấn mỗi quý có ít nhất 04 tin, bài về bình đẳng giới trên hệ thống thông tin cơ sở; (4). Duy trì đạt 100% đài phát thanh và đài truyền hình ở Trung ương và địa phương có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng tháng.
Triển khai Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 23/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1790/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030 (Chương trình). Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới.
Mục tiêu của Chương trình là: Hằng năm, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân được truyền thông, phổ biến, cập nhật thông tin về pháp luật, chính sách về bình đẳng giới ít nhất 02 cuộc. Đến năm 2025, đạt 100% bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, triển khai hoạt động Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hằng năm. Phấn đấu đến năm 2030, nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 - 15% so với năm 2025. Phấn đấu đến năm 2025, đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông. Đến năm 2025, đạt 95% và đến năm 2030, đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới.
Thông qua các hoạt động truyền thông nhằm tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác bình đẳng giới cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hằng năm; Mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về bình đẳng giới trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em; nhân rộng các mô hình truyền thông về bình đẳng giới có hiệu quả…
Ủy ban Dân tộc được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì tổ chức truyền thông, phổ biến, giáo dục, vận động thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới cho đồng bào dân tộc ít người; có lộ trình đào tạo cán bộ truyền thông giỏi tiếng dân tộc theo địa bàn phụ trách để phát huy hiệu quả truyền thông về bình đẳng giới; tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc ít người phát huy các phong tục, tập quán và truyền thống tốt đẹp của dân tộc phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.
Sinh hoạt chuyên đề về bình đẳng giới tại bản Cây Me, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An |
Thực hiện Chương trình, nhiều địa phương cơ sở vùng DTTS&MN đã tích cực thực hiện công tác truyền thông các chuyên đề về phòng chống tảo hôn; phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em trong trường học, thiết thực góp phần nâng cao kiến thức cho trẻ em về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em, giúp các em biết bảo vệ mình khỏi các hủ tục lạc hậu.
Hoặc tổ chức các cuộc sinh hoạt chuyên đề về bình đẳng giới giúp đồng bào nhận diện được các kiến thức về định kiến giới, khuôn mẫu giới, khoảng cách giới; những chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề này…
Hình thức truyền thông rất đa dạng và sáng tạo. Ngoài truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông qua hệ thống loa phát thanh còn có các hình thức khác như phát tờ rơi, tờ gấp, biểu diễn tiểu phẩm tại chợ phiên, tổ chức các hội thi tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới…
Hy vọng bằng nhiều hình thức truyền thông đa dạng sẽ tạo bước đột phá về chất lượng, hiệu quả trong công tác truyền thông về bình đẳng giới; nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, chuyển đổi hành vi và ủng hộ tích cực của toàn xã hội trong công tác bình đẳng giới, góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững./.